20/05/2024 | 14:21 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chàng “họa sĩ” tranh gạo độc đáo

Vũ Toàn
Chàng “họa sĩ” tranh gạo độc đáo Lớp học nghề làm tranh gạo của Cao Văn Tuân ở làng Phú Thọ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa _Ảnh: Vũ Toàn

Mặc cho tuổi thơ nghiệt ngã, cậu bé tật nguyền Cao Văn Tuân vẫn tốt nghiệp đại học cùng bạn bè trang lứa. Ra trường, khi đang xoay trở tìm kiếm việc làm, một khoảnh khắc xuất hiện làm thay đổi cuộc đời Tuân. Đó là khi chàng sinh viên rời chuyên ngành Hán Nôm, Khoa Ngữ văn, Đại học Huế để làm nghề “vẽ” tranh bằng những hạt gạo. Đến nay, dân làng Phú Thọ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa gọi Tuân là chàng “họa sĩ” tranh gạo độc đáo.

Bà Ngô Thị Nhung, mẹ của Tuân cho biết, Tuân sinh năm 1987 thì 11 tháng sau bất ngờ bị nạn. Hôm đó, Tuân đang nằm võng bỗng dưng ngã xuống đất. Cú ngã gây chấn thương dây thần kinh sau cổ, khiến Tuân bị liệt toàn thân. “Liệt đến mức người nhão như con đỉa”, bà Nhung nhớ một hình ảnh thường liên hệ lúc đó để khắc hoạ.

 Sau đó, Tuân được bố mẹ đưa đi điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. 20 ngày điều trị, cả nhà đang thất vọng thì những mũi kim châm cứu tại đây đã giúp cậu bé Tuân hồi tỉnh dần. Bà Nhung nhắc lại câu nói của bác sĩ, Trưởng khoa Nhi trước khi cho Tuân xuất viện: “cháu không tránh khỏi tật nguyền tay, chân và toàn thân nhưng tôi cam đoan lớn lên cháu là người giàu có nghị lực”.

Không phụ tình yêu thương và bao nỗi buồn khổ dằn vặt của bố mẹ, cậu bé Tuân từng ngày mang niềm tủi phận, vượt gian khó để đến trường cùng chúng bạn. Lên lớp 10, Tuân có sở thích làm đồ vật lưu niệm bằng những cái tăm nhỏ. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại, Tuân mới biết sở thích ngày ấy đã âm thầm nằm im để sau khi tốt nghiệp đại học, nó xuất hiện để chàng sinh viên tật nguyền khởi nghiệp từ tuổi thơ nghiệt ngã.

Từ những hạt gạo của bà đến hàng trăm bức tranh gạo

Hôm tôi đến làng Phú Thọ tìm gặp, Tuân ngạc nhiên và nói ngay: “chú ở xa đến mà không hẹn trước, may quá hôm nay cháu không đi công trình”. Nói đoạn, Tuân đi cà nhắc, nghiêng nghiêng một bên người dẫn tôi vào nhà. Tôi nóng lòng muốn thấy một bức tranh được “vẽ” bằng những hạt gạo của Tuân để thoả mãn sự tò mò. Tuân chỉ vào bốn bức tường của lớp dạy nghề trước sân nhà mình, nói: “đây là số tranh trong hàng trăm bức tranh của cháu. Biết giới thiệu với chú bức tranh nào đây”. 

Tiện ngay phòng khách có bộ tranh tứ quý bốn mùa xuân - hạ - thu - đông vừa làm xong, đang dựng gần lối cửa, Tuân cầm lên một bức, kê lên hai chân, một tay vòng phía sau để đỡ, một tay chỉ vào li ti những hạt gạo hiện hình con chim giữa những mảng màu ấm áp của mùa thu. Tuân nói: “đây là bức tranh mô tả cảnh sắc mùa thu. Tất cả hình ảnh đến nền của bức tranh đều được “vẽ” bằng những hạt gạo”. Nhìn theo ngón tay của Tuân, tôi như bị “lạc” giữa các tông màu khác nhau, tạo nên một mùa thu trong tranh.

Đây mới chỉ là sự thoả mãn về tài ghép những hạt gạo thành một bức tranh sinh động. Chính sự tò mò này buộc tôi muốn biết tiếp về sự xuất hiện của những hạt gạo với các tông màu khác nhau được thể hiện như một họa sĩ phối màu điêu luyện. Tuân cười: “hạt gạo phải do chính tay mình rang. Nhưng quan trọng ở chỗ chọn hạt gạo. Hạt gạo phải to và đều. Khi rang, mình phải biết cách điều chỉnh lửa và hãm lửa, bởi một hạt gạo có thể lấy ra được 13 - 14 màu khác nhau. Quy trình rang phải thực hiện trong 1 giờ mới lấy được màu cuối cùng”.

Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen cho Cao Văn Tuân về “Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội”. Hiện Cao Văn Tuân là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh thiếu niên khuyết tật và phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Tôi đang phân vân thứ gạo này có đặc biệt gì không, giống gạo ở đâu, Tuân biết ý, lại cười: “gạo quê làng Phú Thọ của cháu đấy, rất phù hợp để làm tranh gạo. Một mẻ có thể lấy ra vài màu. Ví như lấy hạt gạo có màu trắng xong thì chờ màu trắng ngả sang màu vàng để lấy. Nghĩa là, người rang phải cảm nhận được màu sắc mình cần như họa sĩ cần một màu gì đó trước các hộp màu bày sẵn. Cái khác ở đây là độ cảm nhận sự biến đổi màu trên hạt gạo đang rang để “pha” màu cho phù hợp với ý tưởng sáng tạo của mình”.

Theo Tuân, cách phối màu trên hạt gạo rang là khó nhất. Không tinh tế thì không thể chọn ra màu “đứng” gần nhau được. Nếu non tay, chọn nhầm màu thì bức tranh xem như bị hỏng vì nó không thể tạo ra màu sắc của hình ảnh phù hợp với ý đồ của người sáng tác.

Khi có những hạt gạo với các tông màu ưng ý và bức tranh đã được phác thảo thì công việc cuối cùng là người “vẽ” tranh gạo bắt đầu tạo nên bức tranh. Công cụ duy nhất ở giai đoạn này là một chiếc bút. Chiếc bút này là một đầu đũa vót nhọn để tạo mũi bút nhỏ, nhọn y như mũi kim. 

Mũi bút được chấm keo để dính hạt gạo rồi đưa hạt gạo đặt vào đường nét phác thảo đã được “đi” keo đủ độ kết dính chặt. “Điểm nổi bật nhất, thu hút người xem nhất của tranh gạo chính là sự dân giã. Bởi bức tranh sống động màu sắc và giàu có ý tưởng được thể hiện bằng những hạt gạo đồng quê”.

Còn cái khó nhất sau “vẽ” tranh gạo là làm sao bảo quản bức tranh được lâu bền với thời gian. Tuân không giấu nghề khi anh tiết lộ “phải dùng các vật liệu để xử lý hạt gạo trước, sau khi rang và khi đã tạo nên bức tranh, để tranh không bị mốc và chống được mối mọt xâm hại”.

Tranh gạo không chỉ “đi”... du lịch

Đầu tiên, chàng sinh viên mới ra trường vẫn nặng lòng với ngành nghề chuyên môn đã học. Nhưng nghĩ mình tật nguyền nên xin được việc làm không phải chuyện dễ dàng. Chính lúc Tuân đang bị áp lực vây bủa thì ký ức đam mê làm đồ lưu niệm hồi học lớp 10 trỗi dậy, tiếp sức cho anh. 

Dần dà, anh bén duyên với sở thích “vẽ” tranh bằng những hạt gạo của bà. Khát vọng của tuổi trẻ lại giúp chàng sinh viên tật nguyền vượt lên lần nữa, biến ý nghĩ “làm tranh chỉ là nghề phụ để trợ giúp cuộc sống” nay đã thành nghề chính yếu để trụ vững với cuộc sống, vợ con.

Năm 2011 bắt đầu khởi nghiệp, những bức tranh gạo đầu tiên được Tuân làm quà tặng người thân và bạn bè. Thấy ai cũng khen, có người lại “khích tướng” nên Tuân kỳ công, chăm chút, dồn tâm sức nhiều hơn cho từng bức tranh tiếp theo. Ba năm sau, tranh gạo của Tuân đã thành sản phẩm đưa ra thị trường. Được đà, Tuân mở một cửa hàng tranh gạo nhỏ ở thị trấn Quảng Xương, vui sướng khi biết những bức tranh mang nặng tâm sức của mình được nhiều người đón nhận với sự nể phục.

Từ một cửa hàng nhỏ, Tuân tìm đến các cửa hàng kinh doanh khác trong huyện, ký gửi tranh gạo để bán. Mỗi bức tranh là một sáng tác mới, được nhiều người mua về treo. Như mạch nước được khơi nguồn, Tuân mang tranh gạo đến các điểm du lịch của tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Năm 2018, tranh gạo của Tuân đến với Chùa Tam Chúc ở tỉnh Hà Nam và Đại nội Huế. Tại đây, trong 2 tháng, có 200 bức tranh gạo của Tuân được tiêu thụ. 

“Bán được một bức tranh đã mừng. Mỗi bức tranh tiếp theo được bán thì nỗi mừng nhân lên gấp bội nhưng mừng nhất là công việc của mình được nhiều người biết đến, nhất là các bạn tật nguyền có hoàn cảnh như mình”, Tuân vui nói.

Đó chính là động lực để Tuân mở các lớp dạy nghề. Từ 2 lớp ở huyện Quảng Xương, Tuân mở thêm 2 lớp ở thành phố Thanh Hóa và 1 lớp ở huyện Thọ Xuân. Mỗi lớp từ 10 đến 20 bạn tật nguyền. Hiện đã có 20 học viên trở thành “bạn đồng hành với thầy Tuân”. Nhiều sản phẩm của 20 người này đã được đem bán tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Năm 2018, Tuân mở thêm Hợp tác xã Tranh gạo và đồ mỹ nghệ Tâm Phát tại làng Phú Thọ. Hợp tác xã có 10 thành viên, thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã của Tuân không sản xuất tại chỗ, sản phẩm tranh gạo do các bạn khuyết tật “vẽ” ở nhà. Tuân cung cấp nguyên vật liệu và trả công rồi thu gom sản phẩm”. 

Tuân lại kể một chi tiết cảm động: “nhiều bạn trước khi vào nghề không nghĩ mình sẽ làm được việc gì chứ chưa nói đến chuyện “vẽ” được tranh gạo để bán kiếm tiền. Bạn Đoàn Đình Sinh ở xã Quảng Định, huyện Quảng Xương bị liệt cả hai chân từng than thân như thế, nhưng giờ thì bạn ấy “vẽ” tranh gạo khá đẹp”. Nói đến đó, Tuân cho tôi xem hình ảnh Đoàn Đình Sinh đang dồn tâm trí ngồi “vẽ” bức tranh gạo chữ “Tâm”.

Năm 2021, Câu lạc bộ Thanh thiếu niên khuyết tật và phát triển tỉnh Thanh Hóa thành lập (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa), Cao Văn Tuân được bầu làm Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ. Năm 2022, Tuân mở Công ty quảng cáo nội thất D&T ở huyện Quảng Xương. 

Tuân bảo, công việc ở khắp nơi nên chiếc xe máy “cõng” tôi đi liên miên. Khi đến lớp hướng dẫn nghề, khi về hợp tác xã kiểm tra sản phẩm, khi đi công trình D&T làm biển quảng cáo.../.

9 November 2023
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)