Nguồn cội và đức tin
Dư Hồng QuảngSau 2 năm tạm dừng vì đại dịch COVID-19, Lễ hội Đền Hùng năm nay được khôi phục trở lại, đáp ứng mong mỏi của đông đảo đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Trong những ngày chính hội vừa qua, đã có hơn 1 triệu lượt người về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở Phú Thọ.
Nhiều năm nay, cùng với tỉnh Phú Thọ, nhân dân các tỉnh, thành phố có cơ sở thờ tự Vua Hùng đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ tổ tiên. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức giữa vùng biển đảo Trường Sa, ngay trên sân đỗ trực thăng của tàu KN 491. Thật vinh dự hôm đó, đúng ngày 10-3 âm lịch, tôi được đại diện cho người đất Tổ phát biểu trước đoàn Việt kiều tiêu biểu trở về từ 24 nước.
Tôi kể trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả), có lăng Vua Hùng thứ sáu. Trong lăng còn ghi lời Vua “Khi ta chết, hãy chôn ta trên núi Cả. Ở trên cao, ta sẽ trông nom bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau”. Cạnh lăng mọc bụi tre đằng ngà vàng óng, gợi nhớ truyền thuyết Thánh Gióng. Chuyện rằng thời Vua Hùng thứ sáu, giặc Ân sang xâm lược nước ta. Nghe lời nhà vua kêu gọi, một cậu bé 3 tuổi ở làng Gióng đã vươn mình thành tráng sĩ, cưỡi ngựa sắt ra quân giúp nước. Khi roi sắt gẫy, tráng sĩ đã nhổ tre đằng ngà đánh giặc. Ngựa sắt phun lửa khiến những bụi tre đằng ngà vàng óng cho đến ngày nay.
Trò chuyện với các kiều bào sau đó, có người đã hỏi tôi Vua Hùng thứ sáu tên là gì, vì sao 18 đời vua Hùng mà trị vì tới hơn 2.600 năm, phải chăng có vị làm vua hàng trăm năm. Tôi nói, theo truyền thuyết được chép trong ngọc phả Hùng Vương thì các Vua Hùng đều sống rất thọ, nhiều vị sống 200 - 300 năm. Tổ phụ của người Việt là Kinh Dương Vương, thọ 260 tuổi. Vua Hùng thứ sáu là Hùng Huy Vương. Hoàng tử Lang Liêu nối ngôi là Vua Hùng thứ bảy, gọi là Hùng Chiêu Vương. Triều đại Hùng Vương truyền đến đời thứ 18 là Hùng Duệ Vương thì nhường ngôi cho Thục Phán An Dương Vương.
Ngọc phả là của đời sau, dù không phải là chính sử nhưng nó ghi chép sự kiện, lưu truyền đức tin. Kinh Thánh, Kinh Phật cũng lưu truyền đức tin. Theo Kinh Thánh, trước trận Đại hồng thủy, loài người thường sống rất thọ, khoảng 300 năm đến 900 năm. Tổ phụ của người Do Thái là Abraham. Khi Abraham 100 tuổi và bà Sarah 90 tuổi đã sinh con trai là Isaac. Isaac kết hôn với Rebekah, sinh ra Jacob. Sau đó, Thiên Chúa đã đổi tên của Jacob thành Israel. 12 con trai của Jacob sau phát triển thành 12 bộ tộc, trở thành quốc gia của Israel.
Trước mùa lễ hội năm nay, thăm Khu di tích Đền Hùng, Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar đã rất chú ý câu chuyện được kể tại Đền Hạ. Đây tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành 100 con trai, những người mở mang xây dựng quốc gia của người Việt. Hiện nay bên cạnh Đền Hạ có giếng cổ, được cho là nơi Mẹ Âu Cơ đã tắm cho 100 con trai.
Xét về khoa học thì loài người không thể đẻ trứng, một người không thể thọ mấy trăm tuổi. Đó chỉ là huyền sử, là truyền thuyết. 18 đời Vua Hùng có lẽ không phải là 18 vị vua cụ thể mà là 18 chi (nhánh/ngành). Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, các đời Hùng Vương không chỉ là một ông vua duy nhất mà có thể là một bộ tộc với nhiều thủ lĩnh thay phiên nhau cai trị và dùng chung một vương hiệu là Hùng Vương.
Nước ta thời cổ đại gọi là Giao Chỉ. Chính sử đầu tiên chép về Vua Hùng là cuốn “Đại Việt sử lược” viết bằng chữ Hán, do Nguyễn Gia Tường dịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993. Theo đó, ngày xưa, hoàng đế ở trung nguyên, thấy đất Giao Chỉ xa xôi, không thể thống thuộc được, bèn phân giới hạn ở góc Tây Nam. Ở bộ Gia Ninh bấy giờ có người lạ, dùng thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang (Việt Trì ngày nay), đặt quốc hiệu là Văn Lang, truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương.
Những câu chuyện về tổ tiên được ghi chép khác nhau trong huyền sử và chính sử, đó là lẽ thường. Niềm tin chung một tổ tiên, đó mới là ý nghĩa lớn lao. Niềm tin trở thành đức tin, giúp người Israel đoàn tụ, lập quốc sau hàng nghìn năm lưu tán khắp thế giới. Cũng như vậy, niềm tin chung một cội nguồn đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù trong suốt chiều dài lịch sử.
Ngày nay, không phân biệt quan điểm, chính kiến, trong nước hay nước ngoài, đồng bào ta ở bất cứ nơi đâu cũng chung một niềm tin, cùng một tâm nguyện: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm”./.