26/04/2025 | 08:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Karma luật nhân quả

Dư Hồng Quảng

Karma trong tiếng Phạn là nghiệp. Nghiệp báo, quả báo nghĩa là mỗi hành động đều để lại hệ quả của nó. Các ý định tốt và việc làm tốt sẽ tạo ra nghiệp tốt và hạnh phúc trong tương lai, trái lại ý định xấu và việc làm xấu mang lại nghiệp xấu và sự đau khổ sau này.

Nghiệp là khái niệm trong Phật giáo và các tôn giáo Ấn Độ. Văn hóa phương Tây ảnh hưởng của Thiên chúa giáo nhưng cũng có một khái niệm tương tự như nghiệp, thể hiện trong cụm từ “what goes around comes around” (tạm dịch: “gieo nhân nào gặt quả ấy”). Đông Tây kim cổ, người ta đều tin rằng một hành động tốt sẽ đem lại hệ quả tốt.

Trang US History kể chuyện hơn 130 năm trước, tại Đại học Stanford, Mỹ, có chàng sinh viên nghèo là Hoover đứng ra tổ chức sự kiện âm nhạc để kiếm tiền. Anh mạnh dạn mời nhạc sĩ tên tuổi người Ba Lan là Paderewski biểu diễn. 

Do chưa có kinh nghiệm, Hoover không đủ tiền chi phí cho Paderewski. Nhưng Paderewski đã hào phóng giúp đỡ Hoover và họ trở thành bạn bè tốt.

Năm 1919, Paderewski trở thành thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Ba Lan mới giành được độc lập. Thăm Ba Lan khi ấy, Hoover đã chứng kiến một cảnh tượng đau lòng ở Thủ đô Warsaw: 25.000 trẻ em đi chân trần. Hoover đã điện báo bè bạn, kêu gọi giúp đỡ và quyên góp được 700.000 đôi giày cùng 700.000 chiếc áo khoác, kịp chuyển đến Ba Lan trước khi mùa đông bắt đầu.

Năm 1939, A. Hitler xâm lược Ba Lan, Hoover đã thành lập Ủy ban Cứu trợ Ba Lan (CPR). Ông gây quỹ và nhận được sự hợp tác từ các chính phủ và tổ chức từ thiện phi chính phủ nước ngoài. Trong vòng vài tháng, Ủy ban CPR đã trao 150 tấn quần áo và chăn màn cho người dân Ba Lan. 

Từ năm 1940, CPR tổ chức các bếp ăn và phục vụ 200.000 bữa ăn mỗi ngày cho trẻ em Ba Lan.

Đứng đầu Cơ quan Cứu trợ phi chính phủ Hoa Kỳ (ARA), với tấm lòng từ bi, Hoover đã tổ chức một đội tình nguyện cứu hàng triệu người khỏi nạn đói và bệnh tật ở các quốc gia châu Âu và Trung Đông. 

Mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi, nên suốt đời mình, Hoover luôn gắng sức chăm lo cho phúc lợi của trẻ em. Ông chính là người thành lập Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Câu chuyện tiếp sau sẽ cho thấy lòng tốt và sự tử tế đã cứu rỗi nhân loại như thế nào. Hơn 100 năm trước, một người nông dân nghèo đang làm việc trên cánh đồng ở nước Anh. Đột nhiên ông nghe thấy tiếng kêu cứu của một cậu bé không may bị rơi xuống nước. Không suy nghĩ gì, ông liền nhảy xuống nước cứu cậu bé.

Mấy ngày sau, một nhà quý tộc là cha cậu bé đến tận nơi, tặng rất nhiều vàng bạc để cảm ơn, nhưng người nông dân từ chối không nhận. Ông nói, lúc đó thấy người sắp chết đuối thì ông cứu, ai trong hoàn cảnh ấy cũng làm như vậy, ông không thể tham lam nhận của cải đền đáp. 

Nhà quý tộc vô cùng kính phục tấm lòng lương thiện và sự cao thượng của người nông dân nghèo, có ơn đức cứu con trai mình mà không biết lấy gì đền đáp.

Nhà quý tộc hỏi con trai người nông dân có muốn đi học không. Cậu bé nói rất thích đi học. Nhà quý tộc đề nghị được trợ cấp cho con trai của người nông dân đến Thủ đô London học tập. Ước mơ của người nông dân là cho con trai được học hành đến nơi đến chốn để thoát cảnh đói nghèo, nên ông đã nhận sự giúp đỡ của nhà quý tộc. 

Do khao khát học hành, con trai của người nông dân đã xuất sắc tốt nghiệp Đại học Y khoa Saint Marys ở London. Đó chính là Alexander Fleming - người phát minh ra thuốc kháng sinh penicillin. Năm 1945, ông được trao giải Nobel về y học.

Cậu bé con trai nhà quý tộc kia tên là Churchill. Năm 1895, cậu gia nhập quân đội Anh, từng tham chiến tại Ấn Độ, Sudan và Nam Phi, nổi tiếng với vai trò phóng viên chiến trường. 

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Churchill bị bệnh viêm phổi, suýt nữa mất mạng. May mắn nhờ có thuốc kháng sinh penicillin mà cậu thoát chết lần thứ hai. Sau này, cậu trở thành Thủ tướng Winston Churchill - vị thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Anh quốc.

Một nông dân và một quý tộc, dù khác nhau về đẳng cấp nhưng họ giống nhau ở sự tử tế, cao thượng, sẵn sàng giúp người khác trong lúc cần thiết. Họ đã gieo mầm tử tế để đem lại quả ngọt hạnh phúc cho nhân loại. 

Thủ tướng Churchill có đóng góp to lớn để kết thúc thảm họa Chiến tranh thế giới lần thứ hai, còn thuốc kháng sinh penicilin của Fleming đã cứu mạng sống hàng triệu triệu người trên thế giới.

Không xét khía cạnh tôn giáo, nhân quả chính là quy luật của cuộc sống. Xưa nay, người Việt chúng ta vẫn đinh ninh rằng “cha mẹ hiền lành để phúc cho con”. Đó không chỉ là giáo lý mà còn là một lối sống, là nét đẹp đời thường./.

26 June 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)