31/12/2024 | 00:48 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kiến giải thú vị về 2 địa danh nổi tiếng Nhật Lệ và Phong Nha

Lam Giang
Kiến giải thú vị về 2 địa danh nổi tiếng Nhật Lệ và Phong Nha Cửa biển Nhật Lệ - cửa ngõ thông ra Biển Đông của sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình)_Ảnh: Lam Giang
Nhật Lệ và Phong Nha là 2 địa danh du lịch ở Quảng Bình được nhiều người biết đến, nhưng ít người biết rằng 2 danh xưng này vốn có nhiều cách hiểu khác nhau. Vậy nên hiểu nghĩa Nhật Lệ ra sao, Phong Nha thế nào? Đi tìm câu trả lời qua những kiến giải của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cho ta biết những điều khá thú vị.

Nhật Lệ, vốn đã nổi tiếng từ xưa, qua những câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du khi ông làm cai bạ Quảng Bình (1804 - 1809): “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”, “Chiều về mây phủ thành vắng tanh/Cỏ mướt trải dài đến biển xanh”... 

Và Nhật Lệ được đặt tên cho sông, cửa biển và bãi tắm ở thành phố Đồng Hới. Những nơi này từ lâu đã trở thành điểm đến nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản tươi ngon của Quảng Bình của hàng triệu lượt du khách. Nhưng mấy ai đã biết 2 chữ Nhật Lệ được hiểu như thế nào?

Nhật Lệ là ánh sáng Mặt trời đẹp đẽ hay nước mắt?

Trong cuốn Địa chí Đồng Hới, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú (hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng: “dòng sông Nhật Lệ quả là một dòng sông có nhiều huyền thoại, ngữ nghĩa của của nó cũng rắc rối. Người cho là lệ đẹp, người cho lệ là nước mắt. Đẹp thì ai cũng thích, nhưng nước mắt thì ai cũng băn khoăn, suy nghĩ”. 

Trong cách nghĩ và từ truyền thuyết lâu nay về vùng đất và sông Nhật Lệ, người ta kể rằng Huyền Trân công chúa nhà Trần, trên chặng đường cuối cùng từ giã Đại Việt đi về nhà chồng làm dâu nước Chiêm Thành, do nhà vua gả để 2 nước Đại Việt và Chiêm Thành hoà hiếu, tránh nạn binh đao, đã dừng lại nơi này (Nhật Lệ, Đồng Hới), nước mắt biệt ly hoà vào dòng sông mà có tên Nhật Lệ. 

Hay có chuyện kể: khi Đại Việt đưa quân đi đánh Chiêm Thành, Vua Chiêm Thành bị tử trận, nàng Mỵ Ê - vợ vua Chiêm Thành - bị Vua Lý bắt đưa về Thăng Long. Khi đi qua cửa biển Nhật Lệ, nàng không chịu cùng vua chăn gối, đã khóc và gieo mình xuống biển, nước mắt (lệ) hoà vào nước biển mà có tên Nhật Lệ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Trai (hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam), Nhật Lệ nên được hiểu theo nghĩa Lệ là “đẹp”, hay Lệ là “nước mắt”? Ông Trai đã nghiên cứu về Nhật Lệ qua các sách cổ bằng chữ Hán. Đó là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, Việt sử lược viết vào thế kỷ XIII (không nói tên tác giả, bị thất truyền) được in vào đời nhà Thanh (Trung Quốc) để viết cuốn Quảng Bình địa linh nhân kiệt. 

Qua đó ông Trai cho rằng trước hết, cần hiểu nghĩa chữ Lệ, bởi lẽ chữ Lệ được hiểu 2 nghĩa: lệ là nước mắt hay lệ là đẹp. Qua tự dạng chữ Lệ 麗 (là chữ Hán) rõ ràng đây nghĩa là đẹp, chứ không thể là nước mắt.

Còn chữ Nhật ở trong 2 chữ Nhật Lệ nên hiểu như thế nào, là “ngày” hay là “đẹp”? Cũng theo kiến giải của ông Trai, trong từ điển Hán - Việt, chữ Nhật nghĩa Hán có các nghĩa: là ngày, là Mặt trời, là nghĩa phái sinh (nghĩa bóng) là ánh sáng Mặt trời, là trong quận Nhật Nam (liên quan đến trời). 

Có ý kiến lý giải rằng: nhật là ngày, lệ là nước mắt. Ở chữ Nhật là nghĩa phái sinh (nghĩa bóng), thì là sáng, rạng rỡ, lung linh của ánh sáng mặt trời, cũng có nghĩa là đẹp (chữ nhật, trong Phật nhật tăng huy, tức Đức Phật như ánh sáng mặt trời). Chữ Nhật trong quận Nhật Nam và chữ Nhật trong sông Nhật Lệ tự dạng giống nhau: 日?, có nghĩa là ánh sáng Mặt trời. 

Vì vậy ở chữ Nhật trong Nhật Lệ, nếu hiểu theo nghĩa là ngày thì ông Trai cho rằng không ổn. Vì vậy theo ông Trai, cụm từ Nhật Lệ của một địa danh có biển và cửa sông ở Đồng Hới thì có lẽ chữ Nhật ở đây là chỉ ánh sáng Mặt trời rực rỡ, lung linh, cũng có nghĩa là đẹp. Chữ Lệ, nếu hiểu theo nghĩa là đẹp sẽ có sức thuyết phục hơn, giống như mỹ lệ, tráng lệ là 2 tính từ tăng thêm vẻ đẹp, phù hợp với cách đặt tên trong lịch sử. 

Vì vậy 2 chữ Nhật Lệ đi liền nhau ở đây để chỉ và làm tăng thêm mức độ vẻ đẹp của dòng sông và cửa biển (tuyệt đẹp) này.

Phong Nha là răng và gió hay gió thổi qua kẽ răng?

Còn 2 chữ Phong Nha, địa danh ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và huyện Bố Trạch, nên được hiểu thế nào, có đúng là theo nghĩa “gió thổi qua kẽ răng” hay là “răng của gió” như đã được giải nghĩa và hiểu lâu nay? 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trai qua cuốn Quảng Bình địa linh nhân kiệt của ông, từ thế kỷ XVI và sau đó trong các sách như Ô châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn..., vùng động Phong Nha từng được ghi vào, nhưng dưới tên khác, như là động Chân Linh (linh thiêng, ứng nghiệm), rồi Tiên Sư (thầy tiên). 

Phong Nha được miêu tả là vùng hang động, núi non đẹp đẽ như chốn đào nguyên, bồng lai tiên cảnh, có Phật, có tiên nữ, hư thực cảnh trần, cảnh tiên huyền diệu và thâm u... Đến năm 1885, trong sách Đồng Khánh dư địa chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần viết về Quảng Bình mới có một đoạn ghi cho huyện Bố Trạch: “ở địa phận trang Phong Nha, trong động thạch nhũ rủ xuống như xiêm y nghê thường...”. Như vậy, khoảng đầu thế kỷ XX mới xuất hiện 2 chữ Phong Nha để gọi động Phong Nha như bây giờ.

Theo ông Trai, lâu nay cũng xuất hiện nhiều cách giải nghĩa. Có cách nói như Phong là gió, Nha là răng, nghĩa là răng của gió, hay gió thổi qua cửa động như hơi thở qua kẽ răng (thạch nhũ rủ xuống như những chiếc răng). 

Trong sách Quảng Bình địa linh nhân kiệt, ông Trai cho rằng kiến giải như vậy xem ra chưa ổn, chưa nói lên được những dấu ấn chân linh, huyền bí và đẹp đẽ của vùng hệ thống hang động, chưa gắn với những gì sách xưa viết về Phong Nha. 

Tìm tới tự dạng chữ Hán, ông Trai đã thấy trong sách Đồng Khánh dư địa chí có viết Phong Nha là chữ 峰? 衙. Theo đó, từ nguyên cổ Phong nghĩa là đỉnh núi, chóp núi, ngọn núi. Nha là nơi ở, nơi làm việc quan, nơi làm việc công.

Ông Nguyễn Ngọc Trai cho rằng, chữ “Phong Nha” theo Hán - Việt từ nguyên có nghĩa là những đỉnh núi - nơi ở hay nơi làm việc của các bậc Thánh, Thần, Phật, Tiên. Là những đỉnh núi thiêng, trong thực tế Phong Nha - Kẻ Bàng cho đến hiện nay vẫn hội tụ đủ các điều kiện tạo nên linh khí, tụ khí mạnh, là vùng đất địa linh. 

Tuy nhiên, cách hiểu tên động và kiến giải tên động còn tuỳ thuộc vào cách cảm nhận, góc nhìn và cách nhìn của mỗi người. Vì vậy, nghĩa của 2 từ Phong Nha hoàn toàn không liên quan gì đến gió và răng.

Trong cuốn Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú, tác giả có đưa ra ý kiến của mình và dẫn lại ý của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An (Huế) về 2 chữ Phong Nha như sau: “ngồi trên thuyền, ngước nhìn lên trên mái động, các khối đá rủ xuống tua tủa như những hàm răng khổng lồ đang gồng mình lên chống đỡ với gió mạnh từ trong hang thổi ra... 

Phải chăng, vì răng như thế, gió như thế mà người đời đặt tên cho cái danh địa này là Phong Nha?”. Nhưng cụ Tú cũng cho rằng, có lẽ Phong Nha chỉ đúng với hiện tượng “răng và gió” và cái hiện tượng ấy cũng chỉ gợi lên khi khách đã đi vào hang động, còn nếu khách đứng ngoài mà nhìn hòn núi Phong Nha thì thấy chóp núi Phong Nha từng dãy chóp đá đứng thành từng hàng ngay ngắn như những ông quan đứng chầu vua, ngay ngắn nghiêm trang. 

Từ những cảnh tượng trên, cụ Nguyễn Tú cho rằng: “do đó, người xưa đã đặt tên Phong Nha nghĩa là những ông quan đứng thành từng hàng”.

***

Như vậy, theo những kiến giải thú vị và đầy luận cứ trên, 2 cụm từ Nhật Lệ và Phong Nha không nên hiểu theo nghĩa là ngày và nước mắt, răng và gió (hay gió thổi qua kẽ răng) một cách chiết tự từ chữ Hán - Việt. Bởi từ và nghĩa mà ông cha ta đã đặt tên và gọi cho một vùng đất (nào đó), thường mang những hàm ý rất cao sang, thanh khiết và đầy chất thơ. 

Những kiến giải của các nhà nghiên cứu văn hóa trên đây, cho dù đúng - sai thế nào, đầy đủ ý nghĩa hay chưa..., thì với chúng ta vẫn hết sức thú vị./.

11 October 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)