29/04/2025 | 01:05 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vũ Quang, lâm tặc hoàn lương “trả nợ” rừng

Vũ Toàn
Vũ Quang, lâm tặc hoàn lương “trả nợ” rừng Kiểm lâm Trạm Khe Chè, Vườn quốc gia Vũ Quang trên đường tuần tra_Ảnh: Vũ Toàn
Có không ít lâm tặc “số má” một thời, sau khi hoàn lương, họ mong được “trả những món nợ đời” cho chính vùng rừng mình đã chặt phá. Ngay chính lúc đó, họ cần có một cơ hội để hoà nhập, cống hiến. Cơ hội ấy chính là do những chủ rừng tạo ra, biến họ trở thành người đồng hành, người bảo vệ rừng tin cậy.

Nếu ở Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) những lâm tặc hoàn lương phối hợp với kiểm lâm vào rừng sâu đặt bẫy ảnh, bẫy thú thì ở Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) họ nhanh chóng trở thành mạng lưới chốt chặn, bảo vệ vùng lõi giữa hơn 57.000ha rừng, trong đó có 62km đường rừng biên giới giáp Lào của tỉnh này.

Anh Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang - cho hay, từ năm 2012 trên cơ sở các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước qua các giai đoạn để tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, Vườn đã thực hiện kế hoạch hợp đồng với 4 đồn biên phòng trên địa bàn và các hộ gia đình thuộc vùng đệm. “Trong các hộ gia đình ở vùng đệm, Vườn chú trọng và mở hướng cho một số lâm tặc hoàn lương có cơ hội “trả nợ” cho rừng. Những món nợ từng khiến lương tâm họ day dứt”, anh Hùng nói.

Một lâm tặc từng “lên” báo

Đã 4 năm hoàn lương, trở thành nhân viên hợp đồng bảo vệ ở Trạm Sao La (cách trung tâm Vườn 15km), Nguyễn Hùng Sơn (39 tuổi, quê xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) không ngần ngại thổ lộ: “trước năm 2000 tôi là tay chặt gỗ và cài bẫy săn bắt thú quý hiếm thuộc diện thượng hạng ở vùng này”. Hồi đó, Sơn là lâm tặc “làm liều” và “làm nhiều”. Gỗ de, dổi và dê rừng, lợn rừng, mang,... đều là mục tiêu săn lùng hàng đầu của Sơn. Từ chỗ làm ăn riêng lẻ một mình, Sơn thuê người ở tỉnh Quảng Bình ra cùng làm. Thậm chí em trai đang học lớp 12, Sơn cũng đưa về vận chuyển gỗ lậu. Sơn khắc hoạ tội lỗi của mình bằng dẫn chứng: “báo chí thời đó từng viết bài “Lâm tặc “nhí” là viết về em tôi đấy. Họ viết em tôi nhưng lại “điểm danh” thằng anh dẫn dắt là chính. Giờ nghĩ xấu hổ và ân hận vô cùng”.

“Hành nghề” lâm tặc được 5 năm thì làng xóm quê Sơn ở nhường chỗ cho công trình xây dựng lòng hồ Thuỷ điện Ngàn Trươi. Sơn di dân theo dự án về khu tái định cư Hói Trung nên “tạm gác nghề”. Thời gian này, Sơn làm rẫy cũng đủ ăn nhưng vẫn không nguôi “máu” lâm tặc. Đúng thời gian Sơn định quay vào rừng kiếm sống thì Vườn quốc gia Vũ Quang đang ráo riết truyên truyền, vận động người dân vùng đệm chấp hành pháp luật bảo vệ rừng và động vật hoang dã quý hiếm. Sơn dần nhận thức được “mình sa đà, dấn thân theo “nghề” lâm tặc là quá sai lầm, là vi phạm pháp luật, là có thể bị tù đày”. Năm 2012, khi Vườn có thông báo về hợp đồng bảo vệ rừng, Sơn viết đơn xin “đầu quân”.

Giải thích từ “đầu quân”, Sơn đưa cặp mắt sắc lẻm nhìn tôi. Khuôn mặt chữ điền sạm nắng của tay lâm tặc “số má” một thời lộ vẻ rắn và cương quyết: “tôi hứa là sẽ đầu quân bởi tôi quá thông thạo từng khoảnh rừng Vũ Quang, kể cả vùng rừng biên giới giáp Lào. Nơi nào có nhiều gỗ, nhiều thú quý tôi biết hết. Đầu quân nghĩa là sẽ giúp Vườn quốc gia Vũ Quang bảo vệ rừng bằng sức lực và tâm huyết từ sự hối lỗi của mình”.

Khác với Nguyễn Hùng Sơn, chặng đường lâm tặc của Nguyễn Đình Thuấn (49 tuổi, quê xã Hương Minh, huyện Vũ Quang) chỉ có 2 năm. Thuấn cũng không giấu diếm: “hồi đó, học xong phổ thông thấy họ đi rừng đông nên đi theo rồi hoá thành lâm tặc. Suốt ngày đêm chỉ lăm lăm nghĩ chuyện chặt gỗ và đặt bẫy săn thú rừng để mong kiếm được nhiều tiền và tiêu xài vô tội vạ”. Sau thời gian đi bộ đội, Thuấn mới thấm việc “đi rừng” là sai lầm đầu tiên trong đời. Năm 2012, Thuấn cùng một số lâm tặc hoàn lương khác viết đơn xin được hợp đồng với Vườn quốc gia Vũ Quang, làm nhân viên bảo vệ Trạm kiểm lâm Hói Trí với 350ha rừng thuộc tiểu khu 07. Trí chiêm nghiệm, có đi bảo vệ rừng mới biết gian khổ. Càng gian khổ mới biết công việc của mình có ích và biết giá trị của rừng nên yêu quý rừng hơn.

Những chốt chặn

Kể chuyện gian khổ, Thuấn còn nhớ những lần nhận được tin báo có lâm tặc thâm nhập vùng lõi là khẩn trương đi “nằm” (mật phục) mặc trời mưa nắng hay đêm khuya hoặc dịp lễ, tết. Một đêm sương rừng và gió lạnh, nhưng Thuấn và mấy bạn kiểm lâm phải nằm ngủ trên tảng đá. Đó là đêm anh em Trạm Hói Trí khẩn trương lên đường mật phục, không kịp gùi theo chăn màn. Đêm lạnh buốt từng tảng đá cứng nhưng không ai nghĩ chuyện nhen bếp lửa để sưởi vì làm thế thì còn chi mật phục. Tết Nhâm Dần 2022 vừa rồi, Thuấn cùng 6 kiểm lâm đi phục 3 chuyến. Thức trắng đêm như thường. Thuấn bảo, mình đã xin vào làm việc ở Vườn thì phải thể hiện được khí chất của một lâm tặc hoàn lương. Bữa đói thì chịu đói. Đêm rét thì chịu rét. Đó là chuyện thường ngày của người bảo vệ rừng.

Vườn Di sản ASEAN

“Năm 2017 - 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng Cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. Năm 2018, Hiệp hội Vườn Di sản Đông Nam Á công nhận Vườn quốc gia Vũ Quang là Vườn Di sản ASEAN. Hiện cả nước có 10 Vườn Di sản ASEAN”.

Ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang

Còn Sơn nhớ lần gặp rét, gặp lũ phải bơi hàng giờ vượt sông Thang Đày. Vượt được sông thì đói lả phải ăn đọt mây, đọt hèo thay cơm. Đó là một ký ức sâu đậm trong chuyến đi săn đuổi lâm tặc. Chuyến này do vụ việc phức tạp, kéo dài thời gian hơn dự tính nên lương thực, thực phẩm bị “cạn” dọc đường. Nói chuyện săn đuổi lâm tặc, Sơn không giấu được cặp mắt sắc khi nhớ lại chi tiết chạm trán với nhóm thợ săn thú. Khi Sơn tiếp cận, nhóm thợ săn dùng dao mác đe doạ nhưng Sơn khéo léo dùng mẹo mà hồi hành nghề lâm tặc đã trải để khai thác thông tin nhóm thợ săn cài bẫy ở đâu, kiểm tra họ mang con thú gì về rồi mới “răn đe”. Sơn nói: “tôi có kinh nghiệm xử lý. Không dại gì đối đầu với lâm tặc. Hồi làm lâm tặc, tôi từng bị kiểm lâm rượt đuổi chí mạng nên cũng định ra tay đối phó. Nên tôi hiểu, đối đầu với lâm tặc dễ hỏng việc của mình”.

Theo anh Nguyễn Việt Hùng, câu chuyện của 2 nhân vật chưa thể phản ánh đầy đủ những gian nan của số lâm tặc hoàn lương nay trở thành nhân viên hợp đồng bảo vệ của Vườn. Bởi trong số 35 - 45 người dân vùng đệm được ký hợp đồng bảo vệ rừng từ năm 2012 có khoảng 10 - 13 người vốn là lâm tặc đã hoàn lương có nguyện vọng đi “trả nợ” cho rừng. Họ là người có sức khoẻ, thông thạo địa bàn, giúp lực lượng kiểm lâm của Vườn tuần tra, mật phục, phát hiện những vụ việc vi phạm trong Vườn. Họ góp sức tạo nên những chốt chặn tin cậy giữa vùng lõi, kể cả khu vực biên giới.

Anh Hùng nêu một loạt số liệu: giai đoạn 2012 - 2018, tổng kết của 10 trạm kiểm lâm và 1 đội kiểm lâm cơ động của Vườn cho biết, đã tháo dỡ hơn 1.000 bẫy thú. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay Vườn quốc gia Vũ Quang không để xảy ra một vụ nào về phá rừng và săn bắt động vật hoang dã. Trước đó, sau khi ký hợp đồng 3 năm, những chốt chặn này đã phát hiện, từng bước ngăn chặn làm giảm thiểu số vụ vi phạm: năm 2015, phát hiện 55 vụ, năm 2016 là 32 vụ và năm 2017 là 17 vụ, đầu năm 2018 chỉ có 3 vụ.

Sau chốt chặn, chính những lâm tặc hoàn lương này là “kênh” truyên truyền hiệu quả nhất về phổ biến pháp luật và giúp người dân vùng đệm hiểu được giá trị, lợi ích của vườn rừng quốc gia và ý nghĩa của việc bảo vệ rừng. Riêng cá nhân Nguyễn Hùng Sơn và 4 đồng nghiệp khác được Vườn biểu dương trong năm 2020, 2021./.

(HSSK 466: 10/3/2022)

 

12 September 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)