29/04/2025 | 02:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Văn hóa Thái trên vùng di sản

Trương Hữu Thiêm
Văn hóa Thái trên vùng di sản
Bao đời gắn bó mật thiết với quê hương Tây Bắc, các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái nói riêng đã “làm” ra nền văn hoá dân gian một cách hồn nhiên và thật đáng yêu. Điều đó được phản ánh qua sự đa dạng và đặc sắc những yếu tố văn hóa bản địa, vùng miền. Căn cứ vào mức dân khoảng trên 1,5 triệu người hiện nay, dân tộc Thái được coi là một dân tộc đa số trong số những dân tộc thiểu số. Đồng bào Thái sống tập trung nhất tại các tỉnh: Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa và Điện Biên.

Tây Bắc - vùng di sản văn hóa

Mở đầu câu chuyện, bà Dương Thị Chung - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) - đưa ra một nhận xét đại cương. Theo đó, nói đến văn hóa Thái nói riêng và tộc người Thái nói chung, hiển nhiên chúng ta nghĩ đến địa bàn Tây Bắc với khái niệm “vùng di sản văn hóa Tây Bắc” - xứ sở của hoa ban kiều diễm, của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, của vùng núi rừng trùng điệp và hùng vĩ có ngọn núi Phan Si Păng cao 3.034m; có cao nguyên Mộc Châu mênh mông; có con sông Đà với trữ lượng điện năng vô tận; có những cánh đồng nổi tiếng từ lâu đã đi vào thơ ca dân gian: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”...

Đồng bào Thái ưa sự thênh thang, thoáng đãng, do vậy mỗi bản của họ thường chỉ vài ba chục nóc nhà, nằm dọc hai bên triền sông, triền suối, nơi có địa thế bằng phẳng, rộng rãi, phì nhiêu, thuận tiện cho việc phát triển cây lúa nước. Bản của người Thái thường dựng ở chân núi, cư trú theo kiểu mật tập. Các nhà trong bản dựng rất gần nhau, giữa các nhà chỉ có lối đi lại chứ không có vườn tược như của các dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Nhà người Thái là nhà sàn, to và cao, nhiều gian, lắm cột; nhà có 2 chái, mỗi chái có 1 sàn sân, mỗi sàn sân có 1 cầu thang. Chái nhà người Thái trắng (Táy đón) hình vuông, còn chái nhà người Thái đen (Táy đăm) hình mai rùa. Nhà người Thái trắng có khá nhiều điểm gần với nhóm Tày - Nùng, còn nhà người Thái đen lại gần với nhà của các cư dân nhóm Môn - Khơ me. Tuy vậy, nhà người Thái đen lại có những nét đặc trưng không thấy ở nhà của cư dân Môn - Khơ me. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của nhà người Thái đen khá độc đáo, các gian đều có tên riêng. Từ xa xưa, kiểu dáng chái nhà của người Thái đen đã từng là đề tài cho một câu chuyện cổ tích khá thú vị. Mỗi đầu ngôi nhà truyền thống của người Thái đen có gắn một bộ khau cút, gồm 2 thanh gỗ chạm khắc hình rồng, đan chéo nhau theo thế giao long, cùng đâm vút lên trời.

Điệu xòe là “linh hồn” của dân vũ Thái

Tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tày - Thái, cùng hệ ngôn ngữ với tiếng Tày - Nùng, gần với tiếng Lào và Thái Lan và là thứ tiếng phổ thông ở vùng thấp Tây Bắc. Tiếng Thái đã phát triển đến trình độ có chữ viết riêng. Chữ Thái có nguồn gốc từ chữ Phạn cổ (Ấn Độ). Từ xa xưa, tiếng Thái cổ được dùng để ghi chép các gia phả, thần phả, văn học dân gian... Tín ngưỡng người Thái thuộc tín ngưỡng nguyên thuỷ, tin vào đa thần. Trong 1 năm, người Thái có nhiều lễ xên bản, xên mường, mục đích chính là cầu cúng đất trời thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên. Trong ngày lễ thường tổ chức các hội vui chơi ném còn, hái hoa, múa hát. Con gái Thái nổi tiếng đẹp người lại múa dẻo và điệu xòe hoa được coi là “linh hồn” của dân vũ Thái...

Cách đây không lâu, trong chuyến đi thực tế về xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, trong chương trình làm việc, chúng tôi rất may khi được một nông dân người Thái chính gốc, ông Cà Văn Lả - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quài Tở - cho biết nhiều thông tin về chính tộc người Thái đen của ông. Theo ông Lả, đại đa số cư dân Thái sinh sống và làm ruộng nước trong các lòng chảo có nhiều sông, suối, khe, rạch. Đây là địa bàn vùng thấp nên thường xảy ra lũ ống, lũ quét song kinh nghiệm canh tác ruộng nước đã giúp họ vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng thiên tai nhờ hệ thống thủy lợi truyền thống với những phai - mương - lái - lịn vào hàng khuôn mẫu. Quả thực bà con dân tộc Thái có nhiều kinh nghiệm chinh phục nguồn nước tự nhiên, các công trình “dẫn thủy nhập điền” như mương phai, ống máng, guồng cọn hoặc máy cán bông và cối gạo nước,... là những bằng chứng cho kết luận trên.

Về tín ngưỡng, đối tượng thờ cúng cơ bản của dân tộc Thái là tổ tiên, trời đất, bản mường. Theo quan niệm của đồng bào, người ta không chết mà chỉ “chuyển” cuộc sống đến một nơi cực lạc khác. Ở đó, con người sẽ được đầy đủ hơn về vật chất, thư thái hơn về tinh thần, thanh cao hơn về phẩm giá... Xứ sở kỳ diệu ấy là Mường Trời, tức Mường Then (chính tên gọi Mường Thanh của Điện Biên bây giờ, là do đọc chệch từ Mường Then mà ra). Tại nhiều địa phương, người Thái còn tổ chức một thứ nghi lễ trang nghiêm với quy mô cả bản tham gia, đó là lễ cầu mùa, đón tiếng sấm; ý nghĩa gần giống như hội Lồng tồng của dân tộc Tày ở vùng cao Việt Bắc...


Người Thái hát ở mọi nơi, mọi lúc

Nghệ sĩ ưu tú Điêu Khánh Thực - dân tộc Thái, Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên - nhận xét: thổ cẩm Thái hiện đã đạt đến trình độ kỹ thuật cực kỳ tinh xảo; rực rỡ và sang trọng trong phối màu sắc, mềm mại và tao nhã trong đường nét hoa văn; mát vào mùa hạ, ấm vào mùa đông. Cho tới nay, về trang phục, những gì còn lại để làm nên bản sắc dân tộc Thái, đều tập trung ở người phụ nữ. Một bộ nữ phục truyền thống của người Thái gồm 4 thứ chính: khăn (piêu), áo ngắn (xửa cỏm), váy (xỉn) và túi (thông).

Nghệ sĩ Điêu Khánh Thực cho rằng, có lẽ vì lý do tế nhị nên chúng ta thường tránh nói nhiều, nói kỹ về bộ váy áo người Thái, bởi nó liên quan trực tiếp đến những đường cong gợi cảm và tuyệt mỹ nơi cơ thể chị em. Chỉ biết rằng, trên thực tế, một phụ nữ Thái dù được học hành tới đâu và có làm đến chức vụ gì đi chăng nữa, họ vẫn giữ cho mình tối thiểu một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, dĩ nhiên là có chiếc xửa cỏm với hai hàng phạ khau (cúc trắng) lấp lánh ánh bạc, mang hình những chú bướm cách điệu hoặc mô phỏng đường nét của những loài hoa vốn được sinh ra từ chốn sơn thôn. Riêng chiếc piêu Thái thôi cũng đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho hàng loạt tác phẩm hội hoạ, âm nhạc và nhất là văn học; cả văn xuôi lẫn văn vần, cả văn học viết lẫn văn học truyền miệng.

Bằng kinh nghiệm sau mấy chục năm đảm trách công việc biên tập phần văn học Thái của Tạp chí Văn Nghệ Điện Biên (Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên), nghệ nhân Mào Văn Ết - 1 trong 8 nghệ nhân được phong danh hiệu đợt I, của tỉnh Điện Biên - cho biết: dân tộc Thái có một nền văn hóa - văn nghệ đồ sộ và lâu đời, phong phú về thể loại, sâu sắc về nội dung. Chữ khắp (hát) vừa là danh từ để gọi, vừa là động từ để tả. Nhân dân lao động Thái có thể hát ở mọi nơi, vào mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh: hát đối đáp, hát mời rượu, hát lên nương, hát then, hát trong đêm xòe, hát trên sàn Hạn Khuống...

Người Việt Nam, hẳn ai ai cũng đã hơn một lần được nghe bài hát Inh lả ơi với chất liệu dân ca Thái mượt mà, sâu lắng, mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc. Người Thái có hàng chục điệu dân vũ khác nhau, như: múa xoè, múa chuông, múa khăn, múa chai, múa chọi gà, múa hái hoa, múa chèo thuyền, múa bật bông... Nhưng, hấp dẫn nhất là các điệu múa quạt, múa nón và múa sạp - những điệu múa từng giành nhiều huy chương vàng tại các hội diễn trong nước và các cuộc thi quốc tế. Cùng với các bài dân ca và các điệu dân vũ, là sự góp mặt tất yếu của các nhạc cụ dân tộc. Nhạc cụ Thái tựu trung có thể chia làm 3 loại lớn: bộ gõ, bộ dây và bộ hơi. Xung quanh cây đàn tính (tính tẩu) với vai trò giữ nhịp, là các loại chiêng trống, các kiểu pí pặp, các dạng đàn môi...

Nhờ lợi thế về mẫu tự riêng, nền văn học dân gian Thái không chỉ có cơ hội để phát triển mạnh mẽ mà còn có điều kiện để giữ gìn bản sắc dân tộc của mình. Đó là các truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn; các trường ca, truyện thơ; các bài ca dao, đồng dao; các câu thành ngữ, tục ngữ,... có nội dung bao trùm lên muôn mặt đời sống xã hội và đời sống con người, cả đời sống vật chất lẫn đời sống tâm linh. Đỉnh cao của nền văn học viết dân tộc Thái là thiên tình sử Xống chụ xon xao (được ví như “Truyện Kiều” của dân tộc Kinh), với độ dài 1.846 câu thơ trau chuốt, giàu hình ảnh; đã được đưa vào chương trình môn văn học (dân gian) trong hệ giáo dục phổ thông. Ngoài Xống chụ xon xao còn có nhiều tác phẩm văn học viết xuất sắc khác, như Tản chụ xiết xương, Tản chụ xống xương, Tóng đón am ca, Táy pú xấc.../.

(HSSK 426: 10/7/2020)

13 September 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)