Rồi sẽ hết thời “không quản được thì cấm”
Nguyễn Tri ThứcTrong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sáng 21-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Đáng chú ý, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng: “trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực...
Thủ tục hành chính còn rườm rà, phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; bộ máy hành chính nhà nước một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp... Trong số 3 vấn đề cần tập trung quán triệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhắc phải dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
“Không quản được thì cấm” lâu nay vốn là câu nhận xét cửa miệng của nhiều người dân, doanh nghiệp, thể hiện sự chán nản của người dân, xã hội khi nhắc đến việc gì đó bị cấm mà thiếu thuyết phục, không dựa trên cơ sở luật pháp và yêu cầu của thực tiễn. Mà việc cấm, quản này xảy ra trên khá nhiều lĩnh vực, với nhiều cấp độ khác nhau, ở nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau, trong những giai đoạn khác nhau.
Ví như sau khi xảy ra những vụ cháy thảm khốc tại không ít chung cư mini, có ý kiến cho rằng nên cấm loại hình nhà ở này, bởi nguy hiểm tiềm ẩn, nhất là dễ xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và của.
Tuy nhiên, những nơi ở với giá thuê, giá bán rẻ như chung cư mini vẫn được nhiều người tìm đến, bởi mức giá hợp túi tiền của nhiều đối tượng là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp... Vì vậy, cần tìm biện pháp hữu hiệu để quản lý nghiêm, chặt chẽ thay vì cấm.
Và theo Điều 57 Luật Nhà ở 2023, từ ngày 1-8-2024, cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Khoản 3, Điều 54 của luật này xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, để cho thuê mua, để kết hợp bán, cho thuê mua, cho thuê căn hộ; nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên (chung cư mini) để cho thuê thì phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở...
Thêm một ví dụ khác. Vào sáng 24-8-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên họp thứ 25, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Liên quan đến Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định rất phù hợp thực tiễn rằng: “Việc hình thành các quỹ ngoài ngân sách trên tất cả các lĩnh vực là cần thiết để hỗ trợ Nhà nước, vì “miếng bánh” ngân sách nhà nước có hạn, không thể nào có nguồn bảo đảm tất cả. Vấn đề là quản lý thế nào, bởi thực tế nhiều quỹ hoạt động kém do nguồn hình thành không rõ ràng, không minh bạch nên “quản không được thì cấm”; mô hình tổ chức hoạt động không thống nhất, mỗi ông làm mỗi kiểu”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “nên nghiên cứu ban hành luật quản lý quỹ ngoài ngân sách để quản lý cụ thể, thiết thực, không nên loay hoay bàn có duy trì quỹ hay không. Ta cứ thả nổi nên mới nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm cũng như có các vấn đề phức tạp. Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng luật, không ở nhiệm kỳ này thì cho nhiệm kỳ sau”.
Thậm chí, ngay cả việc không quản lý được tình trạng đòi nợ thuê cũng nêu ý kiến cấm kinh doanh dịch vụ này. Nhưng thực tế, hoạt động đòi nợ thuê vẫn diễn ra, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến bao người dân nghèo vì trả nợ và lãi (cắt cổ) đã lâm cảnh bần cùng, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát.
Ý kiến đặt ra là, tại sao không thiết lập, hình thành ngành nghề, dịch vụ đòi nợ văn minh, được pháp luật thừa nhận với những quy định pháp lý khắt khe, thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu cả bên cho vay và đi vay?
Có thể kể thêm nhiều ví dụ liên quan đến tình trạng “không quản được thì cấm” khác, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví như ý kiến cấm nấu rượu thủ công khi xảy ra nhiều vụ ngộ độc methanol. Thực tế, việc ngộ độc methanol không phải do việc nấu rượu thủ công, mà nguyên nhân chính là do quản lý methanol.
Hay có ý kiến từng đề nghị cấm xe taxi công nghệ khi loại hình vận tải này đe dọa sự sống còn của xe taxi truyền thống...
Rồi chuyện có một số ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước “không quản lý được thì cấm” đối với việc mua bán vé xổ số online, mua hộ vé số. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp rà soát, kiểm tra để chấn chỉnh các hành vi cố tình làm trái quy định của pháp luật...
Thậm chí, ngay trong khi xảy ra đại dịch COVID-19 và khi dịch đã được kiểm soát, một số cơ quan quản lý và địa phương vẫn để xảy ra tình trạng “không quản được thì cấm”, gây ra những khó khăn, bất cập, cản trở những doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi do đại dịch gây ra...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng không quản được có nhiều, có thể do luật pháp chưa theo kịp sự vận động của cuộc sống, do sự cứng nhắc, thậm chí cửa quyền, gây khó dễ của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương...
Từ sự nhắc nhở quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rằng phải dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” khi yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, có thể thấy những gì đã cũ kỹ, lạc hậu thì phải điều chỉnh, thay đổi, bổ sung cho hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển.
Đó chính là sự thay đổi tư duy theo chiều hướng tích cực, tiến bộ, nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh, vững bền đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng./.