05/01/2025 | 05:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chàng trai tật nguyền viết 7 cuốn sách bằng... miệng

Vũ Toàn
Chàng trai tật nguyền viết 7 cuốn sách bằng... miệng Bà Trần Thị Hà đang giúp con viết bằng bút bi_Ảnh: V.T
Trong ngôi nhà 2 mái đơn sơ của mẹ con bà Trần Thị Hà, có một nghị lực sống khó nói hết bằng lời của đứa con trai tật nguyền do liệt tứ chi nhưng đã tạo nên nhiều việc làm có ích cho đời. Đó là Phạm Sỹ Long, 36 tuổi, trú tại thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, người viết 7 cuốn sách bằng... miệng!

Mẹ thức chong đêm

Bà Trần Thị Hà sắp sang tuổi 66 nhưng bước chậm, nét mặt bơ phờ. Có lẽ, tình cảnh người con trai duy nhất gặp nạn cách đây 21 năm vẫn chưa thôi dày vò tâm tư bà. Hình ảnh đứa con bị ngọn cây bật lên cao rồi “thả” xuống đất khiến gãy đốt sống cổ, liệt tứ chi luôn ám ảnh bà. Thương con, bà trở nên lầm lụi, chịu đựng nỗi đau người mẹ.

Trong ngôi nhà ấy có 2 chiếc giường của mẹ và con kê liền nhau. Bà Hà trải lòng: “tôi phải nằm gần con để lo mọi chuyện khi đêm hôm con cần. Nhất là mỗi đêm phải thức dậy để trở người cho con 2 lần vào lúc 12 giờ khuya và 5 giờ sáng. Nói thức dậy thế thôi chứ đêm xuống cứ nhìn con là khó ngủ lắm. Trừ hôm nào mệt quá thì thiếp đi đôi chút rồi tỉnh dậy lo nghĩ cuộc sống hằng ngày. 21 năm quen thức chong đêm rồi”.

Vừa lúc, điện thoại đổ chuông, bà Hà bước đến góc nhà, xoay lưng chiếc ghế đẩu sang phía giường của Long. Hóa ra, chiếc điện thoại của Long được buộc vào lưng ghế. Biết có người gọi, Long đang nằm ngửa trên giường, hất cằm lên, đưa miệng ngậm lấy thanh inox để sẵn đầu giường (thanh inox hình chiếc đũa, phía đầu có gắn bút cảm ứng). 

Miệng Long điều khiển thanh inox, đưa đầu bút cảm ứng vào mặt chiếc điện thoại như có ngón tay đang thao tác rồi sử dụng như người bình thường. Long bảo, người vừa trò chuyện là một bạn tật nguyền ở trong Gia Lai.

Lúc này, quan sát kỹ nơi Long nằm, tôi mới thấy một máy tính bảng được thiết kế bởi một thanh đỡ bằng nhôm vít vào mạ giường. Thanh đỡ này tạo độ cong để vừa tầm mắt nhìn của Long trong tư thế nằm ngửa. Đây chính là “bàn viết” thường xuyên của Long. 

Thay vì các ngón tay bấm phím trên máy vi tính, Long dùng miệng, cắn bút để có thể viết trên máy tính bảng. Thấy tôi ngạc nhiên, Long vừa ngậm bút vừa nở nụ cười, tự tin: “nhờ “bàn viết” này mà tôi đã viết được cuốn sách thứ bảy rồi nhưng mới xuất bản cuốn thứ ba thôi. Phải chờ bán hết sách mới in tiếp được. Viết xong mỗi cuốn, tôi dàn trang luôn. Ký hợp đồng với nhà xuất bản xong, tôi chuyển nguyên file để họ biên tập rồi cho xuất bản”.

“Chàng Rồng phiêu lưu ký”

Bà Hà mở ngăn tủ lấy cho tôi xem cuốn sách “Chàng Rồng phiêu lưu ký”. Cuốn sách dày 446 trang, Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành cuối năm 2023, số lượng 1.000 cuốn. Tôi hỏi, “chàng Rồng” nghĩa là gì? Long lại nở nụ cười: “rồng có nghĩa là Long. Phiêu lưu ký là những chuyến phiêu lưu tưởng chừng như không thể có của một người tật nguyền từ làng quê của mình ra Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác”. Long hứng thú khi nhắc lại những chuyến đi này, bởi “đó là niềm vui của tôi sau nhiều năm tháng nằm bí bách trên giường”.

Trước cuốn sách này, năm 2013, Long đã xuất bản tập thơ đầu tay “Miền khát vọng” với 33 bài, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Năm 2020, tập thơ tái bản lần một. Năm 2022, tập thơ tái bản lần hai. Mỗi lần in 500 cuốn nhưng đều bán hết. Trong lúc tái bản lần một, Long in cuốn truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”, dày 118 trang. Long bảo, cuốn này cũng 2 lần tái bản và cũng bán hết. Riêng cuốn thứ ba đã bán được 600 cuốn.

Mỗi lần in sách, Long đều dành một số cuốn để tặng thư viện trường học cũ, xem như món quà tri ân các thầy cô. Kể chuyện về 4 cuốn sách đang chờ xuất bản, Long nhắc nhiều đến cuốn thứ tư, có tên “Khi tình yêu nở rộ”. Đó là “dấu vết” của 3 mối tình trong sáng đi qua cuộc đời tật nguyền của Long vì tình thương đến sự mến mộ rồi mới nói lời yêu. Cuối cùng cả 3 mối tình đều không thành. Long lại được trả về với bao kỷ niệm, ký ức. 

Đây là một trong những lý do để Long chuyển hướng viết cuốn sách thứ 7, mang tên “Hành trình của chàng trai khuyết tật đến người truyền cảm hứng”. Cuốn sách này là kết quả của những năm tháng Long mở lớp dạy học online, bắt đầu từ năm 2021. Khi kết thúc cuốn sách này, Long thực hiện xong 13 khóa học (mỗi khóa trong 1 tháng). Long kể, khóa học đầu tiên chỉ có 1 người. Khóa thứ hai hy vọng sẽ có thêm người học nhưng rốt cuộc cũng chỉ có 1 người đăng ký. Một người, Long cũng kiên trì lên lớp. 

Các khóa sau tăng dần. Có khóa lên đến 30 người, đa số là người khuyết tật khắp cả nước. Long cho hay, hầu hết các khóa dạy đều miễn phí vì những người tật nguyền bi quan, chán nản, bị bế tắc lòng tin vào cuộc sống bản thân. Họ đang cần học hỏi kinh nghiệm để xây dựng cuộc sống (riêng có một số học sinh, sinh viên cũng kết nối, trao đổi về định hướng nghề nghiệp).

Thường trong các cuộc trao đổi, khi được các “học trò” hỏi bí quyết thành công, Long nói những điều mình đã trải: “so với hoàn cảnh của tôi thì tình huống của các bạn còn cách xa lắm. Thế nhưng, tôi vẫn yêu đời như người bình thường. Tôi muốn cống hiến. Không có lý do gì khi mình đang sống, đang tồn tại mà tự buông xuôi”. Một lần, có nhiều “học trò” đều có chung câu hỏi “khi buồn chán, tuyệt vọng thì mình phải xử lý tình huống này như thế nào?”. 

Long nói: “tôi cũng có lúc cảm thấy buồn chán, muốn bỏ cuộc. Nhưng ngay lúc đó, tôi nghĩ nhiều nhất về người mẹ kham khổ của mình. Tôi nghĩ đến bổn phận và trách nhiệm của người con để đền ơn cho mẹ bằng cách không để mẹ buồn thêm nữa về mình. Muốn thế, mình phải có nghị lực để sống. Ý nghĩ đúng sẽ tạo nghị lực bền bỉ”.

Nói đến chi tiết này, Long lại ngậm bút để kết nối Zalo rồi chuyển cho tôi xem hàng loạt hình ảnh về bạn đọc nhiều lứa tuổi đối với 3 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có giải thưởng hạng Nhì, vòng bán kết cuộc thi hùng biện “Người truyền cảm hứng - 2024” do Ban tổ chức Divistion N-Toastmasters Việt Nam trao ngày 24-11-2024. Long cho hay, đang chuẩn bị ra Hà Nội dự thi vòng chung kết cuộc thi này, ngày 12-1-2025.

Những câu chuyện bộc lộ cách sống tích cực của Long đưa tôi về lại không gian lặng lẽ và không kém phần sống động trong gian phòng nhỏ của chàng trai tật nguyền với chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng cần mẫn. Tại đây, thật khó hình dung Long đã nhẫn nại đến mức hưng phấn mới có thể mở lớp học để truyền cảm hứng và viết được 7 cuốn sách. 

Long kể: “tôi sinh năm 1988. Bị tai nạn năm 2003. Bốn năm sau tôi bắt đầu tập viết bằng... miệng. Công việc đầu tiên tập viết bằng miệng là tập ngậm bút. Do chưa quen ngậm bút nên miệng bị lở. Lở đến mức phải nuốt nước cơm thay cho ăn cơm trong 2 tuần”.

Câu chuyện vì sao Long tập viết, mặc dù viết bằng miệng, được Long giải thích: “đó là khi một cơ thể bại liệt cảm thấy buồn chán tìm cách vượt lên. Vượt lên để làm cho mình sống được bằng cách tái hiện những ký ức của mình. Tôi nghĩ để tập và viết được bằng miệng để làm sống lại những ký ức của mình. Làm được như thế là mình tự tin để sống. Và tôi đang sống như thế”.

Trên bức tường căn phòng Long nằm viết sách, có treo Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khen tặng “Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt, năm 2022”. 

Cũng trong năm 2022, Long nhận thêm Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng về thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”./.

2 January 2025
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)