Đào tạo, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng tố yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang
Phạm Hoàng Trung
Cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang
Hà Giang - một tỉnh vùng Tây Bắc với đa số dân sinh sống là những đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Phù Lá, La Chí, Cờ Lao, Giáy, Dao... Nhân dân các dân tộc Hà Giang có truyền thống yêu nước, đoàn kết tương thân, tương ái, có ý thức tự lực tự cường, giúp nhau vươn lên xóa đói, giảm nghèo xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp văn minh.
Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có một nền văn hóa dân gian riêng biệt, độc đáo mang đậm nét văn hóa vùng Đông Bắc, với một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và quý báu, đặc biệt là được thể hiện qua các loại vật liệu, dụng cụ, nhà ở, trang phục, trang sức, âm nhạc, hát, múa, trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian...
Có thể thấy, các tộc người ở Hà Giang dù có lịch sử cư trú từ lâu đời hay những cộng đồng di cư đến sau đều coi kinh tế nông nghiệp, trồng trọt là nguồn sống chính, thích nghi với địa hình cư trú đồi núi ở phía Bắc với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe sâu và hẹp, nhiều vách dựng đứng; phía Tây là những dãy núi xen kẽ các dạng địa hình dốc, đôi khi sắc nhọn hoặc lởm chởm dốc đứng, bị phân cách mạnh, nhiều nếp gấp; vùng núi thấp với những cánh rừng già xen kẽ thung lũng tương đối bằng phẳng dọc theo sông, suối. Hà Giang có mật độ sông suối tương đối dày, tuy nhiên độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác, ít thuận lợi cho giao thủy...
Trong những điều kiện tự nhiên như vậy, để sinh tồn, các tộc người ở Hà Giang đã sớm hình thành đức tính cần cù, nhẫn nại vượt qua khó khăn trở ngại phát nương làm rẫy trồng các loại cây lương thực phục vụ tự cung, tự cấp cho cuộc sống. Trong lao động cộng đồng, các tộc người ở Hà Giang đã sáng tạo tạo nên những thửa ruộng bậc thang, dẫn nước nguồn để phát triển cây lúa nước ở phía Tây, tạo nên những vườn cây ăn trái ở vùng núi thấp và sáng tạo ra phương thức canh tác thổ canh hốc đá trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Các nhà nghiên cứu gọi nền kinh tế của các cộng đồng vùng cao phía Bắc là “nền nông nghiệp chống chịu” với tính đa dạng sinh học của những tập đoàn giống cây trồng đã được tuyển chọn, sàng lọc qua nhiều thế hệ.
Trong lao động sản xuất, các tộc người còn biết sử dụng các loại thảo dược trong thiên nhiên để chế ra các phương thuốc gia truyền phục vụ cuộc sống. Để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của cuộc sống, các ngành thủ công truyền thống ra đời như nghề rèn, nghề dệt, chế tác trang sức, đan lát, chế biến dược liệu...
Về đặc điểm tâm lý và quan niệm sống của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang cũng rất độc đáo và hấp dẫn. Những biểu hiện đầu tiên để nhận diện một cộng đồng thường là hệ thống các sản phẩm vật chất kết tinh từ văn hóa truyền thống, là hệ quả của điều kiện và phương thức sản xuất, đồng thời phán ánh những đặc điểm tâm lý và quan niệm của cả cộng đồng trong những thời điểm lịch sử cụ thể nhất định về cách sinh hoạt ăn uống, trang phục, nhà ở.
Đối với các tộc người ở Hà Giang, việc sinh hoạt ăn, mặc, ở của mỗi gia đình, tộc người vừa mang tính thống nhất vừa mang tính đa dạng. Trước hết trong sinh hoạt ẩm thực chủ yếu sử dụng ngô, gạo, các loại rau, thịt, cá,... do sản xuất tự cung tự cấp của các tộc người.
Để chống chọi với thú rừng, các tộc người ở Hà Giang đã sáng tạo ra các kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống phù hợp với đặc điểm địa hình từng vùng và trở thành bản sắc dân tộc như: kiểu nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng, Giấy, Dao áo dài, Cờ Lao, La Chí; kiểu nhà đất như người Mông, Lô Lô, Pu Péo, Pố Y, Phù Lá, Dao đỏ, Pà Thẻn...
Mỗi cộng đồng đều có những quan niệm riêng về sự sống và cái chết, những quan niệm này chi phối thái độ cũng như cách xử lý của tộc người trong từng việc liên quan. Dường như mỗi tộc người đều có những quan niệm và hành xử riêng tạo nên các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán vừa mang những đặc điểm riêng của tộc người vừa phản ánh sắc thái văn hóa của nhiều cộng đồng cùng tồn tại xen kẽ.
Đa số các tộc người đều quan niệm vạn vật hữu linh, sinh ra nhiều nghi lễ cúng thần rừng, thần núi, thần sông... Các nghi lễ trong cưới hỏi, tang ma được các tộc người coi trọng, cho đó là việc hệ trọng của đời người, là chuyện vui của gia đình, dòng họ, thông qua các nghi lễ nhiều giá trị văn hóa truyền thống được hình thành như quan niệm về báo ơn đấng sinh thành, các đấng siêu nhiên đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, dạy cho ta những điều hay lẽ phải; những bài hát giao duyên ca ngợi tình yêu đôi lứa, những tiếng khèn vọng núi rừng của người con hiếu thảo tiễn biệt người quá cố về với đất mẹ.
Từ những đặc điểm nêu trên đã sớm hình thành giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Hà Giang, đó là ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau; đức tính thật thà, bao dung, tự trọng và biết ơn; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn, yêu đời; có vốn tri thức dân gian phong phú.
Trong các cuộc chiến tranh xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ biên cương Tổ quốc, các giá trị văn hóa truyền thống ấy được tỏa sáng và bồi đắp thêm lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm kiên trung trong chiến đấu, thích ứng và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Những đức tính đó tạo nên sức sống mãnh liệt để tồn tại trước mọi kẻ thù nghiệt ngã của thiên nhiên, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và là nền tảng để góp phần xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước...
Đào tạo, phát huy cán bộ người dân tộc thiểu số
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích của cả nước, là nơi sinh sống lâu đời của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, có tiềm lực kinh tế to lớn với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, là những địa bàn “phên dậu”, “cái nôi” của căn cứ địa cách mạng nên có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu rõ thực tiễn và đánh giá cao vị trí của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định, đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong thời gian hoạt động cách mạng và kháng chiến, Người đã lựa chọn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, luôn gắn bó với đồng bào và được đồng bào yêu thương, che chở.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời tăng cường “đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”, đồng bào dân tộc thiểu số phải là nòng cốt trong mọi chính sách, trong đó công tác cán bộ và việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cần phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải đào tạo và cất nhắc đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, vì họ hiểu rất rõ thực tiễn, đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào các dân tộc và là người tiếp thu, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Người, để phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số thì cần “phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”.
Trong công tác đào tạo, cán bộ người dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đào tạo phải gắn liền với nhiệm vụ thực tế; học tập tốt cả chính trị, văn hóa và phải gắn liền với lao động, sản xuất, không học dông dài. “Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau”.
Theo Người, yêu cầu hàng đầu là phải nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng loại hình trường, lớp phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, “chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm” nhằm mục tiêu “đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động”.
Đi cùng với công tác đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến yêu cầu cần phải cất nhắc cán bộ là người dân tộc thiểu số. Theo Người, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số là để sử dụng; muốn sử dụng có kết quả thì phải giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể, thậm chí là nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn nếu họ thể hiện được phẩm chất và năng lực tốt; đồng thời, phải chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên và có kế hoạch cụ thể, sát hợp.
Đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ là công việc trọng yếu, có quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành chính sách cán bộ, không được coi nhẹ mặt nào, để giúp cán bộ người dân tộc thiểu số đảm đương tốt nhiệm vụ công tác của mình.
Vì vậy, Người luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải “ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ”.
Dành sự quan tâm, coi trọng công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ là người dân tộc thiểu số nên trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã trực tiếp đào tạo, cất nhắc nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số vào những vị trí quan trọng, và sau này họ đã trở thành các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung...
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, quyết tâm triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số; trong đó, đẩy mạnh triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ban hành ngày 25-11-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng là: các dân tộc bình đẳng, trong đó có sự bình đẳng về công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ người dân tộc thiểu số; đồng thời, cần có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số.
Hai là, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách trong công tác đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; gắn đào tạo với tiêu chuẩn trong điều kiện tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
Thực tế cho thấy, cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đang trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là hệ thống trường chuyên biệt, Học viện Dân tộc và các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học, đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí hợp lý cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang theo học tại các cơ sở đào tạo.
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, bảo đảm sự tiếp nối vững vàng giữa các thế hệ. Cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng theo các nghị quyết, quyết định, đề án đã được ban hành; đặc biệt, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, của Quốc hội, về “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”.
Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng làm việc cho cán bộ người dân tộc thiểu số; tăng cường phối hợp giữa cơ quan sử dụng cán bộ với các cơ sở đào tạo nhằm xác định rõ nhu cầu đào tạo đối với từng loại cán bộ để có kế hoạch đào tạo thật cụ thể.
Bốn là, tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, vì hiện nay, tình trạng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan quản lý nhà nước có xu hướng giảm; nhiều bộ, ngành và địa phương (nhất là cấp tỉnh) chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn tồn tại tình trạng mất cân đối về đội ngũ cán bộ giữa các nhóm người dân tộc thiểu số, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc (trừ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các dân tộc thiểu số khác có số lượng cán bộ rất thấp so với tỷ lệ dân số).
Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng khác là cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Năm là, quan tâm quy hoạch, sắp xếp, cất nhắc và sử dụng những người có năng lực, tài năng nhằm “Tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số”. Việc quan tâm quy hoạch, cất nhắc đối với cán bộ người dân tộc thiểu số sẽ động viên, khuyến khích cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với công việc, có động cơ phấn đấu, trau dồi, nâng cao năng lực về mọi mặt.
Một yêu cầu quan trọng khác là cần có cơ chế, chính sách tiếp nhận, tuyển dụng đối với con em đồng bào thuộc các dân tộc rất ít người. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách về chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết để kịp thời đề ra các giải pháp mang tính hệ thống, hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ người dân tộc thiểu số, phù hợp với từng bộ, ngành và địa phương ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sáu là, xây dựng kế hoạch chi tiết đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số theo lộ trình, nhiệm kỳ, bảo đảm tính liên tục, kế thừa các thế hệ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp. Đa dạng hóa nguồn cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, gồm: thanh niên học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ, nữ giới.
Triển khai tốt các chính sách về thu hút tạo nguồn cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, nâng cao tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đổi mới phương pháp giảng dạy; các phương pháp truyền đạt cần kết hợp nội dung mới, hiện đại với những nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với thực hành, tập huấn kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm các mục tiêu, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng hiệu quả, kịp thời, hạn chế tính hình thức, phô trương thành tích không thực chất, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Hoàn thiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số góp phần xây dựng lòng tin, sự bình đẳng giữa các dân tộc vì mục tiêu phát triển đất nước./.









Các bài cũ hơn


