20/05/2024 | 13:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thiên đường dưới chân mẹ

Dư Hồng Quảng
“Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Lời ca gan ruột này của nhạc sĩ Trần Tiến khiến ai nghe cũng thấm thía.

Còn mẹ là niềm hạnh phúc to lớn nhất. Trong Kinh Koran của đạo Hồi có 2 đoạn nhắc nhở các tín đồ rằng, mẹ họ đã mang nặng đẻ đau và cho họ bú 24 tháng đến 30 tháng để họ khôn lớn thành người. 

Hạnh phúc ở đâu, thiên đường ở đâu, nhà tiên tri Mahomet dạy rằng: “thiên đường ở dưới chân các bà mẹ” (trích trong cuốn “Lịch sử văn minh Ả rập”, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2021).

Trung Quốc thời nhà Hán có ông Hàn Bá Du, dù đã lớn nhưng mỗi lần mắc phải lỗi lầm đều bị mẹ đánh. Du biết lỗi không bao giờ khóc. Đến một lần phạm lỗi, bị mẹ đánh, Du khóc thật to. 

Người mẹ ngạc nhiên hỏi vì sao lại khóc. Du giải thích vì những lần trước mẹ đánh, cảm thấy rất đau nên biết mẹ còn khỏe, còn lần này mẹ đánh không thấy đau như trước nên biết mẹ đã yếu. Nghĩ thương mẹ già yếu, thời gian mẹ còn sống trên đời chẳng còn được bao lâu nên Du bật khóc.

Hiếu thuận là cội rễ của đạo làm người. Ở Việt Nam có câu “cha là Bồ tát tại gia, mẹ là Phật sống trong nhà con ơi”. Khi cha mẹ còn thì chăm lo, phụng dưỡng. Khi cha mẹ mất thì thờ cúng để luôn tưởng nhớ công ơn. 

Cả nước thờ cúng chung một tổ tiên, đó là Giỗ Tổ. “Con người có tổ có tông, Như cây có cội, như sông có nguồn” là những dòng chữ khắc trên đá tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Thiêng liêng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, vì đó là ngày cả dân tộc cùng tôn vinh chữ hiếu. 

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cách đây mấy năm, để chuẩn bị đón đoàn Việt kiều tiêu biểu về với cội nguồn dân tộc nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ đã làm một phim tài liệu song ngữ. 

Lời bình mở đầu như sau: “tiếng gọi đầu tiên của một đời người bắt đầu là mẹ. Rồi những bài học đầu đời con trẻ cũng bắt đầu từ mẹ, từ cha. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Ơn nghĩa sinh thành của một dân tộc hướng về tổ tiên khai thiên lập địa, để mỗi người sinh ra trên đời luôn ghi nhớ: con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn. Ai xuôi về biển, ai ngược lên ngàn, dù có đi hết sông, cùng biển, rồi bàn chân cũng tìm về nguồn cội, nơi ta đã sinh ra”.

Mẹ và quê hương luôn thật đẹp, thật thân thương trong tác phẩm của chàng trai vừa được Trung ương Đoàn bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm qua: ca sĩ Nguyễn Đức Cường (rapper Đen Vâu). 

Hội đồng giải thưởng đánh giá anh là rapper hàng đầu Việt Nam, người truyền cảm hứng sống và cống hiến cho cộng đồng. Giai điệu luôn trẻ trung mới lạ nhưng lời hát thì mộc mạc hồn quê, đó là cách anh lan tỏa những điều bình dị mà cao cả.

Nghe một đôi lần, nhiều người có thể nhớ những lời ca như: “đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa; thất bát, vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta... Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy, chính là mẹ; sai lầm đầu tiên là nhờ ai chỉnh sửa, chính là mẹ. Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ...”.

Nghe lời hát về mẹ của Đen Vâu khiến tôi nhớ câu “ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn lên mắt mẹ nghe không”. Lại nhớ mấy dòng Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết tại Medford nhân mùa vu lan báo hiếu năm 1962: “những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành. Người hát, người nghe, ai cũng cảm động về tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có”.

Vì sao những bài hát về mẹ lại dễ hát và hay, vì nó chạm đến tình cảm sâu nặng nhất. Thiền sư Thích Nhất Hạnh lý giải: “tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Chỉ cần nghe đến từ “mẹ”, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi”. 

Ngẫm lời thầy Thích Nhất Hạnh, tôi càng thấm thía vì sao người sáng lập đạo Hồi lại nói: “thiên đường ở dưới chân các bà mẹ”./.

10 April 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)