22/12/2024 | 00:12 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ

Thu Thanh
Tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trao đổi thông tin với báo chí tại Hội nghị_Ảnh: PV
Ngày 8-10-2024, tại tỉnh Thái Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt trao đổi thông tin với báo chí về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Hội nghị do Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ trì.

Tại Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cung cấp thông tin về bối cảnh tình hình mới và những vấn đề đặt ra trong công tác thông tin, tuyên truyền về công nhân, công đoàn. 

Xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng giúp người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận việc làm tốt hơn, vai trò và vị thế của công nhân, công đoàn ngày càng được nâng cao, nhưng cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu cao hơn đối với người lao động, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được nâng lên toàn diện, có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn, phải tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế để đáp ứng yêu cầu thực tế...; đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu mong muốn trong thời gian tới báo chí thường xuyên liên hệ, trao đổi với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nắm bắt thông tin; chủ động tiếp cận với các bộ, ngành để phản ánh các chính sách; đi thâm nhập cơ sở để hiểu đời sống công nhân lao động. Đặc biệt, phải “thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, vui niềm vui của người lao động, lo mối lo người lao động đang đối mặt”.

Tại Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu dành nhiều thời gian để trao đổi và cung cấp thông tin về những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự án Luật Công đoàn được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Hiện, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, dự kiến diễn ra từ ngày 21-10 - 30-11.

Luật Công đoàn hiện hành (Luật Công đoàn 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu mới, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được xem là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012. 

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể chế hoá sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tổ chức công đoàn; phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam, đồng thời kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả; tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

Luật Công đoàn (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; bảo đảm các quy định của Luật Công đoàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước phù hợp, tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, một trong những vấn đề quan trọng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất trong Luật Công đoàn (sửa đổi) là tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tế. Điều này sẽ tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn, khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế hiện nay.

Hiện nay, cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn (nơi đông đoàn viên, người lao động lại ít biên chế hơn nơi ít đoàn viên, người lao động); không đồng bộ giữa công tác cán bộ với việc bảo đảm nguồn tài chính (cấp ủy phân bổ biên chế nhưng công đoàn bảo đảm lương); tình trạng không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng đang là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ công đoàn.

Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, dẫn đến nhiệm vụ của công đoàn ngày càng nặng nề, nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức chính trị - xã hội khác. 

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 31-3-2024, công đoàn địa phương được các tỉnh ủy, thành ủy giao 5.119 biên chế, chỉ bằng 1/3 các tổ chức chính trị - xã hội khác. Theo tính toán của Tổng Liên đoàn căn cứ vào số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở, tổng số biên chế tối thiểu cần thiết cho các cấp công đoàn tại địa phương là 5.899 biên chế (như vậy, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho công đoàn đang thấp hơn so với nhu cầu tối thiểu của tổ chức công đoàn là 780 biên chế).

Thực tiễn cán bộ công đoàn cơ sở đa số hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ doanh nghiệp, do doanh nghiệp tuyển dụng và trả lương do đó rất khó để cán bộ công đoàn có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt. 

Nếu bố trí công chức thì không đủ biên chế, đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp. 

Việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân do công đoàn quản lý, trả lương sẽ bảo đảm tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động...

Việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng định mức, khung tiêu chí xác định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đáp ứng chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021, của Bộ Chính trị: “nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế”; đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Liên đoàn và các cơ quan quản lý biên chế, nhằm xác định tính hợp lý trong việc phân bổ biên chế. 

Việc cho phép công đoàn tuyển chọn và sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn bảo đảm đáp ứng được nhu cầu về số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện nhiệm vụ ngày càng nặng nề, trong bối cảnh đoàn viên tăng liên tục và xuất hiện cạnh tranh công đoàn; linh hoạt trong việc bố trí cán bộ công đoàn, nhất là trong các doanh nghiệp; bố trí cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn ở các vị trí việc làm không trọng yếu.

Trước đó, ngày 7-10, trong khuôn khổ chương trình, đoàn đi tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất, điều kiện làm việc của công nhân, người lao động và công tác công đoàn tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên; thăm, tặng quà, tìm hiểu đời sống của người lao động tại khu nhà trọ của công nhân, lao động tại phường Phú Xá (thành phố Thái Nguyên)./.

9 October 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)