06/01/2025 | 20:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Hà Giang: Quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc

VĂN NGHỊ
Tỉnh Hà Giang: Quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 27 tại thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang)_Ảnh: V.N
Ngày 1-5-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết số 27 về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 27). Kể từ đó, toàn tỉnh ra sức nỗ lực, quyết tâm cao để đạt được mục tiêu đề ra.

Nhiều hệ lụy từ những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu

Trước khi có Nghị quyết 27, đời sống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh Hà Giang luôn bị chi phối bởi những phong tục, tập quán của từng dân tộc, từng dòng họ, với những tục lệ rườm rà, nhất là trong việc cưới, việc tang, gây lãng phí thời gian, tiền của, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, dẫn đến đói nghèo, lạc hậu. 

Ông Hoàng Văn Sự - thôn Trung, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình - cho biết: năm 2020 mẹ ông mất, đám tang kéo dài 4 - 5 ngày, con cháu phải mời thầy, làm lễ cúng tốn kém rất nhiều tiền... Đám tang mẹ xong, để có tiền trả cho các khoản chi phí, ông phải bán nhà trả nợ.

Anh Thèn Văn Hiệu là hộ nghèo của thôn Lủng Mở, xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần. Vợ chồng anh và hai đứa con dù rất chịu khó lao động, chí thú làm ăn, nhưng cái nghèo cứ đeo bám như một vòng luẩn quẩn. 

Anh Hiệu cho biết, thôn anh 100% là đồng bào dân tộc Nùng, quan hệ dòng họ, nội ngoại đan xen. Khi có người mất cả dòng họ, nội ngoại đến làm ma, đem theo trâu, bò, lợn, gà, dê để mổ ăn uống, cúng bái linh đình mấy ngày, tốn rất nhiều tiền. Khi bố anh mất, một số người họ hàng, nội ngoại cũng đem trâu, bò, lợn, gà, dê đến làm ma. Đó là món nợ đồng lần mà anh phải trả mỗi khi trong dòng họ có người chết.

Rõ ràng, những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã cản trở rất lớn đến sự phát triển của các địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân cũng biết điều đó nhưng không biết phải làm gì, giải quyết như thế nào và từ đâu?

Nhận diện được hệ lụy từ những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27; thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết (Ban Chỉ đạo 433). Ngay sau khi ban hành Nghị quyết 27, Ban Chỉ đạo 443 đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết trên tinh thần quyết liệt, hiệu quả, thiết thực, bài bản và bền vững. 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, gắn với triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Thực hiện Nghị quyết 27 với quan điểm “Thường xuyên, liên tục, kiên trì”, Ban Chỉ đạo 443 chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết trên nguyên tắc tuân thủ những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm đồng bộ, quyết liệt trên cả 2 mặt xây và chống. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nghị quyết. 

Phải có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng con người mới, nếp sống văn minh, tạo nên những giá trị văn hóa trong đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Từ khi có Nghị quyết 27, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, xóm, dòng họ, từng gia đình, đặc biệt là sự hưởng ứng, đón nhận của nhân dân, đã có nhiều cách làm hay, việc làm cụ thể, hiệu quả, mang lại kết quả tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng.

Một nghị quyết hợp lòng dân

Đồng chí Nguyễn Hữu Thông - Bí thư Đảng ủy xã Yên Định, huyện Bắc Mê - chia sẻ: “thực hiện Nghị quyết 27, Đảng bộ xã Yên Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết gắn với thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự nông thôn. 

Qua đó, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân trong xã từng bước được nâng lên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Nghị quyết 27. Nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của nhân dân các dân tộc trong xã được bảo tồn và phát huy như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian..., tạo nên bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của xã.

Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu gắn với triển khai các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, đảng viên Hầu Mí Xay - dân tộc Mông, thôn hạ sơn Bản Bó, xã Yên Định, huyện Bắc Mê - cùng 11 hộ dân tộc Mông trong thôn tích cực hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết 27, tham gia mô hình “Nhóm chăn nuôi bò vàng vùng cao sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 

Anh Hầu Mí Xay cho biết: “thôn tôi có 11 hộ, đều là dân tộc Mông. Trước đây đám tang trong thôn thường kéo dài 4 ngày, 3 đêm; một số dòng họ chưa cho thi thể người chết vào áo quan, trong lễ tế thường mổ 6 - 7 con bò, lợn, hoặc chó, rất tốn kém. Triển khai thực hiện Nghị quyết 27, với vai trò là đảng viên, trưởng nhóm, tôi tổ chức họp nhóm để tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến các hộ để lựa chọn các nội dung, nội dung nào phải cải tiến cho phù hợp, nội dung nào lạc hậu quá thì xóa bỏ hoàn toàn, từ đó đã lựa chọn được các nội dung để thực hiện, đồng thời triển khai cho các gia đình, hội viên ký cam kết, dán niêm yết tại gia đình để thực hiện. 

Đến nay, các gia đình, dòng họ đã thực hiện không để người chết quá 48 giờ và được đưa vào áo quan; trong đám không còn giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, không uống rượu nhiều”. Tham gia mô hình chăn nuôi bò vàng vùng cao sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhóm của anh Hầu Mí Xay cũng thực hiện tốt việc xây dựng, di chuyển chuồng bò ra xa nhà để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Là xã nội địa của huyện Đồng Văn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 60%, Thài Phìn Tủng triển khai thực hiện Nghị quyết 27 với muôn vàn khó khăn bởi những quan niệm của từng dân tộc, từng dòng họ về tín ngưỡng, tâm linh trong việc cưới, việc tang còn khá nặng nề, phức tạp, trong đó có cả những quan niệm mang tính huyền bí, mê tín dị đoan... 

Nhưng với quyết tâm chính trị cao, vai trò của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong xã được phát huy tối đa, việc triển khai Nghị quyết 27 đã đạt được những kết quả cụ thể, rõ nét. Ông Vàng Chìa Ly - Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng - cho biết: thực hiện Nghị quyết 27 sẽ không hiệu quả nếu không có quyết tâm cao, thậm chí là lòng dũng cảm. 

Ông Ly lấy ví dụ cụ thể: khi bố ông chết, đưa việc thực hiện Nghị quyết 27 ra bàn trong trong dòng họ, các bà cô không ai đồng ý. Họ cho rằng nếu không làm theo tục lệ cũ sẽ bị “ma ám” và dọa sẽ không đến dự đám tang của bố ông. 

Nhưng với vai trò là đảng viên, bí thư chi bộ, ông đã gương mẫu đi đầu quyết tâm thực hiện. Ban đầu những người trong dòng họ, các bà cô còn nghi ngờ, ái ngại, nhưng sau thấy mọi việc êm đẹp, vừa đỡ tốn kém, lại hợp vệ sinh, mọi người trong gia đình khỏe mạnh nên từ đó người dân trong họ và các dòng họ khác trong thôn đã tích cực hưởng ứng làm theo...

Nghị quyết 27 đã thực sự đi vào cuộc sống

Sau hơn 2 năm thực hiện, Nghị quyết 27 đã thực sự đi vào cuộc sống, từng bước làm thay đổi từ nhận thức đến hành động, tạo nền tảng vững chắc để xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân. 

Ông Trần Mạnh Lợi - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 443) - cho biết: việc thực hiện Nghị quyết 27 được các cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, với phương châm “Thường xuyên, liên tục, kiên trì, đồng bộ và quyết liệt” và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. 

Ban chỉ đạo các cấp xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu phấn đấu để triển khai, thực hiện hiệu quả. Vai trò nêu gương, ý thức của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân có sự chuyển biến mạnh mẽ. 

Một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ, như: chôn nông, tang lễ không quá 48 giờ; việc đi viếng bằng vòng hoa, bức trướng, rải vàng mã; nhận lễ bằng trâu, bò; cúng dài ngày sau lễ tang; số cặp tảo hôn giảm, kết hôn cận huyết thống cơ bản không còn.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy - sở dĩ Nghị quyết 27 được triển khai hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những nội dung của Nghị quyết làm thay đổi tích cực, trực tiếp đến đời sống người dân. 

Cụ thể: một đám tang bớt mổ 1 con bò, con dê, giảm bớt cúng bái không cần thiết, không ăn uống linh đình thì sẽ giảm chi phí đáng kể, từ đó hộ nghèo có điều kiện để thoát nghèo, hộ trung bình vươn lên thành hộ khá, hộ khá vươn lên hộ giàu. 

Cặp vợ chồng không hôn nhân cận huyết thống, không sinh nhiều con thì có nòi giống khỏe mạnh, có điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy con ăn học được tốt hơn... Từ những lợi ích nhìn thấy đó, người dân đã nghe và làm theo, chứ không có gì là cao siêu, trừu tượng cả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc nhận diện đâu là hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần loại bỏ, đâu là giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy. 

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 27, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để lắng nghe những phản ánh, tâm tư, nguyên nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị. 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời gian tới, theo phương châm “Kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục”, trọng tâm là tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. 

Yêu cầu cấp ủy các cấp đưa các nội dung thực hiện Nghị quyết vào nội dung sinh hoạt của chi bộ, các đoàn thể và coi đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức./.

11 October 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)