Giúp người chính là giúp mình
DƯ HỒNG QUẢNGHãng tin Reuters (Anh) cho biết, Bill Gates đang đích thân vận động các quan chức chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục tài trợ các chương trình y tế toàn cầu, từ tiêm chủng trẻ em đến điều trị HIV/AIDS. Vị tỷ phú này cũng cảnh báo rằng quỹ từ thiện của ông không thể lấp đầy các khoảng trống khi chính quyền Mỹ dừng tài trợ.
Khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi giải pháp toàn cầu. Bài học từ đại dịch COVID-19 gần đây và “Cái chết đen” từ thế kỷ XIV là những lời cảnh báo. “Cái chết đen” là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Bẹn và nách người bệnh sưng lên các hạch, các đốm máu tụ dưới da chuyển sang màu đen. Sau khi xuất hiện triệu chứng trên, bệnh nhân chết rất thảm thương chỉ trong vài giờ. Một phần ba dân số châu Âu và Trung Đông chết vì dịch bệnh này. Riêng châu Âu có 25 triệu người chết.
Theo ghi chép trong “Bách khoa thư lịch sử” (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, năm 2014) thì “Cái chết đen” là một cách gọi tên bệnh dịch hạch lây truyền từ loài bọ chét sống ký sinh ở chuột. Có khả năng nó khởi phát từ một vùng ở miền Nam Trung Quốc hoặc Đông Nam Á.
Theo chân các đội quân xâm lược Mông Cổ, dịch hạch đã qua Trung Á, đi theo “Con đường tơ lụa” tới Baghdad và bán đảo Crimea. Năm 1347, dịch bệnh theo thuyền bè đến Genoa, rồi lan sang phía Tây và phía Bắc, tới Paris và London năm 1348, tới Scandinavia và Nga năm 1349. Không cách gì có thể chống lại căn bệnh này và dĩ nhiên nó giết cả người giàu cũng như người nghèo, cả người tốt lẫn kẻ xấu.
Ngày nay, máy bay phản lực lan truyền dịch bệnh COVID-19 đi khắp thế giới, nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ đi ngựa của các chiến binh Mông Cổ (đã làm lây lan “Cái chết đen” cách đây 700 năm). COVID-19 không khởi phát ở Mỹ nhưng mấy năm trước, mỗi tuần có 1.500 người Mỹ chết vì đại dịch COVID-19.
Trong cuốn sách “Biến động” (Nhà xuất bản Dân trí, năm 2020), khi luận bàn các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào, một người Mỹ là Jared Diamond, Giáo sư Đại học California, cho rằng đại dịch COVID-19 khiến nhân loại đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu. Không có bất cứ quốc gia nào có thể tự mình giải quyết vấn đề dịch bệnh COVID-19, kể cả các nước giàu mạnh như Mỹ, Nhật Bản.
Giả sử nước Nhật tạm thời xử lý được COVID-19 trong phạm vi biên giới nước mình, nhưng nếu COVID-19 vẫn tiếp tục tồn tại ở Mông Cổ, Somalia hay ở một nơi nào khác thì việc COVID-19 quay trở lại nước Nhật chỉ là vấn đề thời gian.
Nếu có quốc gia phát triển được vaccine, rồi giữ cho riêng mình, đóng cửa biên giới, thì COVID-19 sẽ vẫn quay lại từ những nước thiếu vaccine. Virus không biên giới. Sẽ không có quốc gia nào an toàn trước COVID-19, cho đến khi mọi quốc gia đều được an toàn. “Nước Mỹ trên hết, người Mỹ tiêm trước” cũng không thể giúp nước Mỹ phòng, tránh dịch bệnh toàn cầu.
Theo Jared Diamond, nước giàu luôn tiêu thụ tài nguyên của thế giới gấp nhiều lần so với nước nghèo. Mỹ tiêu thụ tài nguyên gấp 210 lần so với Kenya. Bình quân mỗi người Mỹ tiêu thụ bằng 32 người Kenya. 60 triệu người Italia tiêu thụ gần gấp đôi 1 tỷ người sống ở châu Phi.
Ông Matthew Kavanagh - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chính trị y tế toàn cầu của Đại học Georgetown, Mỹ - cho biết, chưa đến 1% ngân sách y tế của Mỹ được chuyển cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nước Mỹ rút khỏi WHO, cắt mọi đóng góp tài chính cho tổ chức này sẽ khiến người Mỹ không được cập nhật thông tin chi tiết về các mối đe dọa sức khỏe mới nổi trên toàn cầu.
Dịch bệnh phát sinh từ những nước nghèo nàn, lạc hậu sẽ lan truyền sang các nước giàu có, văn minh. Cho nên giúp nước nghèo chống dịch cũng chính là giúp các nước giàu bảo vệ chính mình. Có ý kiến cho rằng, các thảm họa toàn cầu như dịch bệnh và bất bình đẳng sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donal Trump.
Trước đây, nhiều người Mỹ nghĩ rằng người nghèo ở các nước không liên quan và ảnh hưởng gì đến người giàu ở Mỹ. Afghanistan và Somalia xa xôi, nghèo đói, tưởng chừng không bao giờ có khả năng làm gì ảnh hưởng đến nước Mỹ, trớ trêu thay lại trở thành mối đe dọa, đến nỗi Mỹ phải cử quân đội đến cả 2 nước này đồn trú.
Nhà văn Nam Cao từng viết: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình”. Đó là ước mơ nhân văn về một xã hội lý tưởng. Còn tỷ phú Mỹ Bill Gates cũng rất nhân văn nhưng thực tế hơn. Ông biết chắc chắn rằng một bàn tay không thể che cả bầu trời, một nước dù giàu mạnh nhất, cũng không thể chống được đại nạn toàn cầu. Vì thế, giúp người cũng chính là giúp mình./.









Các bài cũ hơn



