19/05/2024 | 00:21 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Văn du ký về Đền Hùng Vương nửa đầu thế kỷ XX

La Nguyễn Hữu Sơn
(Tiếp theo kỳ trước)
Văn du ký về Đền Hùng Vương nửa đầu thế kỷ XX Đoàn đại biểu cùng khối nghi thức, đội rước kiệu, lễ vật tại Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ_Ảnh

Vào giai đoạn Phật giáo phục hưng, ký giả sư thầy Thái Hòa bày tỏ nhận thức mối quan hệ thần quyền và vương quyền, thái độ và tâm tình một công dân và người con đất nước khi đến viếng chốn Tổ: “Đền Hùng Vương thuộc xã Cổ Tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, hàng năm cứ 10 tháng 3 ta là ngày đại hội, tương truyền ngày ấy là ngày vua Hùng Vương băng hà nên tới nay Quốc dân làm lễ truy điệu lại nhằm vào kỳ lễ Thanh minh, con cháu hơn 4.000 năm lũ lượt kéo nhau đi thăm mộ tổ, tưởng cũng là một việc rất có ý nghĩa. 

Tôi tuy xuất gia nhưng cũng dự một phần tử con Lạc cháu Hồng, há rằng chỉ biết chùa Hương mà không biết đền Hùng, chỉ chăm kỷ niệm Giáo tổ mà không biết kỷ niệm Quốc tổ hay sao? Do ý tưởng rồi thực hành, ngày 9 tháng 3 ta, tôi ra ga Đầu Cầu đáp xe lửa đi qua Phúc An, Vĩnh An, Việt Trì, Phủ Đức rồi đến ga Tiên Khiên giáp tỉnh lỵ Phú Thọ. Xuống ga đã thấy hàng mấy nghìn người thiện nam tín nữ, có cả người Pháp, người Tàu, đủ mọi hạng người, kẻ xe người bộ, có vẻ náo nhiệt hơn hội Phủ Giày, hội chùa Hương”[1]...

Từ đây, sư thầy Thái Hòa tập trung miêu tả phong cảnh, kiến trúc, cách thức bài trí và xác nhận sự hiện diện đời sống tâm linh, tín ngưỡng một thời: “một vùng dân gian sinh hoạt phong phú về nghề trồng sơn. Đi bộ 7 cây số đến xã Cổ Tích, trông lên một quả núi chon von cao ngất, cây cối rậm rạp um tùm, đó là núi Hùng, dưới chân núi có chợ, một ngôi nhà công quán làm kiểu Tây trên một quả đồi bên núi, từ chợ ngược lên độ một trăm thước Tây, đi qua một cái cổng, xây nguy nga đồ sộ, rồi cứ theo đường vòng thúng trèo lên, những chỗ đường dốc đều xây bậc xi măng, trèo độ 200 bậc lên tới nhà bia, một cái bia kỷ sự đền Hùng, có khắc niên hiệu Khải Định thứ hai (1917). 

Bên hữu mé dưới nhà bia là đền Giếng, mé trong nhà bia một cái sân bằng phẳng, rộng rãi, ngoài ba gian gác chuông, trong có ngôi chùa cổ, có biển đề Thiên Quang thuyền tự 天光?禪寺?, có sư cụ trụ trì, có hành lang, có nhà hậu, nhưng nhà tổ, nhà Tăng cư lại ở dưới làng, cách chùa 3 cây số. Tôi hỏi: “tại sao trên này rộng rãi thế này mà không làm nhà Tăng cư, Khách xá?”. Cụ trụ trì nói rằng: “chỉ có ngày hội, ngày tuần đông người mới dám lên đây, còn quanh năm thầy trò tôi vẫn ở nhà tổ dưới làng”... 

Quanh ra sau chùa, lại trèo lên độ hơn 100 bậc xây nữa thì đến sân đền. Trông vào thấy bốn chữ “Huệ thử Nam bang” 惠此?南–, trông xuống bốn mặt đồi, rừng bao la bát ngát, đều quay về mặt tây nam Lô giang Việt Trì. 

Trong nội cung, ba gian thờ bằng long ngai, ngoài tiền tế cũng ba gian, coi rất phong quang hùng vĩ, lui vào mé bên tả ba gian nhà chè. Bên hữu xuống mấy bậc là Lăng, một cái nhà xây vuông tám mái, trong có ngôi mộ xây hình chữ nhật, có bài vị đề chữ “Hùng Vương chi mộ”. 

Từ chân núi lên tới đền ước độ non cây số, cả thảy có hơn 300 bậc xây xi măng, nghe đâu trước do một nhà phú gia xây cúng. Trong miếu có rất nhiều câu đối, bài châm, hầu khắp của các nhà đại sĩ hoạn, đại văn chương trong nước đề cùng”; tiếp theo có đoạn phụng lục, biên chép 4 đôi câu đối quốc âm, một bài châm và sáng tác thêm một bài thơ Đường luật...

Cùng trong tâm thế yêu kính nguồn cội giống nòi, ký giả Anh Toàn trong tư cách thành viên đoàn hướng đạo Công giáo Nam Định đã tới thăm viếng di tích Đền Hùng Vương: “là dân Việt Nam mà chẳng hiểu dân Việt Nam có những đặc điểm gì về di tích, lịch sử, phong tục, địa dư, v.v... thì có khác chi người Khách trú... Chúng ta, đoàn thanh niên của đất nước, tưởng cũng nên biết qua vài nơi mà Tổ tiên và các vị anh hùng tài tuấn xưa kia đã in vết chân, đã nhỏ bao nhiêu huyết hãn để chiến đấu vì con cháu, vì chúng ta... Kìa bao nhiêu thành quách, cổ miếu, tàn bi, từ ngàn đời đã trải qua nắng hạ mưa đông, sương dao tuyết búa, vẫn còn lưu lại như quyến luyến với giang sơn, cây cỏ. Những nơi đó còn phảng phất hồn thiêng! Những nơi đó nhắc ta: Lòng yêu nước thiết tha bền vững!.. Hôm nay, đoàn thanh niên chúng ta cùng nhau đến thăm đền thờ vị tổ nước nhà”[2]... 

Từ đây, ký giả đi sâu giới thiệu hệ thống di tích văn hóa tiêu biểu: “Đền Hùng lập trên núi Nghĩa Cương, thuộc làng Cổ Tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đền có ba ngôi: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ. Từ chân núi tới Đền Thượng có ba trăm bậc, cao độ trăm rưởi thước Tây. Chân núi có Đền Giếng thờ hai vị công chúa con vua Hùng Vương thập bát. Đền Thượng lập trên đỉnh núi, bên trái có lăng đức vua cuối cùng nhà Hồng Bàng: Vua Hùng Duệ Vương. 

Trong Đền rất nhiều hoành phi, câu đối của người trong nước cung tiến. Có đôi câu, tục truyền bút tích của một vị chúa Trịnh. Lời hay, văn đẹp, tao khách vẫn ngợi khen: 問?Ì已事?須為史,/ 細認F如圖欲命詩 Vấn lai dĩ sự tu vi sử,/ Tế nhận như đồ dục mệnh thi (Dịch: Hỏi lại việc xưa nên chép sử,/ Nhìn như tranh vẽ muốn ban thơ)... Phong cảnh nơi đây đẹp thực! Đứng trên đỉnh núi, cây cỏ của nước non nhà như thu lại bên chân. Này núi Tản, sông Lô; kia Đà Giang, Tam Đảo. Dòng nước trong êm chảy dịu hiền, ngọn núi cao hùng vĩ bên sông. Ở đây ta thấy giang sơn gấm vóc của ta càng thêm gấm vóc... 

Hàng năm đến ngày mồng Mười tháng Ba có hội. Người trong nước nhớ tổ, tới viếng rất đông. Ngày ấy có quan Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, đại diện Nam triều, lên làm lễ ở Đền Thượng”; tiếp đó phác thảo khái lược chuyến thăm: “Đi xe hỏa tử Hà Nội đến ga Tiên Kiên, rồi tử đó vào đền xa độ bốn cây số, đi xe tay được. Nếu đi ô tô từ Hà Nội thì theo con đường Thuộc địa số 2, đến quá cây số 102, rẽ sang tay trái theo đường hàng tỉnh số 95 thì tới đền. 

Thức ăn nên mua sẵn vì ở đây không gần chợ. Hôm đầu năm Tây, hình bóng của trại thủ lĩnh Sầm Sơn đã hiện ở núi Nghĩa Cương. Trên con đường dốc, các chiến sĩ với những màn khăn mảng, đại diện cho tất cả các lớp thanh niên của Trại: lao động, hướng đạo và giáo viên. Vai nặng chĩu một bị chứa đủ đồ dùng: nhà vải, chăn chiếu, nồi niêu, dây thừng... Chiến sĩ quên mệt hát vang sườn non. Chiến sĩ chẳng ngại đường xa, cùng nhau “đăng sơn” viếng tổ”...

Vào chặng cuối, nhà giáo và khảo cứu văn hóa Lê Thọ Xuân, tên thật là Lê Văn Phúc (1904 - 1978), quê sinh ở xứ dừa Bến Tre, viết du ký Đi viếng đền Hùng vào ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Mão (12-3-1939), nhưng phải 5 năm sau mới công bố trên Đại Việt tập chí (1944) tại Sài Gòn... 

Mở đầu thiên du ký cách ngày nay vừa tròn 80 năm, Lê Thọ Xuân từ phương Nam về với cội nguồn đất tổ đã giới thiệu khái lược cách lựa chọn phương tiện cho chuyến du ngoạn: “Chúng ta, ai còn không biết tiên tổ nước mình là họ Hồng Bàng; họ Hồng Bàng làm vua 18 đời, xưng là Hùng Vương. Vậy trước khi đưa các bạn đi chơi chỗ này chỗ nọ, tôi muốn đưa các bạn đi viếng mộ tổ nhà ta... 

Chúng mình đương ở Hà Nội đây. Muốn đi đến mộ tổ ở về phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, thì hoặc đi xe lửa, hoặc đi xe hơi. Đi xe lửa thì ta theo đường Hà Nội - Lào Cai, nhưng phải xuống ở ga Tiên Kiên, cách Hà Nội 96km; ở đó lại chân núi Đền (Hùng Sơn cũng gọi là núi Đền, núi Nghĩa Lĩnh, hay Nghĩa Cương) độ bốn cây số. Đi xe hơi thì ta lên xe Hà Nội - Tuyên Quang, nhưng xuống xe tại ngã ba giữa, khoảng km95 và km96; chỗ ngã ba đến chân núi 2 cây số phải đi bộ vì không có xe chực sẵn. 

Đi xe lửa, hay đi xe hơi cũng đều bất tiện cho sự về của mình mà ở trên đấy cả đêm lại càng bất tiện hơn nữa. Chi bằng sẵn xe nhỏ đây, chúng mình chung nhau đổ xăng mà đi, vừa tiện lại vừa lợi”[3].../.

(Còn nữa)


[1] Thái Hòa: Viếng đền Hùng Vương, Đuốc tuệ, số 85, ra ngày 15-5-1938, tr. 35 - 37. Đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.

[2] Anh Toàn: Đền Hùng Vương, Thanh niên, số 157, ra ngày 15-4-1940, tr. 5. Đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.

[3] Lê Thọ Xuân: Đi viếng đền Hùng, Đại Việt tập chí, số 90, ra ngày 8-4-1943, tr. 6.

24 April 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)