Cô gái Tày đưa cốm “Khẩu nua lếch” vươn xa
Giang Khắc Bình
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Rời ghế nhà trường từ cấp học phổ thông, vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên cô không có cơ hội được tiếp tục đi học. Năm 2018, khi tròn 24 tuổi, cô được nhân dân thôn Nà Mu bầu làm trưởng thôn. Trên cương vị công tác của mình, Bế Thị Nga luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao do biết áp dụng những kiến thức đã được học ở trường phổ thông cùng những kinh nghiệm sống thường ngày và với sự nhiệt tình trong công việc.
Dù mới tham gia công tác được 6 năm, nhưng cô luôn là người đi đầu trên mọi phương diện công việc ở địa phương, nhất là các hoạt động về kinh tế, chính trị, xã hội của thôn. Nhận xét về năng lực và tinh thần nhiệt huyết trong công việc, ông Hoàng Văn Cẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thuần Mang - cho biết, “Bế Thị Nga là một người năng động, nhanh nhẹn và nhiệt tình trong công việc, tuy còn trẻ nhưng cô có tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với dân bản trước những việc mình tuyên truyền, thực hiện trước người dân. Cô luôn sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức để vượt lên mọi khó khăn, là một cán bộ trẻ rất có triển vọng của xã. Năm 2018, với trọng trách làm trưởng thôn và đồng thời với chủ trương của xã sẽ xây dựng nhà họp cho thôn Nà Mu, cô Nga đang mang bầu bé thứ hai, tưởng rằng người phụ nữ vốn chân yếu, tay mềm, sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trái lại, chỉ trong thời gian ngắn, công trình thi công đã hoàn thiện với tiến độ nhanh và bảo đảm. Cuối năm 2018, nhân dịp tổ chức Ngày Đại đoàn kết của thôn, đã diễn ra lễ khánh thành nhà họp thôn. Thành quả này là nhờ sự quyết tâm của cô cùng các cán bộ đoàn thể trong thôn. Qua sự việc này, cô đã giữ vững được sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo xã và đoàn thể trong thôn, nhận được sự tin yêu, quý mến của người dân trong thôn bởi tinh thần, trách nhiệm trong công việc và khả năng ứng phó linh hoạt với mọi khó khăn”.
Khát vọng làm giàu
Sinh ra trong gia đình đông anh, chị em và lớn lên ở vùng quê còn nghèo, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Bế Thị Nga luôn suy nghĩ và trăn trở tìm ra hướng đi trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu cho chính bản thân và giúp người dân ở quê hương, nhất là những gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, những gia đình neo đơn và một số thanh niên trong thôn. Để phát huy tinh thần thi đua yêu nước, ý chí khát vọng làm giàu, nhất là trong phong trào lập thân, lập nghiệp, đồng thời tranh thủ tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và nguồn lực con người, cùng với tư duy dám nghĩ, dám làm, cô đã cùng chị em phụ nữ trong thôn huy động vốn phát triển kinh tế bằng mô hình xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, thành lập hợp tác xã. Tuy nhiên, khi mới đưa ý tưởng, bản thân cô đã gặp không ít khó khăn vì lối tư duy làm ăn kinh tế cũ kỹ của người dân trong thôn, bởi sự nghi ngại về các vấn đề như giống, kỹ thuật trồng trọt, năng suất và giá cả thu mua sản phẩm... Bên cạnh đó, đất đai của xã Thuần Mang chủ yếu là cấy lúa nước, nên đòi hỏi phải áp dụng khoa học - kỹ thuật hợp lý của từng loại cây lúa nếp thơm khi trồng mới có thể đem lại năng suất cao và ổn định đầu ra của sản phẩm.
Cốm có thể được làm từ nhiều loại lúa nếp khác nhau nhưng thơm ngon nhất và hương vị đặc trưng vẫn là lúa nếp Khẩu nua lếch. Mùa cốm vào khoảng cuối tháng 8 đến hết tháng 9 âm lịch, tiết trời thu se lạnh. Đây cũng chính là vụ mà cốm có vị ngọt thanh, thơm và ngon hơn. Để có được hạt cốm thơm, dẻo, Khẩu nua lếch được bà con lựa chọn những bông lúa còn non đúng độ và cắt vào buổi sáng sớm khi còn sương đêm. Quá trình làm cốm được rang bằng chảo gang, đảo đều tay, lửa không quá nhỏ hoặc không quá to, tránh làm cốm chín ép, bảo đảm tất cả các hạt cốm chín đều. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, thóc rang xong, đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Tùy theo độ non của lúa, trung bình giã và sàng sảy từ 5 đến 8 lần mới thành cốm. Công đoạn cuối cùng là sàng, lọc nốt phần thóc còn bám lại trên hạt cốm. Việc sàng và giã cốm ở công đoạn này phải thực hiện khoảng 3 lần để cho ra một mẻ cốm sạch, chuẩn vị và màu xanh tự nhiên.Khi giã xong, cốm sẽ được gói trong lá chuối hoặc lá dong cẩn thận. |
Để giải đáp những băn khoăn của người dân, cô đã đi tìm hiểu, học tập kỹ thuật trồng trọt tại các mô hình ở xã bạn và chủ động tiên phong áp dụng ngay trong gia đình mình. Hiện nay, mô hình hợp tác xã chuyên sản xuất cốm, gạo, chổi rơm, tro sạch từ cây lúa thơm “Khẩu nua lếch” chuẩn bị thành lập tổ hợp tác xã với 9 thành viên tham gia, diện tích trồng lúa trên 9ha. Bế Thị Nga cho biết: “trước đây gia đình tôi cùng các gia đình trong thôn còn nhiều khổ cực khi cơm không đủ ăn, trẻ em không được đến trường vì đời sống kinh tế quá khó khăn, trong khi nguồn nhân lực, đất đai thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của xã rất thuận lợi. Vì vậy, tôi luôn có suy nghĩ là phải tìm cách để vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho bản thân, cũng như giúp các gia đình trong thôn. Tuy ban đầu khi đưa ra ý tưởng thành lập hợp tác xã đã gặp không ít khó khăn, nhưng đến khi hợp tác xã đi vào hoạt động ổn định, một số đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ cùng người dân trong thôn đã không còn lo ngại và tiến hành làm theo vì tin tưởng rằng, hợp tác xã sẽ đem lại thành công. Nhưng tôi mong muốn trong thời gian tới, tất cả các gia đình trong thôn đều làm theo và có các sản phẩm chất lượng, tạo dựng nên thương hiệu với người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Bên cạnh việc luôn hoàn thành tốt công việc được giao và thành công từ mô hình hợp tác xã chuyên sản xuất cốm, gạo, chổi rơm, tro sạch của cây lúa thơm “Khẩu nua lếch” trên địa bàn thôn Nà Mu, xã Thuần Mang, Bế Thị Nga còn cùng các đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ trong thôn, xã Thuần Mang quan tâm, hỗ trợ những hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn trong thôn được hưởng các chương trình, chế độ chính sách ưu đãi, góp phần bảo đảm cuộc sống. Việc làm đó không chỉ nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu của người đảng viên, mà còn thể hiện tấm lòng tương thân, tương ái, giúp nhau vượt khó vươn lên.
Tình yêu với quê hương cùng ý chí và nghị lực, bản lĩnh của một cán bộ thôn trong việc vượt khó vươn lên làm giàu đã mang lại nguồn thu nhập trong một vụ cốm (tầm 30 ngày) lên đến 7 triệu đồng/người/vụ (là nguồn thu khi quy mô tham gia còn nhỏ lẻ, đội có 3 người làm chính) và thị trường ngày càng được mở rộng ra các vùng phụ cận, đặc biệt là cốm đã được gửi vào các tỉnh miền Nam (như Bình Phước, Đắk Lắk...). Sự thành công của việc vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ sản phẩm nông nghiệp trên chính quê hương mà Bế Thị Nga lựa chọn được xem như tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp để các đoàn viên thanh niên học tập và làm theo./.