28/04/2025 | 23:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tri ân biết mấy cho vừa...

Mai Nam Thắng
Tri ân biết mấy cho vừa...

1. Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng miền Trung “chang chang cồn cát”, giữa những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuổi thơ tôi trôi qua trong những căn hầm chữ A, những con hào giao thông dọc ngang thôn xóm và những lớp học nửa nổi nửa chìm...

Đi qua những năm tháng bom đạn ngút trời, ký ức tuổi thơ tôi có biết bao câu chuyện, biết bao hình ảnh không thể phai mờ. Nhưng ám ảnh tâm can nhất đến tận ngày nay là những cuộc báo tử và những buổi lễ truy điệu thanh niên làng tôi hy sinh ngoài mặt trận. Hồi đó, nếu có một đoàn cán bộ xã mà có đủ “bộ tứ” là chủ tịch ủy ban hành chính hoặc bí thư đảng ủy, xã đội trưởng, hội trưởng phụ nữ và trạm xá trưởng, là dân làng thót tim dõi theo từng bước chân của họ, bởi chắc chắn đó là đoàn đi báo tử. Và mỗi khi đoàn rẽ vào ngõ nhà nào là ngay lập tức trong nhà dậy lên tiếng khóc đau đớn của bà mẹ, của vợ con, chị em... Có người ngã lăn ra bất tỉnh, vì thế đoàn báo tử lúc nào cũng phải có anh trạm xá trưởng mang theo túi thuốc cấp cứu...

Vài hôm sau khi báo tử, lễ truy điệu liệt sĩ được tổ chức tại hội trường ủy ban hành chính hoặc nhà kho hợp tác xã. Lại những tiếng khóc não nề được dìu từ gia đình liệt sĩ đến hội trường hoặc nhà kho. Dân làng nhiều người cũng khóc. Đám con nít chúng tôi đứng khép nép sau lưng người lớn, nhiều đứa cũng nức nở, sụt sùi. Hồi đó, hầu như tháng nào làng cũng có vài cuộc báo tử và lễ truy điệu.

Xin bạn đọc hôm nay đừng suy luận phán xét về những tiếng khóc đau đớn của dân làng tôi trong những cuộc báo tử và lễ truy điệu liệt sĩ là con em của dân làng ngày ấy. Đau xé ruột gan như thế nhưng làng tôi vẫn thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Lớp lớp trai làng lại tiếp bước nhau ra trận, hết năm này sang năm khác, hết đợt tòng quân lại đến đợt Thanh niên xung phong. Nhiều cô gái đang học dở cấp 2, cấp 3 cũng hăng hái tình nguyện lên đường... Hàng trăm người con ưu tú của làng tôi đã ngã xuống trên các chiến trường. Nhiều người đến hôm nay gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ. Và tôi dám chắc ngôi làng nào trên đất nước Việt Nam thân yêu cũng đều giống làng tôi như thế!

2. Cách đây mấy năm, tôi được tham gia đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sang làm việc với một số cơ quan chức năng của quân đội nước Cộng hòa Belarus. Tình cờ tôi bắt gặp trên báo Vaiar (Quân đội) của nước bạn số ra ngày 15-10-2013 có chuyên mục “Những lá thư từ mặt trận”. Chiếm hẳn cả trang 6 là lá thư của một hồng quân đề ngày 3-9-1943 ở mặt trận phía Tây, có cả bút tích và chân dung của người viết thư. Đại tá Andrei Subaderov, Tổng Biên tập Trung tâm thông tin quân đội Belarus, cho biết: suốt mấy chục năm nay, báo Vaiar vẫn giữ đều đặn chuyên mục này và các anh chưa bao giờ lo cạn nguồn tư liệu. Không những thế, ở Tổng cục Công tác tư tưởng của Quân đội nước Cộng hòa Belarus (tương tự như Tổng cục Chính trị của Quân đội ta) còn có một cơ quan gọi là “Cục Hồi tưởng chiến tranh” chuyên trách giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, như: tìm kiếm những quân nhân bị mất tích; xác minh các trường hợp hy sinh, bị thương hoặc người có công; giải quyết các chế độ, chính sách theo qui định của nhà nước... Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng những công việc tìm kiếm, xác minh, báo đáp,... vẫn chưa vơi. Hiện nay, Quân đội nước Cộng hòa Belarus vẫn duy trì một tiểu đoàn đặc biệt, ngày ngày mải miết đi kiếm tìm đồng đội trên khắp các chiến trường xưa...


3. Tôi chưa có dịp hỏi chuyện thân nhân các anh hùng liệt sĩ ở xứ sở bạch dương, chưa được gặp gỡ những người lính “tiểu đoàn đặc biệt” của Quân đội nước Cộng hòa Belarus, nhưng bằng những gì được nghe, được thấy trên đây, tôi tin chắc bất cứ nơi đâu trên Trái đất này, những chiến sĩ hy sinh vì dân, vì nước đều để lại niềm tiếc thương đau xót khôn cùng cho gia đình, người thân và lòng tưởng nhớ, tri ân của nhân dân, đất nước. Có khác chăng là với đất nước Việt Nam của chúng ta sau hơn 30 năm kháng chiến cứu nước cùng hơn 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã được bồi đắp và nâng lên thành một nét Văn hóa tri ân của dân tộc Việt Nam trong thời đại hội nhập và phát triển.

Trước hết, trong hệ thống lễ hội hằng năm của dân tộc, hơn 70 năm nay đã có thêm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” với rất nhiều hoạt động thiết thực đầy tình nghĩa, nhằm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ấy là ngày lễ thể hiện truyền thống nhân nghĩa, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh cống hiến. Khi tinh thần tưởng niệm và sự tri ân phát triển, lan tỏa sâu rộng, các tổ chức đoàn thể và các vùng, miền, địa phương lại có nhiều hoạt động phong phú, ấn tượng, như: các cuộc hành hương “Tìm về địa chỉ đỏ”, các chương trình giao lưu nghệ thuật, những đêm thắp nến nghĩa trang... Nhiều hoạt động trên đây đã được tiến hành định kỳ, trở thành một lễ hội thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng, như Lễ hội thống nhất non sông trên dòng Bến Hải, Lễ hội thả hoa trên dòng Thạch Hãn...

Đặc biệt những năm gần đây, chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” hình thành và phát triển, trở thành một “thương hiệu” hiếm có của du lịch Việt Nam. Tour du lịch này không chỉ thu hút các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ - thương binh mà còn hấp dẫn đông đảo các tầng lớp nhân dân, thanh niên, học sinh và du khách quốc tế. Chỉ tính riêng ở tỉnh Quảng Trị, 10 năm du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” gần đây đã thu hút hơn 8 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh - tình cảm; nhu cầu tham quan du lịch và ý nghĩa giáo dục lịch sử, nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống cách mạng..., chương trình du lịch đặc biệt này còn gắn với chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng “chiến trường xưa” thành những “điểm sáng” hôm nay... Và đó cũng là giá trị mới của Văn hóa tri ân trong kho tàng văn hóa Việt Nam!

4. Đất nước đang ngày càng phát triển tiến tới mạnh giàu. Hoạt động tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa những người có công với nước ngày càng được quan tâm và tiến hành thường xuyên, thiết thực, hiệu quả, với nhiều hình thức sôi nổi và phong phú không chỉ riêng một Ngày Thương binh - Liệt sĩ, không chỉ riêng một tháng bảy là Tháng tri ân. Đồng thời, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, quan tâm chăm lo gia đình cán bộ, chiến sĩ các lực lượng chức năng đang công tác ở những nơi khó khăn, gian khổ cũng là hình thức tri ân những người có công với dân, với nước; thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc và chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian gần đây, các ngành, các tổ chức xã hội và các địa phương khắp cả nước đã có rất nhiều chương trình và phong trào động viên, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Những chương trình và phong trào ấy được sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; huy động được những nguồn lực to lớn và ý nghĩa để động viên và hỗ trợ cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Đó cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mỗi người dân nước Việt hôm nay. Dẫu rằng với những Anh hùng, liệt sĩ, thương binh đã xả thân vì độc lập, tự do và hòa bình, thống nhất của đất nước, cũng như với các lực lượng đang ngày đêm trên tuyến đầu canh giữ Tổ quốc, thì tri ân biết mấy cho vừa.../.

(HSSK 427: 25/7/2020)

13 September 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)