21/11/2024 | 16:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tướng quân nhặt rác

Dư Hồng Quảng
Đến thành cổ Osaka, ai cũng trầm trồ, thán phục khi tham quan một trong những thành trì nổi tiếng nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVI. Tôi từng xem những bộ áo giáp, binh khí của Nhật Bản xưa trong các bảo tàng tại Tokyo. Đến cổng thành Osaka, tôi mới được chụp hình với một ông già trong bộ giáp binh tướng quân.

Tại các di tích lịch sử trên thế giới, du khách chụp hình với những người đóng vai hiệp sĩ, tướng quân là chuyện bình thường. Nhưng tướng quân ở cổng thành Osaka thì rất khác.

Tôi thật bất ngờ khi trên đường từ trong thành cổ đi ra, thấy vị tướng quân oai phong ấy đang cúi mình thu lượm những mẩu rác nhỏ nhất lọt trong khe bờ rào. Hóa ra ông già đóng vai tướng quân không chỉ để chụp ảnh làm vui lòng du khách. Nhìn hình ảnh vị tướng quân nhặt rác, du khách không nỡ vứt rác ra đường. Tôi chợt hiểu vì sao mỗi ngày có tới 30.000 lượt du khách tham quan mà khuôn viên thành cổ Osaka lại sạch sẽ đến vậy.

Không chỉ ở Tokyo hay Osaka mà ở Nhật Bản, nơi nào cũng sạch đẹp vì có những người dân như ông già đóng vai tướng quân tôi đã chụp ảnh cùng. Thích làm việc, thích cống hiến, có lẽ đó là tác phong rất đặc trưng của người Nhật. Giữ gìn môi trường, làm đẹp hình ảnh đất nước cũng là lòng tự trọng của người Nhật.

Tại trạm dừng chân Nexco Express, tỉnh Kanagawa, tôi đã chứng kiến một người mẹ hướng dẫn 2 con nhỏ nhận biết các ngăn trước khi bỏ rác vào thùng. Những việc làm như thế này không chỉ giảm bớt vất vả cho những người làm nghề xử lý rác thải, giúp cho môi trường sống trong lành. Quan trọng hơn, khi tập phân loại rác cho trẻ ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ em Nhật Bản sớm hình thành tính cẩn thận, biết suy xét, và trên hết là dạy các em có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, biết yêu lao động và cảm thông với người lao động.

Người Nhật được rèn tính tự lập từ nhỏ. Trong ba lô mỗi em đeo sau lưng luôn có chiếc giẻ lau. Các trường học ở Nhật thường không có nhân viên dọn vệ sinh. Học sinh phải tự quét lớp, dọn phòng vệ sinh, rửa bát đĩa, lau bàn ghế, cửa kính.

Học cùng lớp với tôi tại Canada là bạn Yuko Tsukihashi, hiện là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường tiểu học tỉnh Ehime. Yuko cho biết, mỗi tuần các em nhỏ đều được học các bài về đạo đức. Ý thức bảo vệ môi trường là 1 trong 4 nội dung trọng tâm của chương trình dạy đạo đức cho học sinh. Theo quy định của ngành giáo dục Nhật Bản, 4 nội dung đó là: (1) Đối với bản thân, phải độc lập, tự mình làm theo khả năng, sống điều độ, khiêm nhường; (2) Đối với người khác phải lịch thiệp và trung thực trong giao tiếp và hành động; (3) Đối với tự nhiên phải gìn giữ môi trường và trân quý các sinh linh; (4) Đối với cộng đồng xã hội phải giữ chữ tín, thượng tôn pháp luật và ý thức về bổn phận cống hiến.

Thấy tôi cứ tấm tắc về câu chuyện giữ gìn vệ sinh môi trường của nước bạn, Tiến sĩ Võ Minh Vũ - Phó Trưởng khoa Đông phương (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) - cho biết, không phải ngay từ đầu người Nhật đã có được ý thức tự giác gìn giữ môi trường như bây giờ. Nhiều nơi ở ta phải ghi biển “cấm đái bậy” để mong hạn chế thói quen tùy tiện này của một số người Việt. Phóng uế tùy tiện cũng từng xảy ra ở Nhật Bản trước khi nước này mở cửa với thế giới. Khi ấy, giới trí thức và quan chức Nhật Bản cho rằng hành vi thiếu văn hóa trên làm mất mặt người Nhật trước các nước văn minh phương Tây.

Tiến sĩ Võ Minh Vũ nói rằng, trong tín ngưỡng của người Nhật thì miếu thờ thần đạo là nơi trú ngụ linh hồn của đất trời, cây cỏ, sinh linh vạn vật. Vì vậy, cứ chỗ nào người dân hay tùy tiện phóng uế, chính quyền đều đặt biển báo đó là nơi thờ thần đạo. Đồng thời, nhà vệ sinh công cộng được xây dựng ở những vị trí hợp lý. Giải pháp này đã xóa bỏ hẳn một hiện tượng phi văn hóa và đến nay vẫn là câu chuyện thú vị, đáng cho chúng ta cùng suy ngẫm.

Vẫn nghe, khi ra thế giới, người Nhật cứ thấy rác là nhặt. Chuyện những cổ động viên Nhật Bản nhặt rác sau các trận bóng đá khiến chúng ta nể trọng. Người Nhật có được vị thế kinh tế, trình độ văn minh khiến cả thế giới kính nể hôm nay đều vì lòng tự trọng quốc gia đã chuyển thành lòng tự trọng của mỗi người dân bình thường, hay là lòng tự trọng của mỗi người dân bình thường đã làm thành vị thế quốc gia. Theo chiết tự thì Nhật là Mặt trời, Bản là nguồn gốc, Nhật Bản nghĩa là nơi nguồn gốc của Mặt trời, là “đất nước Mặt trời mọc”. Đến Nhật Bản, một phần trong tôi như vừa được khai sáng./.

27 March 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)