Phát triển văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, phát triển xã hội - Những vấn đề mới đặt ra
ĐINH GIANG - QUANG HANH
Hội thảo là diễn đàn để các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề lý luận - thực tiễn về phát triển văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế và phát triển xã hội ở nước ta qua gần 40 năm đổi mới.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đại diện lãnh đạo một số tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang...; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội... Về phía Tạp chí Cộng sản, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, TS Nguyễn Thị Mai Anh - Vụ trưởng, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Tạp chí Cộng sản - khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, việc xử lý mối quan hệ giữa phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế, phát triển xã hội là một trong những vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới coi trọng.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, cùng với việc tạo ra nhiều của cải, vật chất, cần phải bảo đảm xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, phải đề cao các giá trị văn hóa; phải bảo đảm công bằng xã hội - đó mới thực sự là thành quả của một xã hội phát triển toàn diện, một xã hội văn minh.
Qua gần 40 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm gắn kết hài hòa giữa văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, xác định kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Trong nhiều bài viết, bài phát biểu, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc lại và nhấn mạnh: phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đồng chí cũng nhấn mạnh một số điểm: về nhận thức lý luận, phát triển văn hóa, phát triển kinh tế, phát triển xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới đều hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đây chính là điểm tương đồng then chốt tạo nên sự thống nhất xuyên suốt trong quan điểm, chủ trương của Đảng về gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, phát triển xã hội; đồng thời thể hiện bản chất, đặc trưng nhân văn, tiến bộ, văn minh của xã hội xã hội chủ nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới và nỗ lực dựng xây.
Về thực tiễn triển khai, các địa phương trên cả nước đã dần bảo đảm các yếu tố, điều kiện để phát triển đồng bộ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong nhiều năm qua, cùng với những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có những chuyển biến lớn.
Văn hóa từng bước được nhận thức là nguồn lực quý giá, quan trọng, các yếu tố văn hóa từng bước được chú trọng, được lồng ghép vào quá trình xây dựng, triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở cả cấp độ quốc gia, vùng và địa phương.
Các đại biểu: PGS, TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn - Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam; GS, TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học lịch sử Việt Nam; GS, TS Đỗ Quang Hưng - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương và nhiều đại biểu cùng thống nhất cần nâng cao nhận thức về văn hóa và phát triển; nhận thức về phát triển văn hóa, phát triển kinh tế, phát triển xã hội trong bối cảnh mới.
Các đại biểu cho rằng, bên cạnh tư duy phát triển kinh tế là điều kiện quan trọng, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, góp phần huy động nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa; quan điểm phát triển bền vững, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà xem nhẹ vai trò của văn hóa, “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội cũng được nâng lên một nhận thức mới - lấy các giá trị văn hóa và tác động xã hội làm nền tảng, làm cơ sở, làm thước đo để đánh giá mức độ phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng.
Một số đại biểu cũng cho rằng, trong thực tế triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng thời gian qua vẫn tồn tại những vấn đề chưa được giải quyết đồng bộ, hài hòa, thậm chí còn xung khắc giữa yêu cầu bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa với phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Ở một số lĩnh vực, một số địa phương vẫn có tình trạng coi trọng phát triển kinh tế hơn; văn hóa chưa được quan tâm và phát triển tương xứng với kinh tế, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển bền vững.
Kết luận Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - cho rằng, Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm, việc tiếp tục bồi đắp và chuyển hóa các giá trị văn hóa vốn đã hun đúc nên những phẩm chất vô cùng đặc biệt của con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực làm giàu mạnh thêm cho đất nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của các thế hệ người Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, việc thực hiện nhiệm vụ gắn kết giữa phát triển bền vững về văn hóa với phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, xét về bản chất, chính là bảo đảm xã hội phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà cũng nhấn mạnh, hơn 40 tham luận được gửi về Ban Tổ chức và các ý kiến phát biểu tại diễn đàn Hội thảo đã tập trung vào các nội dung: thứ nhất, kiến giải rõ hơn một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò, mối quan hệ, trong đó có xác định rõ chủ thể, trách nhiệm của các chủ thể, phương thức, cách thức giải quyết, xử lý,... mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, phát triển xã hội; về bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới thông qua nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tham chiếu một số kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
Thứ hai, phân tích, đánh giá, làm rõ hơn thực trạng sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, phát triển xã hội; trên cơ sở đó đánh giá thành tựu và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục thông qua thực tiễn ở một số địa phương trên cả nước (như Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Gia Lai...).
Thứ ba, đánh giá các cơ hội, thách thức trong quá trình phát triển văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế, phát triển xã hội ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những vấn đề mới đặt ra trong thời gian tới và đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách để giải quyết, bảo đảm phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế, phát triển xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn là những tư liệu quý, cung cấp những luận cứ khoa học - thực tiễn để Tạp chí Cộng sản, với chức năng, nhiệm vụ được giao chuyển hóa thành những bài viết, tài liệu nghiên cứu góp phần vào đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị cho việc xây dựng các Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng và hướng đến tổng kết 40 năm đổi mới ở Việt Nam./.