16/10/2024 | 00:46 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Người đổi đời nhờ phát hiện hang Sơn Đoòng

Lam Giang
Người đổi đời nhờ phát hiện hang Sơn Đoòng Anh Hồ Khanh trong cơ sở homestay Ho Khanh của gia đình_Ảnh: L.G
Năm 2009, anh Hồ Khanh ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cùng các chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tìm lại được hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Từ đó, cuộc sống của anh gắn bó với hang động này, để bây giờ anh là chủ một cơ sở du lịch khang trang bên bờ sông Son, ngày càng gắn bó hơn với Sơn Đoòng.

Ngồi tiếp khách, nhưng Hồ Khanh vẫn không quên nhắc nhở nhân viên trong khu homestay mang tên Ho Khanh của mình lấy áo phao cho khách mặc trước khi xuống bơi thuyền trên sông Son, hay nhắc vợ chọn bắp ngô non luộc cho khách Tây... Dáng vẻ e dè và khắc khổ của anh sơn tràng và phụ hồ ngày nào nay đã phai đi khá nhiều. Hồ Khanh đã ra dáng một ông chủ làm du lịch lắm rồi.

Tìm hang động như nghiệp gắn vào thân

Còn nhớ năm 2009, tôi gặp Hồ Khanh lần đầu khi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình họp công bố phát hiện hang động lớn nhất thế giới trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Sơn Đoòng và người tìm thấy hang này chính là Hồ Khanh. Anh nhắc lại chuyện cũ: “thời đó tui còn làm nghề đi rừng tìm trầm và mần phụ hồ cho người làng kiếm tiền lo cuộc sống cho bản thân và vợ con...”.

Hồ Khanh kể là năm 1989, trong một lần đi tìm trầm anh đã gặp một cái hang rất lớn. Lần đầu tiên thấy hang, dù chỉ có một mình giữa rừng sâu nhưng anh vẫn cố vượt qua mọi nỗi sợ hãi và tò mò đi vào một đoạn để xem. Trong hang đầy nhũ đá rất đẹp, lại tràn ngập không khí mát lạnh làm cho anh thấy thích thú. 

Cái hang này sau được đặt tên là Vực Cá Thau, nghĩa là cá nhiều như ở trong thau (chậu). Đó là cái hang đầu tiên anh tìm thấy, mở đầu cho “cái nghiệp” tìm kiếm hang động của anh sau này. Cũng từ đó, anh “bị” hang động kỳ bí kích thích trí tò mò khám phá. Đến năm 2009, anh dẫn đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tìm lại được hang Sơn Đoòng và khảo sát thêm 17 hang động lớn khác nữa.

Chuyện phát hiện thấy hang Sơn Đoòng ban đầu anh chỉ kể với người làng. Sau đó không biết thế nào mà lại loang ra khắp nơi. Năm 2006, người của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tìm đến hỏi thăm về hang. Anh cũng mách là từ năm 1991 đã thấy một hang rất lớn ở vùng núi Hạ Đoòng. Họ liền nhờ anh dẫn đi tìm hang đó. Năm 2007, anh dẫn đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đi tìm nhưng không thấy. 

Tháng 1-2008, anh quyết định một mình vào vùng Hạ Đoòng lần nữa để tìm lại hang lớn này và may mắn đã tìm đến đúng vị trí của hang. Anh cho các chuyên gia tìm kiếm hang động biết thông tin này. Ngày 6-4-2009, Hồ Khanh dẫn đoàn của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, do ông Howard Limbert dẫn đầu, tìm vào được tới hang. Đoàn vừa tới cửa hang đã nghe tiếng gió thổi ào ào. Biết là có hang lớn như anh đã nói, cả đoàn tìm kiếm ai cũng vui, bắt tay chúc mừng anh và mừng cho cả đoàn tìm thấy hang lớn.

Hồ Khanh vẫn chưa quên được niềm vui của ngày ấy, khi kể: “sau nhiều chuyến nữa tiếp tục dẫn đoàn khảo sát vào hang, khi đoàn có số liệu chính xác rồi, ông Howard Limbert có hỏi tui về đặc điểm và tên gọi của vùng núi này. Tui nói là vùng này người dân địa phương vẫn gọi là núi Hạ Đoòng. Nghe vậy thì ông Howard Limbert nói là nên đặt tên hang là Sơn Đoòng, với nghĩa sơn là núi, Đoòng là vùng rừng núi Đoòng. Vậy là Sơn Đoòng chính thức trở thành tên gọi cho một hang động lớn nhất thế giới”.

Sau 14 năm kể từ ngày phát hiện ra Sơn Đoòng, Hồ Khanh cho biết từ đó đến nay anh vẫn gắn bó và yêu thích những chuyến đi tìm kiếm hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và lân cận. Vì vậy, cứ vào tháng 3 hằng năm là anh lại làm người dẫn đường cho các đoàn đi tìm hang động trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, hay trong vùng núi đá vôi ở các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh... 

Anh cùng các chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh và các đoàn tìm kiếm khác tìm thêm được khoảng 20 hang động lớn, nhỏ nữa. Hồ Khanh cho biết: “bây giờ phải luôn đi đến các vùng núi rất xa, rất hiểm trở, có chuyến phải lội núi trèo non mất 7 - 10 ngày đường mới tới được vùng có khả năng tìm ra được các hang động mới”.

Hồ Khanh bộc bạch: “14 năm qua, chuyện tìm kiếm hang động như cái nghiệp gắn vô thân tui và số phận tui dường như cũng cứ phải gắn vô với hang động vậy! Nhiều khi mùa mưa lạnh, khi các đoàn tìm kiếm hang động của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh về nước nghỉ, tui lại cứ thấy thiếu thiếu cái chi đó, tui buồn ghê luôn. 

Khi đoàn sang đi tìm kiếm hang động lại là tui đi liền, nên việc kinh doanh ở homestay hiện nay của gia đình tui thường giao cả cho vợ. Còn tui thì vừa mần kinh doanh homestay, vừa... chờ họ gọi đi tìm hang!”.

Khách đến nhờ “thương hiệu” người tìm thấy Sơn Đoòng

Hơn 14 năm nay, Hồ Khanh gắn bó với nghiệp tìm hang động và vẫn son sắt với hang Sơn Đoòng. Nhưng bây giờ, sau những chuyến dẫn các đoàn đi tìm hang động, phụ trách luôn cả đội mang vác hành lý vào Sơn Đoòng cho du khách tham quan Sơn Đoòng của Công ty Oxalis trở về, Hồ Khanh lại cùng vợ là chị Lê Thị Nghĩa điều hành cơ sở du lịch mang tên Ho Khanh của gia đình ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.

Cơ sở du lịch Ho Khanh homestay nằm ngay bên bờ sông Son. Mảnh vườn xưa rộng 2.000m2 của gia đình anh, vốn đầy cây cối tạp nham, đất đai trống hoác, nay đã mọc lên trên đó 5 căn nhà nhỏ với 8 phòng nghỉ đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách nước ngoài. 

Căn nhà gỗ xập xệ của gia đình anh cách đây 14 năm, khi vừa mới công bố tìm thấy hang Sơn Đoòng, đã được Hồ Khanh thay bằng căn nhà gỗ mới khang trang. Sát bên bờ sông Son là căn nhà 2 tầng kiên cố, làm nơi ăn uống và nghỉ giải lao cho khách bơi thuyền trên sông.

Hồ Khanh cho biết đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng cho cơ sở homestay. Trong đó, từ tiền công những chuyến dẫn đường cho Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đi tìm hang và phụ trách đội mang vác hành lý cho Công ty Oxalis đưa khách vào Sơn Đoòng là hơn 2 tỷ đồng, còn lại anh mạnh dạn vay ngân hàng. Chị Nghĩa, vợ Hồ Khanh, mách: “đến nay đã trả nợ vay cho ngân hàng được kha khá rồi, đang cố gắng trả xong trong thời gian tới”.

Thời gian trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, trung bình mỗi tháng homestay của Hồ Khanh thu hơn 30 triệu đồng. Trả lương cho năm người làm và các chi phí khác, anh “lận lưng” đều đặn 10 triệu đồng/tháng. Hồ Khanh nói: “70% số khách tới homestay của tui là người nước ngoài. Họ nói do tui là người đã tìm ra hang Sơn Đoòng nên họ tìm đến để được nghe tui kể chuyện đi tìm hang động”. 

Ngồi ngắm cảnh thanh bình trên sông Son vào buổi chiều tà, anh John - một du khách đến từ Anh - cho biết: “tôi đã nghe chuyện Hồ Khanh phát hiện ra hang Sơn Đoòng, nay tới Việt Nam tôi liền đến Phong Nha và rất muốn nghe chuyện kể từ Hồ Khanh”. Khi nghe tôi nói Hồ Khanh nay đích thân làm đội trưởng đội mang vác hành lý cho Công ty Oxalis đưa du khách vào tham quan Sơn Đoòng, John liền giơ ngón tay cái lên bộc lộ vẻ thích thú.

Nhờ “thương hiệu” người tìm ra Sơn Đoòng, cơ sở du lịch Ho Khanh homestay của vợ chồng Hồ Khanh luôn có khách đến ở, dù vùng đất Phong Nha đang nhà nhà làm du lịch, người người làm homestay, cạnh tranh khá khốc liệt. Chỉ tiếc là thời gian qua do dịch bệnh COVID-19 nên khách nước ngoài đến ít hẳn so với trước. Hồ Khanh đang hy vọng là nay đã hết dịch, khách nước ngoài sẽ lại đến đông. 

Chị Nghĩa, sau gần 10 năm cùng chồng mở cơ sở du lịch Ho Khanh homestay và làm du lịch, cũng đã thay đổi nhiều. Thậm chí, như Hồ Khanh nói vui: “vợ tui nay còn nói tiếng Anh như cháo... đậu khi tiếp đón khách nước ngoài! Nhờ vào lớp dạy tiếng Anh miễn phí do vợ chồng ông Howard Limbert mở ngay trong cơ sở du lịch Ho Khanh”.

Ngay bên sông Son, nay Hồ Khanh xây dựng một bến thuyền nhỏ. Những ngày hè nắng nóng của năm 2023, từng đoàn khách rộn ràng lên xuống chèo thuyền, bơi lội... Trước đây khách tây đến nhiều, nay do còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên chủ yếu là khách ta. 

Du khách đến với Ho Khanh homestay, ngoài để nghe câu chuyện về Sơn Đoòng và những chuyến đi tìm kiếm hang động mới của Hồ Khanh, còn muốn được thưởng thức những sản vật địa phương như bắp nướng, khoai các loại, lạc tươi luộc, cá trắm và tôm càng sông Son,... do chính gia đình Hồ Khanh trồng, đánh bắt hoặc thu mua. 

Mỗi buổi hoàng hôn dần buông, thấy nhiều khách ngồi trong Ho Khanh homestay ngắm nhìn thuyền chạy trên sông Son, những con thuyền như đang lướt dưới chân những dãy núi đá vôi cao vời vợi; mới thấy bây giờ Hồ Khanh đã làm du lịch chuyên nghiệp lắm rồi.

Với tương lai, Hồ Khanh cũng bộc bạch là phải cố gắng tận dụng ưu thế của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và tiếng tăm của Sơn Đoòng để làm du lịch cho chuyên nghiệp. Anh cũng muốn làm ở Phong Nha một khu vui chơi, giải trí phục vụ du khách khi họ nghỉ qua đêm. 

Có vậy anh mới vừa có thêm thu nhập, vừa giữ được chân du khách ở lại với Phong Nha sau khi tham quan hang động trở về. Vì vậy, Hồ Khanh cũng đang đầu tư cho tương lai, bằng cách cho 2 cậu con trai theo học ngoại ngữ và nghề du lịch ở Trường Đại học Quảng Bình. Để sau này, các cháu ra trường sẽ cùng anh mở rộng homestay Ho Khanh và có thể tiếp quản thay bố./.

9 January 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)