29/04/2025 | 00:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Có ông vua đốt tầu buôn của vợ

Tự Thủy

Ai xem phim “Ván bài lật ngửa” chắc không quên những cảnh đấu súng chát chúa tại khu vực Tam giác vàng để bảo vệ đường dây buôn lậu ma túy về miền Nam Việt Nam. Còn chuyện vì sao “đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân lại có nhiều tiền bạc đến thế thì ít người biết. Trang “Người đưa tin” cho biết, cách làm giàu nhanh chóng của vợ chồng Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân đã được tiết lộ trong tập luận án tiến sĩ “Đông Nam Á: Chính trị dựa vào bạch phiến” bởi ông Alfed Mc Coy, một chuyên viên bài trừ buôn lậu quốc tế, từng là cố vấn tại Tổng nha Cảnh sát dưới thời Ngô Đình Diệm...

Theo Mc Coy, năm 1955, ngay sau khi quân Bình Xuyên bị đánh bật khỏi Sài Gòn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã mở chiến dịch chống thuốc phiện. Tất cả các ổ hút do Bình Xuyên bảo kê bị đóng cửa. Sài Gòn không còn là giao điểm của đường dây buôn bán ma túy quốc tế. Thế nhưng, chưa đầy 3 năm sau, Ngô Đình Diệm đột nhiên bỏ chiến dịch bài trừ thuốc phiện và bắt đầu mở đường cho việc buôn bán ma túy hoạt động trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là do các lực lượng nổi dậy làm cho cục diện chính trị rối loạn, anh em Diệm - Nhu cần phải có nhiều tiền để mở rộng hoạt động tình báo và đàn áp chính trị. Để có tiền tài trợ cho các hoạt động này, Nhu đã cho phép việc buôn bán thuốc phiện hoạt động trở lại.

Thống kê cho biết, năm 1963 tại khu vực Chợ Lớn có hơn 2.500 ổ hút ma túy hoạt động công khai. Để cung cấp thuốc phiện cho những ổ hút này, Nhu đã lập đường dây buôn lậu từ Lào sang Việt Nam. Người được Nhu tin cậy và giao dịch trực tiếp là ông Francisci phụ trách hàng không thương mại Lào. Hai người bắt đầu làm ăn với nhau từ 1958, khi Francisci đề nghị với Nhu cho mình độc quyền buôn bán thuốc phiện lậu từ Lào về Việt Nam.

Độc quyền và đặc quyền triệt tiêu tự do thương mại. Trong cuốn “Tinh thần pháp luật” (Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, năm 2006), Mongtesquieu kể khi người Bồ Đào Nha và người Castille thống trị vùng Tây Ấn Độ, có những ngành thương mại béo bở đến nỗi các công hầu đều muốn lắm lấy. Phó vương vùng Goa cho phép tay chân của mình được hưởng đặc quyền quá đáng. Điều này đã làm cho các nhà buôn bị phá sản.

Vua Theophile trông thấy con tàu có các hàng hóa của vợ ông ta là Theodora, liền hạ lệnh đốt tàu này. Ông nói: “ta là vua mà các ngươi biến ta thành ông chủ kho hàng ư! Người nghèo lấy gì ăn nếu chúng ta tranh mất nghề của họ?”. Nhà vua còn nói: “ta đã là vua thì ai có thể phạt ta nếu ta làm hãng độc quyền? Ai sẽ buộc ta thực hiện các hợp đồng? Ta mà buôn thì các triều thần cũng sẽ buôn, họ sẽ tham lam hơn, bất công hơn ta. Dân chúng tin vào tính công bằng của ta chứ không tin vào sự giàu có của ta đâu. Thuế đánh vào dân quá nặng làm cho dân nghèo đói, đó là điều chắc chắn đưa chúng ta đến chỗ diệt vong”.

Chế độ độc tài Diệm - Nhu bị diệt vong là minh chứng hùng hồn cho lời Vua Theophile. Sợ rằng nguy cơ đó sẽ xảy ra với chế độ của mình, năm 1982, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Andropov đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, trọng tâm là tiêu diệt buôn lậu. Những tay buôn lậu kim cương dính líu đến Galina Brezhneva - con gái cựu Tổng Bí thư Brezhnev - đều bị bắt và kết án. Rồi đến lượt Galina bị chính quyền tạm giữ để thẩm vấn vì buôn lậu kim cương ra khỏi Liên Xô với quy mô lớn đến nỗi đe dọa sự tồn tại của ngành sản xuất và kinh doanh kim cương trong nước. Tuy nhiên, là con gái của Brezhnev, bà Galina không bị buộc tội rõ ràng, nhưng vẫn bị chính quyền của Andropov lưu đầy.

Khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, các cuộc điều tra hình sự chống lại Galina Brezhneva và anh trai của bà làYuri Brezhnev (cựu Thứ trưởng thứ nhất củaBộ Ngoại thươngLiên Xô) đã được khởi động trở lại. Yuri Brezhnev và chồng của Galina Brezhneva là Yuri Churbanov sau đó đều bị bắt giam vì tội tham nhũng.Bình luận về vấn đề này, tờ The New York Times cho rằng, với con trai, con gái và con rể dính líu đến buôn lậu, thời đại Brezhnev là giai đoạn chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng hoành hành mạnh nhất ở Liên Xô. Lịch sử gọi giai đoạn Brezhnev cầm quyền là “thời kỳ đình trệ Brezhnev”./.

(HSSK 426: 10/7/2020)

13 September 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)