28/04/2025 | 22:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Trong thời dịch, có 5 thành tựu khoa học - nghệ thuật thế giới ra đời

Đăng Bẩy
Trong thời dịch, có 5 thành tựu khoa học - nghệ thuật thế giới ra đời

Tất cả rồi sẽ qua đi, kể cả đại dịch COVID-19, nhưng hiện tại, mọi người đều đã và đang trải qua một khoảng thời gian phức tạp, phải tự cách ly để giãn cách xã hội. Để trải qua giai đoạn này, mỗi người đều sống theo cách của mình: người nào cũng tận dụng cơ hội, cố gắng thích nghi với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống bắt buộc tại gia, duy trì thực hiện những công việc hằng ngày sao cho vẫn giữ được nhịp điệu trong đời sống thực. Thú vị làm sao, trong lịch sử nhân loại liên quan đến thời dịch bệnh (chưa tính đến đại dịch COVID-19), đã có 5 thành tựu khoa học - nghệ thuật được ra đời...

Giovanni Boccaccio (1313 - 1375) là nhà văn và nhà thơ người Florencia (Italia) - một nhà nhân văn thời Phục hưng, nổi tiếng với các tác phẩm Những người phụ nữ nổi tiếng (De mulieribus claris, năm 1374), Mười ngày (Decamerone, viết xong năm 1353) và các tập thơ bằng tiếng Italia. Nhắc tới Giovanni Boccaccio, mọi người đều khâm phục vì ông cũng là một nhân chứng sống giữa nạn đại dịch hạch.

Bệnh dịch lan đến thành phố quê ông vào năm 1348 và khi bùng phát đã làm cho bố cùng mẹ nuôi của Giovanni Boccaccio bị tử vong, bản thân ông phải bỏ thành phố chạy về nông thôn trốn dịch tại một vùng quê ở Toscana. Ở đó, trong khoảng thời gian từ năm 1350 đến năm 1353 ông đã viết xong tập truyện bất hủ Decamerone (Mười ngày, được Hồ Thiệu dịch, Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành tại nước ta năm 2014). Các sự kiện trong truyện diễn biến đúng vào thời gian xảy ra nạn dịch hạch năm 1348: một nhóm trai trẻ và phụ nữ chạy dịch đã rút khỏi Florencia đang nguy cấp để đến một biệt thự ngoại vi thành phố và ở đó, để giết thời gian, họ kể cho nhau nghe những câu chuyện thật là thú vị.

Thomas Nashe (1567 - 1601) là một nhà viết kịch quan trọng, kiêm nhà thơ, nhà châm biếm hàng đầu thời Elizabeth Đệ nhất (Anh) và được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết Người du hành bất hạnh. Ông đã viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Anh về một gã cờ bạc bịp bợm. Ông hầu như đã sống sót qua trận dịch hạch bùng phát ở châu Âu. Trong thời gian London mắc dịch, ngay từ năm 1597, Thomas Nashe đã rời xa thủ đô về một vùng nông thôn để tự cách ly, tránh lây nhiễm. Trong hoàn cảnh đó, ông soạn được vở kịch Ý chí và di chúc của Sommers, trong đó nêu lên nỗi lo lắng của tác giả trước đại dịch đang tràn lan ở thủ đô. Một hồi của vở kịch được mang tiêu đề Cầu nguyện và kiến nghị trong thời dịch hạch.

Có thể có bạn đọc tò mò sẽ nêu thắc mắc: sao lại nói là Thomas Nashe “hầu như đã sống sót” qua đợt dịch hạch? Vốn là, trước năm 1605 - 1606 nhà văn đã không còn sống, nguyên nhân cái chết của ông tuyệt nhiên không phải do bệnh tật. Năm 1597, Nashe với sự cộng tác của một nhà soạn kịch lừng danh thời ấy là Benjamin Jonson cùng soạn vở kịch châm biếm Đảo chó, chẳng biết thế nào mà khi công diễn đã làm cho giới sân khấu London bị sốc và triều đình của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất nổi cơn giận dữ chưa từng thấy. Vì vậy, Benjamin Jonson bị bắt vào nhà ngục, còn Nashe thì chạy trốn mất tăm. Các tài liệu về đoạn đời tiếp theo của ông trên thực tế không còn lưu giữ, vì thế, các nhà nghiên cứu lịch sử lấy đại 1601 là năm mất của Nashe, âu cũng chỉ là tương đối mà thôi.

William Shakespeare (1564 - 1616) là nhà văn và nhà viết kịch, được coi là vĩ đại nhất của Anh. Câu chuyện rằng Shakespeare đã viết vở kịch Vua Lear trong thời kỳ bị cách ly chỉ là chuyện hoang đường, nhưng trong đó có chứa ít nhiều sự thật. Vốn là, vào đầu thế kỷ XVII, đại dịch hạch tràn đến nước Anh, thế mà vở kịch được soạn ra vào khoảng 1605 - 1606. Khi đó, Shakespeare là diễn viên đồng thời cùng sở hữu ban kịch Những nô bộc của nhà vua. Sau 2 tuần lễ kể từ khi nhà nước công bố đại dịch, số nạn nhân nhiễm bệnh bị tử vong lên đến 30 người, chính quyền ra lệnh đóng tất cả các khu vui chơi giải trí, trong đó có các nhà hát.

Kịch nghệ nước Anh mất 1 năm lâm vào tình cảnh bị tê liệt hoàn toàn và đúng vào thời điểm sân khấu được mở trở lại, Shakespeare đã hoàn thành 3 vở kịch Vua Lear, Macbeth, Antony và Cleopatra. Cũng nên biết rằng, thời ấy chính quyền đâu có biết ban lệnh cách ly hạn chế mọi người trong di chuyển và giao tiếp, cho nên nói rằng “nhà soạn kịch ở trong trạng thái cách ly, cô lập” là không đúng về thực chất.

Isaac Newton (1642 - 1727) là nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh. Ông được nhiều người xem là một trong những nhà khoa học vĩ đại, với vai trò là nhân vật chính trong cuộc cách mạng khoa học có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. Ông cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự nhà soạn kịch Shakespeare trước đó vài chục năm: năm 1665, thành phố London lại lâm nguy bởi một đại dịch đáng sợ nhất trong lịch sử nước Anh, vẫn do dịch hạch tái diễn. Trường Đại học Cambridge bị đóng cửa. Đang làm việc ở trường này do cựu sinh viên đáng kính của trường là William Ayscough giới thiệu, nhà toán học 22 tuổi Isaac Newton phải rút về quê cách thủ đô chừng 100km và tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu tại đây.

Ở vùng hẻo lánh ấy, Newton đã sáng tạo được một số công trình về quang học, sau này được cộng đồng các nhà khoa học công nhận và kính trọng. Trong những công trình đó không thể thiếu những cuộc thí nghiệm với lăng kính tán sắc. Một số nhà nghiên cứu tiểu sử của Newton cũng khẳng định rằng, thời gian ấy nhà khoa học đã lần đầu tiên tìm ra một số quy luật nằm ở nền tảng của lý thuyết về vạn vật hấp dẫn, bởi vì họ xác nhận trong vườn nhà quê Newton có... cây táo.

Edvard Munch (1863 - 1944) là một người làm nghề in, là họa sĩ người Na Uy thuộc trường phái tượng trưng, được coi là nghệ sĩ tiên phong trong trường phái biểu hiện. Tác giả bức tranh đắt giá Tiếng thét (được giá 120 triệu USD vào thời điểm năm 2012) vẽ một nhân vật đầy âu lo tuyệt vọng tương phản với phong cảnh hòa cùng bầu trời đỏ từng là một chứng nhân của đại dịch cúm Tây Ban Nha vào cuối những năm thập niên đầu thế kỷ XX lan tràn khắp châu Âu, trong đó đất nước Na Uy của ông không nằm ở diện ngoại lệ. Rất may mắn là họa sĩ đã sống sót và khắc họa được một trong những bằng chứng của nỗi đau vừa trải qua - bức tranh Chân dung tự họa sau đại dịch cúm Tây Ban Nha./.

(HSSK 482: 10/11/2022)

13 September 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)