20/09/2024 | 18:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sức mạnh và rủi ro an ninh quốc gia

Phạm Nhẫn
Sức mạnh và rủi ro an ninh quốc gia Công nghiệp bán dẫn góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh chung cho quốc gia và vùng lãnh thổ_Ảnh minh họa
Công nghiệp bán dẫn giúp gia tăng sức mạnh quốc gia, song lĩnh vực này cũng đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đối với an ninh, phát triển của quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong thế giới hiện đại, quá trình số hóa càng tiến triển, ngành công nghiệp bán dẫn càng trở nên quan trọng. Sản phẩm của công nghiệp bán dẫn được sử dụng rất sâu rộng, đóng vai trò then chốt ở thành phẩm cuối cùng của quá trình sản xuất hàng hóa. 

Bán dẫn không thể thiếu đối với các nền kinh tế ở mọi nơi trên thế giới, nhưng không phải nơi nào cũng gây dựng nên và phát triển được ngành công nghiệp bán dẫn riêng. Hiện tại, sản phẩm bán dẫn được sản xuất chỉ ở một vài nơi trên thế giới. Đại đa số các nền kinh tế trên thế giới lệ thuộc vào cung ứng sản phẩm bán dẫn từ các đối tác nghiên cứu và phát triển được ngành công nghiệp này.

Vị trí trọng tâm

Công nghiệp bán dẫn góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh chung cho quốc gia và vùng lãnh thổ trước hết vì tầm quan trọng to lớn, vì ý nghĩa quan trọng sống còn của sản phẩm bán dẫn đối với hoạt động của nền kinh tế - xã hội. 

Làm chủ công nghệ, gây dựng được ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, các quốc gia không những chỉ có được một ngành công nghiệp đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế, đối với tương lai của quốc gia, mà còn có được những mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao.

Công nghiệp bán dẫn tạo nên thế mạnh, ưu thế đặc thù cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ, kinh tế và thương mại của các quốc gia, vùng lãnh thổ đều ẩn hiện ở trong đó. 

Những quốc gia, vùng lãnh thổ không tự chủ được về nghiên cứu, phát triển, sản xuất sản phẩm bán dẫn không có được những thế mạnh và ưu thế đặc thù này. Họ lệ thuộc vào cung ứng sản phẩm bán dẫn từ các đối tác bên ngoài, không thể có được những tiền đề thuận lợi cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn phục vụ mục tiêu gia tăng sức mạnh quốc gia.

Từ nhiều năm nay, chuyển đổi số và ứng dụng sâu rộng kỹ thuật, công nghệ số là một trong những định hướng chiến lược ở các nền kinh tế trên thế giới. Những quá trình này quyết định các nền kinh tế sẽ bước kịp tiến triển của thời đại, hay sẽ bị lạc hậu với thời đại; quyết định nền kinh tế nào kiến tạo nên bước phát triển nhảy vọt, hay sẽ bị tụt hậu so với các nền kinh tế khác. 

Sản phẩm bán dẫn lại quyết định tính khả thi, chất lượng của quá trình thực hiện chuyển đổi số, số hóa và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ số trên thực tế. Trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ, trong phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, trong ngoại thương và tham gia vào toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đều luôn có thể thấy vấn đề công nghiệp bán dẫn và sản phẩm bán dẫn ở vị trí trọng tâm.

Nước Mỹ được coi là nơi phát tích của công nghiệp bán dẫn. Trong suốt thời gian dài, nước Mỹ dẫn đầu thế giới về mức độ phát triển của công nghiệp bán dẫn. Nhưng rồi xuất hiện một số đối tác ganh đua quyết liệt với Mỹ trên lĩnh vực này, trong số ấy đặc biệt có Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc. 

Mỹ là đồng minh chiến lược của Đài Loan về quân sự, quốc phòng và an ninh, lại còn có cả luật về bảo đảm an ninh cho Đài Loan, nên sự phát triển mạnh mẽ, thành công của công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan không khiến phía Mỹ phải quan tâm, quan ngại nhiều. Nhưng với Trung Quốc lại rất khác.

Công nghiệp bán dẫn, chế tạo linh kiện điện tử và vi mạch điện tử chip hiện là một lĩnh vực cạnh tranh chiến lược, xung khắc lợi ích quyết liệt nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Lý do đơn giản là, sức mạnh quốc gia và tiềm lực phát triển của 2 nước này đều được quyết định ở mức độ rất đáng kể bởi công nghiệp bán dẫn. 

Giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc trong thực chất đang có cuộc chiến tranh thực thụ về phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thương mại hóa linh kiện điện tử, bán dẫn và chip. Mỹ và EU đang tìm mọi cách để ngăn cản Trung Quốc tận lợi từ công nghiệp bán dẫn, sản phẩm bán dẫn ở Mỹ và trong EU. Ai mạnh hơn ai cũng được quyết định ở cuộc cạnh tranh giữa hai bên trên lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Tiềm ẩn rủi ro

Giúp gia tăng sức mạnh quốc gia, công nghiệp bán dẫn cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với an ninh, phát triển của quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia không có được ngành công nghiệp bán dẫn riêng thì lệ thuộc vào cung ứng sản phẩm, linh kiện bán dẫn từ bên ngoài, tức là phụ thuộc vào đối tác cung ứng và chuỗi cung ứng. 

Đối tác cung ứng có thể dùng chính việc cung ứng này làm vũ khí, công cụ gây khó khăn, áp lực để đổi lấy nhượng bộ trên phương diện nào đó trong quan hệ song phương. Việc tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế không thể nhanh chóng, dễ dàng, cũng như cái giá phải trả thường đắt hơn. Sự đứt gãy hay trì trệ của chuỗi cung ứng cũng gây ra hệ lụy tương tự.

Ví dụ thời sự nhất trong mấy năm gần đây là thời đại dịch COVID-19 hoành hành, tác động tiêu cực của xung đột Nga - Ukraina, cũng như chiến tranh hiện tại giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông. 

Đại dịch COVID-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ trong thời gian không hề ngắn, khiến cung ứng bị chậm trễ, không đầy đủ, gây nên hậu quả, hệ lụy vô cùng tai hại đối với kinh tế và thương mại thế giới nói chung, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nền kinh tế trên thế giới nói riêng.

Cuộc chiến tranh ở Ukraina và ở khu vực Trung Đông cũng tác động rất tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến tranh đe dọa an ninh ở các tuyến vận tải hàng hóa thương mại trên thế giới trên bộ, trên biển và hàng không. 

Chiến tranh, xung khắc, đối địch làm cho chính trị thế giới và quan hệ quốc tế bị phân tuyến, hình thành những tập hợp lực lượng, hình thức, cấp độ co cụm mới, quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại bị chính trị hóa. Lĩnh vực bán dẫn bị vạ lây bởi những vòng xoáy biến động ấy, trở thành rủi ro an ninh đối với đại đa số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngay đến cả những quốc gia, vùng lãnh thổ có được ngành công nghiệp bán dẫn phát triển cũng vẫn gặp những rủi ro an ninh này, bởi họ có thể tự chủ về công nghệ và sản phẩm bán dẫn, nhưng không đủ tự chủ về cung ứng nguyên vật liệu cần thiết cho ngành công nghiệp bán dẫn. 

Đất hiếm là nguyên vật liệu chính trong ngành công nghiệp bán dẫn mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc, cũng như các nơi khác có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển đều phải nhập khẩu do không có, hoặc chưa khai thác được đủ mức độ đáp ứng yêu cầu cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn của họ.

Để tránh phụ thuộc vào nhau trên phương diện này, các đối tác trên thực thi chiến lược khá giống nhau là vừa đa dạng hóa nguồn cung ứng, vừa sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn, vừa dựa vào nguồn tài nguyên của chính mình; vừa tăng cường nghiên cứu, phát triển nguyên vật liệu thay thế, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa dự trữ cho lâu dài. 

Rủi ro an ninh quốc gia trên phương diện ngành công nghiệp bán dẫn bộc lộ trước hết ở sự lệ thuộc vào cung ứng từ bên ngoài, ở chỗ mọi trục trặc hay ngưng trệ về cung ứng đều có thể gây tổn hại lớn về kinh tế cũng như chính trị cho quốc gia, vùng lãnh thổ./.