Sơn Điền quan tâm, chú trọng kết nạp đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
HUY ĐỨC* - PHẠM THÀNH ĐỒNG***Tạp chí Cộng sản - **Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Những nỗ lực và kết quả đạt được
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, chú trọng, phát triển, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang; quan tâm phát triển đảng viên là công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cho hệ thống chính trị các cấp. Đẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đảng viên ở miền núi, biên giới, hải đảo theo phương châm ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên.
Thực tiễn cho thấy, việc phát triển đảng trong đoàn viên, thanh niên ở chi bộ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề hết sức khó khăn, là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Bởi vì, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đến tuổi trưởng thành, hầu hết số thanh niên đều muốn thoát khỏi lũy tre làng kiếm cơ hội đổi đời ở những miền đất hứa, số còn lại hầu như không muốn tham gia các hoạt động đoàn thể, thậm chí có những trường hợp chưa học hết trung học cơ sở đã kết hôn sớm (tảo hôn), có lối sống thực dụng, nhận thức chính trị còn hạn chế, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Mặt khác, một số cấp ủy và tổ chức đảng chưa thực sự quan tâm đến công tác đoàn và phong trào thanh niên, chưa có những giải pháp đột phá nhằm thu hút thanh niên an tâm lập nghiệp tại quê hương. Chính vì thế, có những chi bộ, đảng bộ 1 năm chỉ kết nạp được 1 - 2 đảng viên, thậm chí có nhiều năm không kết nạp được đảng viên.
Không nằm ngoài bối cảnh ấy, Sơn Điền là xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, có vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm hành chính huyện; dân số 3.243 người, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 97,25%; trình độ dân trí thấp và không đồng đều; hiện vẫn còn một số phong tục, tập quán không còn phù hợp; kinh tế của xã chủ yếu từ nông nghiệp với 2 loại cây trồng chính là cà phê và lúa nước; đời sống người dân còn khó khăn. Những thách thức, khó khăn đó, đặt ra cho Ban chấp hành Đảng bộ xã khóa XIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) trọng trách nặng nề, lớn lao, cần tìm giải pháp để tháo gỡ.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ xã Sơn Điền, tập thể ban chấp hành đã tập trung vào những công việc theo quy định, như xây dựng quy chế làm việc theo quy định số 127-QĐ/TW, ngày 1-3-2018, của Ban Bí thư “Quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn”; Chương trình công tác toàn khóa; Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hằng năm phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, trong đó có nhiệm vụ phát triển đảng viên mới...
Trên cơ sở đó, công tác tạo nguồn được quan tâm đặc biệt, được xem là chỉ tiêu bình xét thi đua hằng năm. Nhờ quyết tâm chính trị, sự nỗ lực cố gắng phấn đấu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội, toàn đảng bộ đã kết nạp được 19 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của đảng bộ là 111 đồng chí.
Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã K’Víc cho biết: “mặc dù mấy năm nay Huyện ủy không giao chỉ tiêu kết nạp đảng nhưng chúng tôi quyết tâm kết nạp nhiều đảng viên mới khi họ đầy đủ các điều kiện theo quy định và các hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, phấn đấu trưởng thôn, trưởng các đoàn thể của thôn đều là đảng viên”.
Một số bài học kinh nghiệm
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và góp phần xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đảng bộ xã Sơn Điền rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, thường xuyên chú trọng tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng trong công tác củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; từ đó nâng cao sự nhận thức của cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, góp phần xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, luôn phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, nhất là tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển đảng viên trong thanh niên, đoàn viên ở nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba, hằng năm xây dựng kế hoạch, kể cả nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên phải phù hợp với tình hình thực tiễn của đảng bộ. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chi bộ trực thuộc, các đồng chí cấp ủy phụ trách địa bàn, trong việc tạo nguồn phát triển đảng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả.
Thứ tư, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt, chú trọng sinh hoạt chuyên đề, nhất là các chi bộ nông thôn để thu hút đoàn viên, hội viên, quần chúng tham gia, từ đó phát hiện những điển hình, nhân tố tích cực giới thiệu cho chi bộ tạo nguồn phát triển đảng./.









Các bài cũ hơn


