18/05/2024 | 23:30 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Văn du ký về Đền Hùng Vương nửa đầu thế kỷ XX

La Nguyễn Hữu Sơn
Văn du ký về Đền Hùng Vương nửa đầu thế kỷ XX Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại_Ảnh: TL
Vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, văn nhân, du khách khắp trong Nam ngoài Bắc đã đến thăm Đền Hùng Vương (còn được gọi là Hùng Vương Sơn, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn, Chùa Đền, Núi Cả) và để lại nhiều trang du ký trên các báo Nam phong Tạp chí, Đông phương, Hà thành Ngọ báo, Đuốc tuệ, Thanh niên, Đại Việt Tập chí, Tri tân Tạp chí...

Đền Hùng Vương là quần thể di tích (Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Lạc Long Quân, Đền Giếng, chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Thượng, mộ tổ Lăng Hùng Vương...) được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, cao 175m, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. 

Đền Hùng được khởi dựng từ khoảng cuối thế kỷ X, hoàn chỉnh vào thế kỷ XV. Đền Hùng được Bộ Văn hóa xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia (năm 1962), được Chính phủ ban hành Nghị định tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng vào ngày 10-3 âm lịch hằng năm (năm 2001), được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại (năm 2012)...

Những thập niên đầu của nền văn học quốc ngữ, Đông Giang Phạm Hy Nguyên đặc tả cảnh đánh đu bát tiên trong lễ hội Đền Hùng Vương:

Mùng mười trong tiết tháng ba,

Là ngày giỗ tổ nước nhà Đại Nam.

Hai mươi nhăm triệu da vàng,

Cùng là dòng dõi Hồng Bàng mà ra.

Giai lành gái tốt gần xa,

Đu tiên lơ lửng tiếng ca dịu dàng.

Mừng nay bốn bể an nhàn,

Ái ân hai nước ta càng ra thân.

Vui mừng muôn họ trăm dân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Năm năm nhớ hội chùa Đền,

Nhớ cha rồng với mẹ tiên lâu dài.

Dặn rằng ai chớ quên ai![1]...

Nguyễn Trùng Hanh (quê Gia Lâm, Hà Nội) trong sách Việt sử nguyên âm, mục “Các bậc đế vương” xác định: “Hùng Vương 雄Y王 (2.879 - 258 trước Gia-tô). Lược dẫn: 18 đời đều gọi là HÙNG VƯƠNG, đóng đô ở Châu Phong, nước gọi là Văn Lang, các đời cả thảy hơn 1.000 năm, đến đời Vua Hùng Vương thứ cuối có con gái là Mỵ Nương không gả cho Vua Thục, Vua Thục oán, dặn con cháu lấy nước Văn Lang. Sau vua chỉ hay rượu, không biết cách giữ nước, cháu Vua Thục là Phán đánh lấy mất nước.

Truyện:

Hùng Vương tổ nước ta xưa,

Một nhà mười tám đời vua dõi truyền.

Mỵ Nương không nỡ ép duyên,

Khiến sao vua Thục gây nên oán thù.

Quá say quên bẵng cơ đồ,

Sức thần dầu có khỏi thua được nào.

Thơ:

Lạ lùng truyện tổ nước Nam ta,

Mười tám đời vua vẫn một nhà.

Dâu bể hơn nghìn năm định cục,

Xin đừng giở án Mỵ Nương ra[2].

Sau này còn có nhiều văn nhân qua thăm chốn cổ tích đã làm thơ du ký, đề vịnh, tả cảnh và bộc lộ xúc cảm về Đền Hùng trên Nam phong Tạp chí như Thái Phong Vũ Khắc Tiệp với chùm bài Đề đền Hùng Vương - Mộ Hùng Vương - Vịnh Đức Hùng Vương - Lên đền Hùng Vương (năm 1921), Trần Ngọc Hoàn với Vịnh đền Hùng Vương (năm 1923), Nguyễn Văn An với Đề miếu Vua Hùng (năm 1924), Nguyễn Trung Khuyến với Đề đền Vua Hùng (năm 1926); hoặc viết trên Tri tân Tạp chí như Trần Văn Bích với Hội đền Hùng (năm 1943), Khải Minh với Kỷ niệm thăm đền Hùng Vương (năm 1945)...

Trong số các tác giả trên có văn sĩ nhà giáo Vũ Khắc Tiệp từng đến Phú Thọ và cảm nhận vùng đất thiêng trong toàn cảnh đời sống xã hội đương thời: “đến năm giờ rưỡi thời tới Phú Thọ. Tỉnh này tuy là mới mở ra, nhưng mà trên bến dưới thuyền, cảnh cũng sầm uất. 

Trong tỉnh hạt có đền Hùng núi Thắm, cũng là những nơi danh thắng đã có tiếng. Việc thương mại, việc kỹ nghệ, tuy chưa được mở mang cho mấy, nhưng nhờ có các quan cai trị hết sức khoáng trương, chắc mai ngày cũng thành một nơi phồn phú”[3]...

Khi tổ chức Tự lực văn đoàn mới nhen nhúm, Thạch Lam với bút danh Việt Sinh đã đến dự hội Đền Hùng và phác vẽ cả cảnh quan khu Lăng và quang cảnh ngày hội, cả sự chuẩn mực và những điều đáng chê trách, đưa ra nhận xét và góp ý, đề xuất “Hội nên tổ chức như thế nào?” một cách cụ thể, chi tiết, trách nhiệm[4].

Đặc biệt khi tìm hiểu truyền thuyết cội nguồn người Mường, Đặng V. Đàm xác định: “thuyết thứ hai. Có nhiều ông quan lang nói rằng giòng dõi họ nhà lang trên Mường bây giờ, xưa vốn là con cháu thứ đức vua Hùng. Vì là con cháu thứ nên khi chia đất, vua cắt cho vùng đồi núi này. Khi lên thì có các tôi tớ đi theo, những tôi tớ sinh sôi nẩy nở mãi ra, tức là dân Mường ngày nay vậy”[5]... 

Lại có Thiền sư ký giả Quách Điêu khi khảo về đạo Phật ở đất Mường Hòa Bình cũng nhấn mạnh vị thế tổ Hùng Vương và tương quan cội rễ Việt - Mường: “nguyên đạo Phật truyền bá đến đến Mường bởi ba đức thánh tăng là Giác Hải thuyền sư, Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh, đồng thời đi truyền đạo cho các Tù trưởng, mỗi làng đều lập một ngôi chùa thờ Phật (đang vào triều nhà Lý), cùng dạy các thầy “mo” ở Mường... 

Người Mường ngày xưa nguyên là dòng giống Giao Chỉ nước Nam, ở rải rác miền bãi sông Bồ Đề (sông Nhị Hà) và hồ Bến Tráng (Hồ Tây, Hà Nội), vì làm ăn không được no đủ bởi thủy triều khi lên khi xuống thất thường, cho nên phải xô nhau lên miền rừng núi mà mở mang ruộng đất; khi bấy giờ có các nhà tư bản là những Quan Lang con cháu vua Hùng Vương nước Văn Lang, di dân lên mạn ngược mở mang cày cấy, thành dân Mường ngày nay”[6].

Thêm nữa, tiếp nhận ảnh hưởng văn minh Pháp, ngay từ mùa lễ hội đầu năm 1936, chính tại Đền Hùng đã tổ chức thi người đẹp. Trên Hà thành Ngọ báo có in ảnh của Tuệ Dung về nhóm người đẹp và chú thích: “Cô Đặng Thị Mùi đứng thứ hai hàng trên (từ trái sang phải) ở làng Cao Mai, phủ Lâm Thao, chiếm giải hoa khôi”[7]./. (Còn nữa)

__________

[1] Đông Giang Phạm Hy Nguyên: Bài hát đánh đu bát tiên ở hội Hùng Vương kỷ niệm, Nam phong Tạp chí, số 12, tháng 6-1918, tr. 364.

[2] Nguyễn Trùng Hanh: Hùng Vương - Việt sử nguyên âm, Nam phong Tạp chí, số 36, tháng 6-1920, tr. 537.

[3] Thái Phong Vũ Khắc Tiệp: Hành trình mạn ngược (Từ Cao Bằng xuống Phú Thọ), Nam phong Tạp chí, số 55, tháng 2-1921, tr. 142.

[4] Việt Sinh: Hội đền Hùng Vương - Ngày giỗ Tổ, Phong hóa, số 42, ra ngày 14-4-1933, tr. 1 - 2.

[5] Đặng V. Đàm: Khảo cứu về người Mường, kỳ 3, Đông phương, số 22, ra ngày 27-12-1929, tr. 3.

[6] Quách Điêu: Đạo Phật ở đất Mường - Sự tích chùa Kim Sơn, xã Mẫn Đức (Hòa Bình), Đuốc tuệ, số 114, ra ngày 15-8-1939, tr. 15 - 22.

[7] HTNB: Cuộc thi gái quê đẹp hội Đền Hùng, Hà thành Ngọ báo, số 2573, ra ngày 9-4-1936, tr. 1.

17 April 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)