28/04/2025 | 23:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quảng Bình có 4 cái cổng bơ vơ

Lam Giang
Quảng Bình có 4 cái cổng bơ vơ Từ trên xuống, từ trái sang: Cổng Hoành Sơn, Cổng Đông, Cổng Quảng Bình, Cổng Võ Thắng_Ảnh: Lam Giang
Hàng chục triệu lượt du khách đã đến Quảng Bình, nhưng không nhiều người biết và tham quan 4 cái cổng nổi tiếng ở tỉnh này, trong đó có đến 3 cổng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Điều kỳ lạ là cả 4 cổng đều nằm... bơ vơ, bởi không vào ra nhà nào hay gắn với công trình gì xung quanh. Tìm hiểu 4 cái cổng này của Quảng Bình cũng hết sức thú vị.

1. Nếu du khách đi từ phía Bắc vào Nam theo quốc lộ 1 (đường cũ lên đèo), tới đỉnh đèo Ngang sẽ thấy cổng đầu tiên là Hoành Sơn (Hoành Sơn quan). 

Cổng này hiện vẫn giữ được nguyên gốc, là điểm du lịch khá lý thú với những người thích tham quan các di tích lịch sử, văn hóa. Hoành Sơn quan nằm chơ vơ ngay trên sống núi Hoành Sơn của dãy Trường Sơn, cũng là dãy núi ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Cổng Hoành Sơn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), nhằm kiểm soát người đi từ phía Bắc vào Nam. Vì vốn dĩ dãy Hoành Sơn có vị trí địa lý vô cùng quan trọng trên đường thiên lý Bắc - Nam và ngược lại, bởi nó chạy suốt từ dãy Trường Sơn ở vùng biên giới Việt Nam - Lào rồi đổ ra tận mép nước Biển Đông. 

Với vị trí như vậy, cổng này đã án ngữ và không để có một người nào lọt qua được nó. Thời Pháp thuộc, đèo Ngang có tên trên bản đồ là Porte dAnnam. Phần đất phía Nam cổng thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phần đất phía Bắc cổng thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Điều khá lý thú về cổng Hoành Sơn là hiện nay do nó nằm giữa đỉnh đèo Ngang, nếu phân theo ranh giới thì cổng nằm nhiều hơn trên phần đất Hà Tĩnh. Nếu trong các sách sử nói về xây dựng Hoành Sơn quan thì lại do quan quân người Quảng Bình được cắt cử xây dựng nên.

Bởi vậy Hoành Sơn này là di tích... lưỡng tỉnh: tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh vào năm 2002, tỉnh Hà Tĩnh cũng xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. 

Nên cho đến nay, vẫn chưa có một sự phân định nào rõ ràng về quyền quản lý di tích Hoành Sơn quan thuộc tỉnh nào từ phía Nhà nước hay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. 

Vì vậy mà một di tích lịch sử - văn hóa đã có tiếng lâu nay như Hoành Sơn quan, nhưng vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Sở dĩ gọi Hoành Sơn quan là cổng bơ vơ, vì nó nằm một mình trên sống dãy núi Hoành Sơn, hai bên hoàn toàn không có thành quách hay công trình phụ trợ gì.

2. Sau khi tham quan cổng Hoành Sơn, du khách theo quốc lộ 1 đi tiếp vào phía Nam độ 75km là tới trung tâm thành phố Đồng Hới, tỉnh lỵ của Quảng Bình. Ở đây có cổng Đông, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992, trong hệ thống thành cổ Đồng Hới. 

Thành Đồng Hới và cổng Đông được xây dựng lần đầu bằng đất vào năm Gia Long thứ 10 (1812). Năm 1824 được Vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch kiểu thành Vauban (thành luỹ quân sự, hình múi khế) theo thiết kế của một sĩ quan Pháp. Thành cổ Đồng Hới có 3 cửa (phía) Bắc, (phía) Nam và (phía) Đông.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của Mỹ, bom từ máy bay và đạn pháo loại lớn từ tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ đã san phẳng 1/2 thành Đồng Hới và phá hỏng toàn bộ cả 3 cổng thành. Đến năm 2005, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư cho tỉnh Quảng Bình để phục chế cổng Đông theo nguyên mẫu trên nền móng cũ, cũng như sửa chữa lại nhiều đoạn tường thành. 

Mọi người dễ dàng tìm thấy cổng Đông khi đi bộ dọc công viên bờ Bắc ven sông Nhật Lệ, thuộc địa bàn phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới.

Cổng Đông hiện cũng nằm lẻ loi cùng với 2 đoạn tường thành ngắn mới được phục dựng, chứ hoàn toàn không còn nằm trong hệ thống tường thành Đồng Hới như ngày xưa. Cổng Đông và thành cổ Đồng Hới hiện là nơi tham quan ưa thích của nhiều du khách khi đến Quảng Bình.

3. Cách cổng Đông về phía Nam độ 700m, ngay trên quốc lộ 1 qua trung tâm thành phố Đồng Hới, là cổng Quảng Bình (Quảng Bình quan). 

Cổng này có từ thời Chúa Nguyễn năm 1639, là một cửa ải trọng yếu trên hệ thống Lũy Thầy - một trong những thành lũy kiên cố và quan trọng của Chúa Nguyễn ở đàng Trong, nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự xâm nhập của người đàng Ngoài qua đường thiên lý Bắc - Nam.

Những ai muốn đi từ Bắc vào Nam buộc phải đi qua cổng Quảng Bình này. Đến thời Vua Minh Mạng, năm 1826, cổng được xây dựng bằng gạch, trên cổng có dựng tháp canh. 

Tương tự như cổng Đông, cổng Quảng Bình cũng bị san phẳng trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của Mỹ, sau đó được phục chế theo nguyên mẫu trên nền móng cũ. Năm 1992, Quảng Bình quan trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Điều mà một số người còn hiểu nhầm về Quảng Bình quan, tưởng cổng này nằm trong hệ thống thành Đồng Hới, nhưng từ khi được xây dựng đến nay, cổng Quảng Bình hoàn toàn không nằm trong hệ thống thành cổ Đồng Hới. 

Vì khi xây dựng, chức năng của cổng Quảng Bình cũng giống như cổng Hoành Sơn, là cổng án ngữ và kiểm soát người đi lại (từ phía Bắc vào phía Nam) trên đường thiên lý Bắc - Nam, do vậy hai bên cổng không có tường thành hay nhà cửa gì nối tiếp, cổng nằm độc lập trên đường. Vì vậy Quảng Bình quan cũng là cổng bơ vơ, khi chỉ nó giữa một khuôn viên hình tam giác với những con đường bao quanh.

4. Có một cổng nữa ở Quảng Bình, cũng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1992, là cổng Võ Thắng (Võ Thắng quan). Cổng này ít được du khách tìm đến vì không nổi tiếng như cổng Quảng Bình và Hoành Sơn, cũng do nó nằm ở nơi khá hẻo lánh, cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 15km. 

Từ cổng Quảng Bình, du khách theo quốc lộ 1 đến xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh), sau đó tìm đến thôn Lệ Kỳ 1 xã Vĩnh Ninh, sẽ tìm thấy cổng Võ Thắng.

Cổng Võ Thắng được xây dựng vào năm 1631, thuộc lũy Đầu Mâu trong hệ thống Lũy Thầy của Đào Duy Từ, cũng là một cửa ải kiểm soát người đi trên đường thiên lý từ Bắc vào Nam. 

Năm Minh Mạng thứ 8 (1828), cổng được xây dựng bằng gạch. Cổng Võ Thắng còn có tên cũ là Lý Chính Đại Quan Môn (Lý Chính là sự lắp ghép giữa 2 tên làng Chính Thỉ, tức làng Trung Nghĩa ngày nay và Minh Lý, tức làng Thuận Lý nay). 

Ngoài 2 tên gọi đã được lưu trong sử sách, cổng Võ Thắng còn có một tên gọi dân gian khác là Cổng Thượng, xuất phát từ vai trò, tác dụng của nó trong phòng tuyến lũy Đầu Mâu - Nhật Lệ. 

Qua hàng trăm năm với biết bao biến thiên của thời gian và lịch sử, cổng Võ Thắng bị hư hỏng một số phần phía trên đỉnh, sau được trùng tu như hiện nay. Do là cổng được xây trên đường cái, nên cổng Võ Thắng cũng nằm bơ vơ giữa một vùng sông nước, ruộng vườn, cây cối hoang vu...

Nếu du khách tham quan các cổng, điều mọi người dễ nhận ra là 3 cổng Quảng Bình, Võ Thắng và Hoành Sơn giống nhau ở chỗ đều là cổng án ngữ trên đường thiên lý Bắc - Nam, trên một địa hình sông nước, rừng núi hiểm trở... 

Chỉ riêng cổng Đông là một cổng của thành Đồng Hới. Điều thú vị nữa với du khách, đó là ít có nơi nào có đến 4 cái cổng nằm bơ vơ như vậy, trong đó 3 cái là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia./.

14 December 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)