28/04/2025 | 19:10 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Vĩnh Long: Lan tỏa phong trào dân vận khéo

Minh Trang - Phan Hoàng
Tỉnh Vĩnh Long: Lan tỏa phong trào dân vận khéo Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng Ban Dân vận Trung ương - thăm và tặng quà Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Ngô Ngọc Bỉnh, xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long_Ảnh: nhandan.vn

Những năm qua, phong trào thi đua dân vận khéo của tỉnh Vĩnh Long đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, huy động nhiều nguồn lực và lực lượng tham gia công tác vận động quần chúng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Thực tiễn cho thấy, dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. 

Tại tỉnh Vĩnh Long, qua thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết những vướng mắc, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Giai đoạn 2021 - 2023, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua Dân vận khéo các cấp trong tỉnh Vĩnh Long đã phát động hơn 29.500 tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng điển hình, mô hình dân vận khéo, so với giai đoạn 2015 - 2020 tăng gần 4.800 tập thể và 2.800 cá nhân. Nổi bật nhất là phong trào Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, qua đó vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc với tổng trị giá hơn 234 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Phong trào thi đua Dân vận khéo trong lĩnh vực văn hóa - xã hội tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện,... nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tôn giáo. 

Đại đức Thích Thiện Tường, trụ trì chùa Long An ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít là một trong những điển hình như vậy. Trò chuyện với phóng viên, Đại đức Thích Thiện Tường chia sẻ: truyền thống của người Việt chúng ta là lá lành đùm lá rách, sự san sẻ đối với bà con khó khăn. Đầu tiên là chúng tôi tự làm, sau đó quý phật tử cũng chung tay với nhà chùa để có những phần quà ý nghĩa sẻ chia với bà con khó khăn.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có chuyển biến tích cực cả về nội dung, phương thức hoạt động. Các địa phương, đơn vị, nhất là khối lực lượng vũ trang có sự chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động liên tịch với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, Thiếu tá Lê Hồng Vĩnh - Trưởng công an xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn - đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng mô hình Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Tân Mỹ tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Mô hình giúp phát huy có hiệu quả cộng đồng dân tộc Khmer địa phương tham gia giữ gìn an ninh trật tự.

Cách làm của Thiếu tá Vĩnh là đến trực tiếp từng hộ dân, tuyên truyền giúp bà con nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, không tham gia tệ nạn xã hội và các có các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Cùng với đó là vận động nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc, quy ước, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, xây dựng gia đình, xóm ấp an toàn. 

Theo thiếu tá Vĩnh, thời gian tới công an xã tiếp tục nắm chắc tình hình, nhất là các sự việc nổi lên trên địa bàn để xây dựng mô hình cho phù hợp, tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân thấy được mục đích hoạt động của mô hình, vị trí, vai trò tầm quan trọng của nhân dân.

Ở các vùng đồng bào dân tộc Khmer, công tác dân vận được phát huy qua các tổ nhân dân tự quản, ban quản trị chùa. Bằng việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, nhiều cá nhân được cảm hóa, giúp việc quản lý người vi phạm pháp luật có hiệu quả, từ đó họ chuyển biến thành công dân tốt. 

Hiệu quả từ mô hình dân vận này vừa phát huy vai trò của đồng bào dân tộc Khmer vừa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, củng cố tình đoàn kết giữa lực lượng công an với nhân dân. 

Ông Châu Sương - Trưởng ban quản trị chùa Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn - cho biết: sau khi được nghe tuyên truyền chính sách pháp luật từ công an xã, cũng là đại diện cho ban quản trị chùa chấp hành tốt động viên bà con phật tử chấp hành chính sách pháp luật và an ninh trật tự.

Công tác dân vận còn có tác động tích cực trong việc thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phát triển mạnh. Trong đó, xây dựng giao thông nông thôn trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. 

Có được kết quả đó là nhờ các địa phương có nhiều cơ chế, chính sách hợp lòng dân trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, đồng thời hệ thống chính trị ở cơ sở đã làm tốt công tác dân vận khéo. Như tuyến đường bờ bao dài 3.300m và tuyến đường liên xóm dài 830m ở ấp 9, xã vùng sâu Tân Lộc, huyện Tam Bình, trước đây là con đường sình đất khó đi. 

Khi có chủ trương làm đường, việc đóng góp xây dựng con đường còn gặp một số khó khăn. Trước tình trạng đó, chi bộ ấp 9 tiến hành vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn ấp. Việc vận động cụ thể, rõ ràng đã giúp cho người dân thấy được quyền lợi khi có đường giao thông, nhà nhà đã đồng thuận.

Ông Nguyễn Phước Hải - ấp 9, xã Tân Lộc, huyện Tam Bình - cho biết: sau khi cấp ủy chi bộ triển khai, đa số người dân đồng tình. Tuy nhiên, có một vài hộ không thống nhất với mức đóng góp chung của tập thể. Vậy là cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng các tổ dân vận phù hợp với đặc thù từng hộ gia đình, tiến hành tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu và đồng tình thực hiện. 

Nhờ vậy, nhân dân đồng lòng đóng góp tiền, ngày công để đổ đá tuyến đường bờ bao vườn, đóng góp đối ứng xây dựng tuyến đường nhựa liên xóm của ấp, với tổng chiều dài 4.130m. Trong đó, nhân dân đóng góp 120 ngày công lao động, 134 khối đá và đối ứng 50 triệu đồng. Con đường hoàn thành không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, phát triển sản xuất, mà còn trực tiếp góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Đoàn Văn Tâm - Bí thư chi bộ ấp 9, xã Tân Lộc, huyện Tam Bình - cho biết: chi bộ cũng có xây dựng kế hoạch rồi triển khai ra đảng viên chi bộ, rồi đoàn viên, hội viên, sau đó cho các đồng chí này nắm rõ nội dung kế hoạch cũng như hướng để tuyên truyền vận động nhân dân. Qua vận động cũng còn một vài hộ kỳ kèo, do đó chi bộ hạ quyết tâm thành lập các tổ vận động. Quá trình vận động, các tổ tích cực phân tích ý nghĩa của việc xây dựng đường, đồng thời thực hiện tính dân chủ, từ đó tạo được lòng tin của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào vận dụng tốt việc lồng ghép các mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền và người dân. 

Như ở ấp Thành Hiếu, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận mà nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt. Nhân dân tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn, đèn chiếu sáng, tuyến đường hoa, thu gom rác thải, giữ gìn cảnh quan môi trường. Từ kết quả thực hiện mô hình dân vận khéo của chi bộ đã tạo được nét đổi mới làng quê, góp phần cùng xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Ông Trần Đức Tài - Bí thư chi bộ ấp Thành Hiếu - chia sẻ kinh nghiệm: chi bộ ấp Hiếu Thành thực hiện công tác dân vận tổ chức triển khai liên tục, cụ thể thực tế, có kế hoạch, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân. Còn ông Nguyễn Hữu Lẫm - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thành Trung - đánh giá: phải nói rằng qua vận động của ấp Thành Hiếu thì người dân, đoàn viên, hội viên hưởng ứng rất tích cực để xây dựng nông thôn mới.

Từng mô hình điển hình trong phong trào thi đua dân vận khéo đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, cộng đồng dân cư. Phong trào thi đua Dân vận khéo ở tỉnh Vĩnh Long đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Theo ông Võ Thanh Vân - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long - phong trào thi đua dân vận khéo đã được Ban Dân vận Trung ương phát động thực hiện từ năm 2009. Sau 14 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, phong trào thật sự trở thành một trong những phương thức dân vận đạt hiệu quả cao. 

Dân vận khéo đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, tạo được sự đồng thuận cao của người dân, từ đó đã phát huy sức sáng tạo, huy động nguồn lực to lớn trong dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng giao thông nông thôn, các chương trình dự án của địa phương, trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giảm nghèo bền vững, thực hiện an sinh xã hội./.

12 December 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)