20/09/2024 | 18:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giấc mơ hồi sinh thời kỳ huy hoàng của ngành bán dẫn Nhật Bản

La Tuấn
Giấc mơ hồi sinh thời kỳ huy hoàng của ngành bán dẫn Nhật Bản Sản phẩm của nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Nhật Bản JSR_Ảnh: TL
Vài năm gần đây, Nhật Bản dốc toàn lực vào ngành bán dẫn thông qua việc hỗ trợ xây dựng các nhà máy mới và triển khai hỗ trợ rộng rãi với mục tiêu giành lại sự thống trị trong lĩnh vực này, cũng như hồi sinh thời kỳ huy hoàng một thời trước đây.

Trong lĩnh vực này, Nhật Bản không hề đơn độc. Trên thế giới, các chính phủ đang thực thi những sáng kiến nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận các con chip, trong đó nhiều chính phủ nỗ lực phát triển năng lực của chính họ và cách ly các chuỗi cung ứng khỏi những căng thẳng địa - chính trị.

Một trong những “bảo vật” của Nhật Bản chính là Rapidus Corporation - liên doanh sản xuất chip do chính phủ hậu thuẫn và được 8 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản như Toyota, Kioxia, Sony, SoftBank, NEC, MUFG, NTT, Denso hỗ trợ. 

Theo đó, liên doanh này đang nỗ lực tạo ra một “Thung lũng Hokkaido” có thể cạnh tranh với “Thung lũng Silicon” ở California (Mỹ), đồng thời thu hút các “ông lớn” như ASML Holding - một công ty của Hà Lan và hiện là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Đằng sau những sáng kiến này là các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ yên hoặc thậm chí là hàng nghìn tỷ yên. Điều này nhấn mạnh thực tế đơn giản: chất bán dẫn đang là ngành kinh doanh khổng lồ. Theo báo cáo của EY hồi tháng 4-2023, thị trường bán dẫn có trị giá khoảng 618 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, giá trị và tầm quan trọng chiến lược đó cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức đáng kể, từ nhân sự đến nhu cầu đầu tư liên tục, trong nỗ lực giành lại sự thống trị trong lĩnh vực này ở quá khứ.

“Canh bạc” không hoàn toàn mới

Quay trở lại thời điểm những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản từng là một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất toàn cầu nhờ sự đầu tư của chính phủ và khu vực tư nhân. Năm 1988, các công ty Nhật Bản chiếm 51% doanh số bán hàng trên toàn thế giới. 

Năm 1989, Nhật Bản chiếm 6 vị trí trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp chip lớn nhất thế giới, bao gồm NEC (số 1), Toshiba (số 2), Hitachi (số 3), Fujitsu (số 5), Mitsubishi (số 7), Matsushita (số 9). Do vậy, đối với Nhật Bản, việc hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn huy hoàng một thời này không phải là một “canh bạc” hoàn toàn mới.

Nhà phân tích Pierre Cambou của Tổ chức Yole Group, chuyên cung cấp phân tích thị trường bán dẫn, cho biết thành công của Nhật Bản từng được coi là “bí kíp” để Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc phát triển kinh tế mà không cần tốn chút tài nguyên thiên nhiên nào.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại với Mỹ đã cản trở thành công của Nhật Bản khi một số quan chức Mỹ cáo buộc các công ty Nhật Bản tràn ngập thị trường và “hất cẳng” các công ty Mỹ, đồng thời cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản. Điều này dẫn đến Hiệp định Bán dẫn Mỹ - Nhật vào năm 1986, cho phép các quan chức Mỹ giám sát việc định giá và tạo điều kiện để tiếp cận thị trường bán dẫn của Nhật Bản.

Sau đó, các đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản, trong đó có Hàn Quốc, đã giành được lợi thế trong lĩnh vực này, trong khi các công ty bán dẫn của Nhật mất khả năng cạnh tranh khi thị trường dịch chuyển. Theo Hiệp hội Công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử Nhật Bản, nước này ước tính chỉ chiếm 7% sản lượng bán dẫn trong năm 2021.

Dù vậy, bên cạnh nỗ lực tìm lại hào quang trong quá khứ, chủ trương này của Nhật Bản còn được tạo đà thêm bởi những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế năng lực sản xuất chip của Trung Quốc. Động thái này của Mỹ dẫn đến một loạt hạn chế đối với các mặt hàng xuất khẩu liên quan của Washington và các đồng minh, cũng như tạo ra một sự rung chuyển trong các chuỗi cung ứng công nghiệp.

Jun Okamoto - trưởng nhóm sản xuất công nghiệp của KPMG Nhật Bản - cho biết: “xem xét những rủi ro địa - chính trị đang diễn ra, chẳng hạn như vấn đề Mỹ - Trung, nhiều khả năng Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định để bảo đảm cơ sở sản xuất chất bán dẫn mang ý nghĩa chiến lược trong khu vực này, một phần để đáp ứng nhu cầu của ngành”.

Để nâng cao vị thế của Nhật Bản trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã liên lạc với người đứng đầu các công ty và hiệp hội hàng đầu trong ngành để thu hút đầu tư hơn nữa, đồng thời chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách trợ cấp quan trọng.

Tháng 12-2023, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông báo sẽ hỗ trợ 20 tỷ yên (140 triệu USD) cho một cơ sở nghiên cứu và phát triển chip mà Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ xây dựng ở thành phố Yokohama, phía Tây Nam Thủ đô Tokyo. 

Theo kế hoạch, Tập đoàn Samsung sẽ đầu tư 40 tỷ yên cho cơ sở sản xuất mới này, trong đó METI sẽ cung cấp một nửa số vốn. Cơ sở mới sẽ tập trung vào lĩnh vực đóng gói chip - lĩnh vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quy trình sản xuất chip, khi ngành này đang tìm cách sản xuất những siêu chip mạnh hơn bao giờ hết.

Đầu tháng 4-2024, Chính phủ Nhật Bản công bố khoản trợ cấp mới trị giá 590 tỷ yên (3,7 tỷ USD) cho Rapidus nhằm trang bị các thiết bị sản xuất chip và phát triển các quy trình sản xuất chip cao cấp 2nm tiên tiến nhất hiện nay với hy vọng có thể sản xuất thương mại vào năm 2027. Với khoản trợ cấp mới, tổng số tiền hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cho Rapidus đã lên tới 920 tỷ yên (5,8 tỷ USD).

Cùng với sự thành lập Rapidus, trong năm 2022, Nhật Bản đã thành lập Trung tâm Công nghệ bán dẫn tiên tiến (LSTC) bao gồm Rapidus và các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu để đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các thiết kế và công nghệ sản xuất chất bán dẫn thế hệ tiếp theo. 

Theo ông Okamoto, trong khi METI “hướng đến mục đích thu hút các công nghệ tiên tiến như AI, chất bán dẫn hiệu suất cao và hệ thống quang tử”, Nhật Bản trước tiên sẽ phải phát triển năng lực của riêng nước này trong các lĩnh vực trên. Cuối cùng, các quan chức đang đặt mục tiêu tăng doanh thu bán dẫn hàng năm lên hơn 13.000 tỷ yên (83 tỷ USD) vào năm 2030.

Khó khăn thực tế

Trên thực tế, Nhật Bản sẽ phải vượt qua một loạt thách thức để tự định vị là một trung tâm bán dẫn có sức hấp dẫn toàn cầu. Nhà phân tích Cambou nhận định, sự hỗ trợ của chính phủ thông qua cấp đất, miễn thuế, trợ cấp và hạn chế nhập khẩu là những ưu điểm hỗ trợ quan trọng khi nói đến việc phát triển các trung tâm sản xuất chip.

Tuy nhiên, Masaru Tsuchiya - đối tác tại Văn phòng McKinsey ở Tokyo - lại cho rằng, mặc dù chính phủ đã cung cấp nguồn vốn ban đầu dồi dào để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực này, nhưng một thử thách quan trọng sẽ là liệu các công ty có làm theo hay không. 

Bên cạnh đó, ngay cả nguồn tài chính đầy đủ cũng cần phải phù hợp với lực lượng lao động có trình độ, hoạt động R&D và đầu tư liên tục. Ông Tsuchiya nói thêm: “thách thức là liệu Nhật Bản có thực sự duy trì được khả năng cạnh tranh hay không? Chính phủ đã đặt nền móng, nhưng liệu khu vực tư nhân có thể tiếp tục sự đổi mới này trong tương lai hay không?”.

Bên cạnh đó, khi các nhà máy bán dẫn bắt đầu xuất hiện ở các thị trấn, các công ty đã phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, trong đó nhà máy đầu tiên tại Kumamoto của TSMC (Đài Loan) phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và nhân sự.

Cạnh tranh khốc liệt

Song song với nỗ lực của Nhật Bản, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong lĩnh vực này cũng ngày càng gia tăng. Trong khi Đài Loan duy trì sự thống trị mạnh mẽ trên thị trường này, các quốc gia khác ở châu Á như Malaysia, Singapore và Indonesia cũng đang chú trọng đáng kể vào chất bán dẫn.

Ví dụ, Singapore đã nổi lên như một sự lựa chọn hấp dẫn cho các nhà máy và cơ sở liên quan đến chất bán dẫn một phần nhờ vào năng lực hậu cần của nước này, qua đó khiến Tập đoàn thiết kế và sản xuất hợp đồng bán dẫn GlobalFoundries (Mỹ) và Công ty Soitec chuyên sản xuất chất nền dùng trong sản xuất chất bán dẫn của Pháp khai trương hoặc mở rộng tại Singapore trong năm 2023. 

Chính phủ Singapore đã triển khai các khoản trợ cấp hàng tỷ USD để khuyến khích sản xuất và phát triển. Ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore cũng được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh gia tăng trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip. Công ty Statisia ước tính rằng, doanh thu trong lĩnh vực này sẽ đạt 45,36 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài ra, nhà phân tích Cambou cho rằng, Trung Quốc cũng có thể được coi là quốc gia dẫn đầu tiềm năng trong lĩnh vực này, bất chấp các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn. Ông nói: “trong tương lai, không phải là không có khả năng Trung Quốc có thể nổi lên như một nhà lãnh đạo, vì họ đáp ứng hầu hết các tiêu chí để thống trị lĩnh vực bán dẫn”. 

Ông cũng lưu ý rằng, các biện pháp mạnh mẽ mà Mỹ áp dụng nhằm áp đặt lệnh cấm xuất khẩu công nghệ đối với các công ty Trung Quốc như Huawei đã đẩy nhanh quá trình thay thế trong nước và “tạo ra một trung tâm bán dẫn có thể thống trị thế giới”.

Có thể thấy rõ Nhật Bản đang nóng lòng muốn giành lại vị thế cường quốc bán dẫn để mất vào tay Đài Loan và Hàn Quốc. Mặc dù nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang bỏ ra hàng chục tỷ USD với hy vọng hồi sinh ngành bán dẫn hùng mạnh một thời, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, chỉ với duy nhất chính sách công nghiệp sẽ không đủ để giúp phục hồi ngành công nghiệp chất bán dẫn. 

Chính phủ Nhật Bản cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo đảm các chính sách công nghiệp khác nhau đều góp phần vào sự thành công của ngành bán dẫn. Công việc này đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các công ty chất bán dẫn và các công ty liên quan khác, xem xét thành công và thất bại của các nỗ lực chính sách công nghiệp cũng như nhanh chóng sửa đổi chính sách nếu cần thiết./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện