28/04/2025 | 19:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Hà Tĩnh: Huyện biên giới sớm về đích nông thôn mới

Vũ Toàn
Tỉnh Hà Tĩnh: Huyện biên giới sớm về đích nông thôn mới Lãnh đạo huyện Hương Sơn kiểm tra, động viên bà con thôn 1, xã Sơn Long làm đường nông thôn mới_Ảnh: C.T.V
Huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là huyện biên giới thứ hai trong cả nước sớm về đích nông thôn mới (NTM). Đây là chuyển biến tích cực khiến chúng tôi trở lại huyện vùng biên ải này để tìm hiểu động lực nào giúp Hương Sơn có bước tiến vượt bậc.

Nghĩa tình bên Việt, bên Lào

Huyện Hương Sơn thuộc vùng Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Huyện có 3 xã biên giới (Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng) với 64km đường rừng giáp 2 huyện Khăm Cợt và Xay Chăm Pon thuộc tỉnh Bô-ly-khăm-xay, nước bạn Lào.

Ông Bùi Nhân Sâm - Bí thư Huyện ủy Hương Sơn - khẳng định, mối tình kết nghĩa keo sơn của huyện Hương Sơn với 2 huyện Khăm Cợt và Xay Chăm Pon đã giúp người dân 3 huyện vùng biên giới vượt qua nhiều khó khăn, triển khai những mô hình kinh tế hiệu quả, giữ vững mức sống ổn định lâu dài.

Cũng theo ông Sâm, để có những mô hình kinh tế hiệu quả từ nhiều năm nay, một cam kết tốt đẹp giữa 3 huyện luôn được coi trọng, thực hiện. Đó là, hội nghị thường niên diễn ra đều đặn theo cách một năm tổ chức bên Việt Nam, một năm tổ chức bên Lào. H

ội nghị đưa đến 5 lợi ích thiết thực: một, người dân 3 huyện hợp tác bảo vệ tuyến biên giới chung trong hòa bình, phát triển; hai, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế theo hướng thu nhập cao; ba, bí quyết xây dựng nông thôn mới; bốn, hỗ trợ khắc phục khó khăn; năm, hợp tác phòng, chống tội phạm về tệ nạn xã hội, đặc biệt tội phạm buôn bán phụ nữ; ma tuý và “hàng con” (động vật hoang dã quý hiếm).

Hằng năm trôi qua, kinh nghiệm phát triển kinh tế càng thêm phong phú, nhất là cung cách tiếp cận, chọn lọc các loại giống cây năng suất cao, chất lượng tốt như lúa, ngô, cam, bưởi; giống con như hươu, trâu, bò, lợn sao cho năng suất nhất. 

Ông Sâm vui nói: “người dân của 2 huyện Khăm Cợt, Xay Chăm Pon sang đây xem mô hình chăn nuôi hươu của Hương Sơn họ mê lắm. Họ bảo, cũng núi rừng như nhau, cũng giống hươu và cây cỏ làm thức ăn như nhau thì người Lào ở biên giới kề cạnh sẽ phấn đấu, học hỏi để “hái” được tiền từ nhung hươu như người Hương Sơn chứ”.

Sau mê chuyện nuôi hươu là họ mê xây dựng NTM. Họ tìm hiểu tỉ mỉ những kinh nghiệm được chia sẻ từ gia đình, thôn xóm trở lên. Tuy nhiên, họ sẽ làm dần. Trước mắt, bạn khó khăn ở khâu nào, Hương Sơn giúp đỡ ngay khâu đó. 

Ví như bạn thiếu xi-măng làm đường giao thông nông thôn, Hương Sơn tổ chức xe chở xi-măng sang. Họ thiếu thuốc men, thiếu bác sĩ khám, chữa bệnh, Trung tâm y tế Hương Sơn cấp thuốc và cử y, bác sĩ sang thăm khám, điều trị miễn phí.

Trong khi đó, người dân và cán bộ huyện bạn giúp đỡ chí tình việc phối hợp phòng, chống các loại tội phạm. Đây là lợi thế giúp Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Công an huyện Hương Sơn phá án thành công nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma tuý cỡ lớn.

Chúng tôi tìm hiểu về tệ nạn buôn bán “hàng con” với đủ loại động vật hoang dã quý hiếm, kể cả hổ, ông Sâm nói gọn trong 3 từ “không còn nữa”. Ông Sâm giải thích: “các cơ quan chức năng của huyện Hương Sơn xử lý rất nghiêm khắc các vụ ma tuý và “hàng con”. 

Xử lý vụ này xong, các trinh sát tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Phát hiện vụ mới thì xử tiếp, không nương nhẹ. Cứ theo quy định của pháp luật mà xử. Sau xử lý là tuyên truyền rộng rãi đến mọi thành phần người dân, giúp họ thấu hiểu tác hại của tệ nạn. Loại tệ nạn này “không còn nữa” là nhờ thế”. 

Đây là lĩnh vực giúp 2 đơn vị Ban Chỉ huy quân sự huyện và Công an huyện Hương Sơn ghi dấu nhiều chiến công, là một trong những đơn vị đứng tốp đầu của tỉnh về công tác an ninh trật tự xã hội trong nhiều năm nay.

Giúp dân làm kinh tế để xây dựng nông thôn mới

Hương Sơn triển khai xây dựng NTM trong thế gặp khó bởi điểm xuất phát thấp, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và xuống cấp. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Sản xuất công nghiệp manh mún. 

Thu nhập bình quân chỉ đạt 10,85 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khá cao, gần 33%. Giai đoạn “nước rút” của 10 năm xây dựng NTM lại tiếp tục gặp khó vì đại dịch COVID-19. Lúc đó, ngân sách đã khó, huy động nguồn lực càng khó hơn. 

Nhưng Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện các nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã nâng tầm chỉ đạo trọng điểm, vì thế sức mạnh của người dân được khơi dậy đều khắp các làng thôn, xóm, xã.

Ông Sâm tâm đắc với kết quả 23 xã, 2 thị trấn đều “đạt chuẩn NTM bền vững”, giúp huyện đạt chuẩn NTM năm 2021 là nhờ đầu tư phát triển sản xuất có đầu ra, giúp người dân thu lợi nhuận cao. 

Khi người dân có tiền, chính đồng tiền đó được đầu tư một phần để làm nên NTM. “NTM của chúng tôi không chỉ mới về diện mạo hơn 100km đường giao thông nông thôn được làm mới; 60km đường điện, 26 trạm biến áp; xây mới 17 nhà văn hoá xã, nâng cấp 45 nhà văn hoá thôn và 135 phòng học cũng được xây mới..., mà còn mới cả cách xây dựng mô hình kinh tế ngay từ trong vườn nhà đến công xưởng, nhà máy, xí nghiệp”, ông Sâm nói và nêu một dẫn chứng thuyết phục: “riêng huyện Hương Sơn có đến 47 sản phẩm OCOP (chiếm 20% sản phẩm OCOP toàn tỉnh), trong đó có 16 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. 

Nguồn thu lớn nhất từ vườn nhà là nhung hươu và các sản phẩm từ nhung hươu như nhung hươu tán bột, cao nhung hươu, rượu nhung hươu”. Sản phẩm OCOP có thế mạnh tiếp theo từ vườn rừng là mật ong rừng cùng với dầu vừng, dầu lạc và cam bù, cam chanh mang thương hiệu “cam Hương Sơn”.

Tại thị trấn phố Châu và đô thị Nầm xuất hiện các ngành nghề sản xuất, chế biến, gia công đồ gỗ và nhôm kính dân dụng. Loại ngành nghề này góp phần thúc đẩy các mạng lưới dịch vụ thương mại phát triển theo, tạo việc làm đến mọi ngõ ngách, làng xóm NTM. 

Hiện Hương Sơn đã quy hoạch vùng huyện và đô thị Nầm, điều chỉnh quy hoạch thị trấn phố Châu. Sau quy hoạch đã có 6 dự án được chấp nhận chủ trương đầu tư với nguồn vốn đăng ký 356,525 tỷ đồng.

Phía sau những kết quả nêu trên chính là công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tiêu biểu là việc phát triển đảng viên đạt kết quả cao nhất nhì tỉnh (3 năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 kết nạp 200 đảng viên/năm). 

Xiết chặt kỷ cương của tổ chức Đảng bằng cách tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm (nhiệm kỳ 2000 - 2005, thay vị trí 3 chủ tịch xã, kỷ luật 1 chủ tịch xã, 1 bí thư đảng uỷ xã và 2 phó bí thư đảng uỷ xã). 

Riêng ngày thứ 5 hằng tuần, tất cả thành viên thuộc ban chấp hành đảng bộ huyện, các trưởng phòng, trưởng các ban ngành, đoàn thể đi cơ sở để xử lý những vướng mắc trong dân. 

Ngày chủ nhật được công chức, viên chức gọi là ngày “chủ nhật xanh” - ngày đồng hành cùng người dân các xã NTM vệ sinh môi trường. “Muốn NTM đạt chuẩn bền vững thì đảng viên, cán bộ luôn cùng nghĩ, cùng làm với người dân mới chắc ăn được”, ông Sâm nói như một kinh nghiệm đã trải./.

12 December 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)