29/04/2025 | 01:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giếng làng

Tạ Ngọc Tấn
Giếng làng Giếng làng tại xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội_Ảnh: vietnam.vn

Thời còn bé tí teo, tôi theo thầy tôi (nhà tôi gọi bố là thầy) đi tắm. Thầy bảo tôi cởi quần áo vắt lên cành cây lộc vừng cạnh sân giếng rồi đổ ào lên đầu tôi một gầu nước. Chiều mùa hè nóng chảy mỡ mà nước giếng sao mà lạnh thế. Tôi dậm chân, suýt xoa kêu rét quá. Thầy tôi bảo:

- Rét gì mà rét, kỳ cọ cho sạch đi khắc ấm!

Tôi vừa đưa tay xoa khắp người vừa hỏi thầy:

- Thầy ơi, cái giếng này bao nhiêu tuổi rồi mà già thế?

 Thầy tôi vừa cười vừa bảo:

- Cái thằng bé này, hỏi gì mà hỏi chôn cùng lỗ... cắc cớ thế vậy? Mà cọ gì như gãi ghẻ thế thì sạch sao được.

Nói rồi, một tay thầy nắm lấy vai tôi, tay kia vừa kỳ cọ khắp người tôi vừa kêu:

- Ghét đâu ra mà nhiều thế này. Nghịch cho lắm vào!

Tay thầy tôi to đùng, da tay thô ráp, cọ đến đâu tôi co người lên đến đó vì đau. Nhưng vẫn không quên câu hỏi:

- Nhưng mà giếng bao nhiêu tuổi rồi, thầy ơi?

- Giếng bao nhiêu tuổi thì thầy làm sao biết được.

Thấy tôi ngước mắt nhìn chờ đợi, chắc thầy nghĩ không thể không trả lời câu hỏi của cái thằng bé tò mò này nên ông đành giải thích:

- Ngày xưa, người làng mình ăn uống, tắm giặt, tất thảy đều xuống đồng, dùng nước đồng. Nhưng mùa đông đồng cạn, nước chỉ còn lõng bõng với bùn, các cụ phải tìm mạch đào giếng lấy nước ăn. Đời ông của thầy cũng đã có cái giếng này rồi. Có làng rồi thế nào cũng phải có giếng. Biết thế nào mà tính tuổi giếng kia chứ!

- À ra thế!

Thấy tôi nói vậy, thầy bảo:

- Thế chứ sao!

Chắc thầy tôi nghĩ là tôi hết chỗ để hỏi nên không còn thắc mắc giếng bao nhiêu tuổi nữa. Thực ra, tôi đã đoán ra tuổi giếng rồi. Bởi, trong câu chuyện với mấy người đến chơi nhà hôm trước, thầy tôi chả bảo làng tôi đã ngót 300 năm tuổi rồi sao. Vậy nên, giếng cũng phải gần bằng tuổi làng, nghĩa là cũng ngót 300 năm tuổi rồi. Cứ nhìn gốc cây lộc vừng vừa to vừa xù xì, cong queo cạnh giếng, cũng đủ biết tuổi của giếng đã già lắm.

Rồi còn đá nữa. Đá ong xếp vòng tròn, kè từ đáy giếng lên đến mặt đất. Vẫn là đá ong xây nên bờ giếng tròn, rộng cỡ vài mét, cao quá đầu gối người lớn. Những viên đá ong đen xì, toàn lỗ là lỗ, những lỗ sâu hoắm, ngóc ngách. Đám dương xỉ bám đầy các khe đá, các lỗ đá, đâm lá tua tủa ra lòng giếng, tranh nhau hóng chút nắng trời buổi trưa. Sàn giếng được xếp ken liền bằng những cục đá lang thang, loại đá đen, nặng và cứng như sắt, rỗ nham nhở, to cỡ quả bưởi, quả mít, lăn lóc khắp các sườn đồi quê tôi. Cho dù người ta đã có ý chọn những cục đá khá phẳng phiu để xếp nhưng sàn giếng vẫn mấp ma, mấp mô. Vậy mà người ta vẫn đi lại, chẳng thấy ai ngã, cũng chẳng thấy ai ca cẩm gì. Có lẽ bởi dân quê tôi đi chân đất quen rồi, chân người nào người nấy to bè, da chân dầy cộp, theo mỗi bước đi, bàn chân đều choãi ra, ngón chân bấm xuống bám chắc vào đá.

Nước giếng làng tôi vừa trong vừa mát, lại có vị ngọt rất riêng. Thầy tôi bảo, nước giếng làng trong, mát, ngọt vậy là do mạch nước chảy ra từ chân đồi, đã được lọc qua bao nhiêu là đá, là sỏi, là cát ở dưới lòng đất sâu rồi. Dân làng tôi uống nước giếng quanh năm, chỉ khi pha chè mới nấu nước sôi. Mùa hè, đi làm đồng về, múc gầu nước giếng lên, vục đầu vào làm một hơi thì đã lắm, hay “mát ruột, mát gan” - như cách dân làng vẫn nói. Mùa đông, nước giếng lại ấm, như được ủ trong lòng đất. Trời rét đến mấy, uống nước giếng làng vẫn thấy ấm áp, dễ chịu.

Quanh giếng làng, từ bưng bửng sáng đến lên đèn, hầu như không lúc nào vắng bóng người. Người tắm rửa, giặt giũ, người lấy nước để gánh về nhà dùng. Mấy nhà ở gần còn mang cả rau cỏ, bát đũa, nồi niêu ra giếng để rửa. Nhưng giếng vui nhất là những buổi chiều mùa hè. Người cả xóm kéo nhau ra giếng để tắm giặt, đông nhất là đàn ông và bọn trẻ con lau nhau. Người ta đứng vây quanh giếng, vục nước xối cho mình, cho trẻ con, rồi hỏi han, chuyện trò râm ran, rầm rĩ. Thường thì khi trời đã xâm xẩm tối, cánh đàn ông rút hết, các bà, các cô mới ra giếng tắm giặt. Cũng có khi giữa thanh thiên bạch nhật, lúc cánh đàn ông đang xì xoàm dội nước, mấy bà xồn xồn vẫn ra giếng tắm. Lúc đó, cánh đàn ông tự giạt sang một bên, nhường một bên thành giếng cho các bà. Vậy là mấy bà cởi áo vắt lên cành cây đâu đó, để nguyên cả yếm với váy, cúi người kéo nước, xả nước ào ào, rồi ngồi xổm xuống bên thành giếng, sọc tay kỳ cọ, mặc cho cánh đàn ông bên kia bờ giếng thi thoảng lại phá lên cười sau những bàn tán thì thầm, to nhỏ.

Giếng làng là đầu những câu chuyện, cũng là cuối những câu chuyện trong làng. Muốn biết trong làng có chuyện gì, cứ ra giếng mà nghe. Người quê tôi ra đến giếng, chào hỏi nhau, rồi là trao đi, đổi lại đủ thứ chuyện, từ chuyện trong nhà, chuyện trong làng đến chuyện trong huyện, trong tỉnh, từ chuyện trong nước đến chuyện Liên Xô, Trung Quốc, chuyện thế giới, chẳng thiếu chuyện gì. Có chuyện truyền đi từ giếng làng mà người làng mừng cho nhau, như chuyện cưới xin, dạm hỏi, mừng thọ, sinh con, đẻ cháu. Có chuyện bắt đầu từ giếng mà người làng đi thăm viếng, động viên, đỡ đần lẫn nhau như chuyện mất mát, đau ốm, tang ma. Lại có chuyện đồn thổi, thất thiệt quanh bờ giếng, đại loại như: “Người ta bảo con bé ấy chửa hoang, không biết thế nào!”, “Hình như cậu ấy có vợ, có con rồi vẫn tằng tịu với cô nọ. Người đâu mà ăn ở bạc thế!”. Rồi ra cuối chuyện là giận hờn, chửi bới, thậm chí là đánh mắng, thù hận nhau.

Cả một thời niên thiếu đến ngày rời quê đi công tác, tôi đã quen với công việc gánh nước. Giếng làng ở dưới chân đồi, nhà tôi ở trên đỉnh đồi. Đường từ giếng lên nhà tôi dốc dếch, nước mưa xối trơ sỏi. Hai thùng nước vít cong hai đầu đòn gánh, thỉnh thoảng lại va vào bậc đá hay cành rào, gốc cây ven đường, làm cho nước sánh đổ ra đường. Con đường đã khó đi, bị nước làm cho trơn, càng khó đi hơn. Tôi đã có lần gánh nước bị ngã, toác máu đầu gối, để lại sẹo đến giờ.

Tôi uống nước giếng làng từ khi mới lọt lòng nên đã quen vị nước giếng. Sau này lớn lên, đi đến những miền đất khác, uống nước có vị khác, lại da diết nhớ về giếng làng.

*

Nhưng câu chuyện về giếng làng đã là quá vãng. Tôi lớn lên, rời quê đi công tác, ít năm sau trở về quê, thấy giếng làng đã bị lấp rồi. Người dân quê tôi đã chuyển sang dùng nước giếng khoan, rồi đến nước máy, nên không cần đến giếng làng nữa. Nơi giếng làng xưa đã thành đường đi. Cây lộc vừng già đã bị người ta bứng đi đâu từ thời cây cảnh lên ngôi. Giếng làng đã không còn nữa. Nhưng mỗi lần về làng, tôi vẫn dừng lại, nhìn về nơi giếng làng xưa cùng nôn nao những ký ức một thời. Tôi không thể quên được giếng làng, bởi giếng làng đã là một phần máu thịt của đời tôi, là một mảnh hồn quê trong tôi!./.

Trên con tàu KN-290 đi Trường Sa

15 February 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)