Phát triển đảng viên là học sinh ở tỉnh Quảng Trị: Tăng nguồn sinh lực cho Đảng - Kỳ cuối: Cần tạo bước đột phá mạnh mẽ
Nguyễn Xuân Thức* - Tấn Toàn*Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Một số khó khăn, bất cập
Qua thực tiễn thực hiện công tác phát triển đảng viên trong học sinh ở tỉnh Quảng Trị còn một số khó khăn, bất cập như chưa có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn kết nạp Đảng cho khối trường học nói chung và học sinh THPT nói riêng, một số cấp ủy đặt yêu cầu cao, toàn diện đối với học sinh có khả năng phát triển đảng,... dẫn đến số lượng kết nạp khá ít so với chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh nhận thức chính trị còn hạn chế, chưa giác ngộ được lý tưởng cách mạng, mục tiêu phấn đấu vào Đảng. Một số cơ sở đoàn chậm đổi mới về nội dung, phương thức giáo dục; chưa có nhiều phương thức tiếp cận phù hợp xu thế phát triển, có sức tác động mạnh đến thanh niên.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị Phan Văn Phụng cho rằng, có 5 hạn chế, bất cập đối với công tác phát triển đảng viên là học sinh tại địa phương, đó là:
Thứ nhất, mặc dù nguồn đoàn viên ưu tú được xem xét kết nạp Đảng tại các trường THPT có số lượng lớn, là nguồn lực dồi dào nhưng số đủ điều kiện, tiêu chuẩn lại chiếm tỷ lệ thấp(1). Nhiều học sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt nhưng tại thời điểm kết nạp chưa bảo đảm về tiêu chuẩn độ tuổi(2).
Thứ hai, nhận thức, tư tưởng và xu hướng của thế hệ trẻ với mục tiêu phấn đấu vào Đảng chưa đầy đủ. Một bộ phận học sinh vẫn còn băn khoan, tâm tư với suy nghĩ: “vào Đảng để làm gì, vào Đảng được gì”. Ngoài ra, tác động và những mặt trái, tiêu cực của xã hội, những vi phạm của một số cán bộ, đảng viên đã tác động đến ý chí, suy nghĩ khi được đề xuất kết nạp vào Đảng.
Thứ ba, theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, học sinh có quyền lựa chọn các môn học theo định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Vì vậy, các học sinh phải dành phần lớn thời gian cho việc học tập, ít có thời gian tham gia các hoạt động phong trào khiến thầy cô, bạn bè khó có cơ hội kiểm chứng, đánh giá năng lực bản thân để có căn cứ giới thiệu kết nạp Đảng.
Thứ tư, nhiều bậc phụ huynh hiện nay mong muốn con đi du học sau khi tốt nghiệp THPT hoặc theo đuổi các ngành, nghề không ràng buộc về chính trị. Do đó, việc đề xuất xem xét kết nạp Đảng những học sinh đủ tuổi và điều kiện rất khó khăn.
Thứ năm, sự quan tâm của cấp ủy, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan còn hạn chế, một số nơi còn chưa thật sự quyết liệt.
Đồng quan điểm với Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng, Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu cho rằng: “công tác rà soát, nắm danh sách, đánh giá số lượng, chất lượng nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng của một số tổ chức đoàn và cấp ủy Đảng có lúc chưa chặt chẽ, triệt để, do đó có một số trường hợp được giới thiệu tham gia bồi dưỡng lớp nhận thức về Đảng nhưng khi làm hồ sơ thì không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện để kết nạp, ảnh hưởng đến tâm lý của quần chúng. Bên cạnh đó, một số tổ chức đoàn ở cơ sở còn lúng túng, thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện quy trình, thủ tục bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Một số đơn vị chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy trong quá trình theo dõi, hướng dẫn đoàn viên ưu tú phấn đấu vào Đảng, do vậy, tỷ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng so với tổng số đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng còn thấp.
Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác phát triển đảng viên là học sinh trên địa bản tỉnh Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa như kỳ vọng đặt ra.
Cần có giải pháp đồng bộ
Để công tác phát triển đảng viên là học sinh ngày càng đạt hiệu quả, cấp ủy các cấp phải xác định phát triển đảng viên trong học sinh THPT là bước đột phá góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu về công tác phát triển đảng viên trong toàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động số 48-CTr/TU, ngày 2-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong học sinh tại các trường THPT nhằm tăng cường chất lượng, bổ sung lực lượng, bảo đảm sự kế thừa, phát triển liên tục của Đảng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, bồi đắp ước mơ, hoài bão cống hiến cho Tổ quốc; tạo động lực tích cực cho học sinh trong trường THPT phần đấu, rèn luyện kết nạp Đảng. Đồng thời, có sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, nhất là Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với sự phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị.
Đối với ngành giáo dục, cấp ủy các trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể đối với kết nạp đảng viên là học sinh. Tiến hành khảo sát, đánh giá, phân tích đúng thực trạng chất lượng quần chúng là nguồn kết nạp đảng viên kịp thời, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tạo nguồn, phát hiện nguồn và công tác kết nạp đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, hồ sơ, thủ tục quy định. Tạo điều kiện tối đa cho học sinh tích cực tham gia học tập lý luận chính trị.
Cần đẩy mạnh tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các hoạt động bề nổi, tạo sân chơi lành mạnh nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, phát hiện những nhân tố tích cực trong học tập và lao động, có tinh thần trách nhiệm, có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng để bồi dưỡng và giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét kết nạp. Các huyện, thị, thành ủy cần rà soát lại và giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị trường học trong việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Đồng thời quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục kết nạp đảng viên, nhất là đảng viên trong học sinh THPT. Trung tâm chính trị cấp huyện cần tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng dành riêng cho học sinh THPT, thời điểm mở lớp vào cuối năm lớp 11, đầu năm lớp 12.
Phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên từ nguồn học sinh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính quy luật của Đảng nhằm xây dựng, đào tạo thế hệ đảng viên kế cận, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Để công tác này thật sự chất lượng, hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu phát hiện, giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ đến hướng dẫn đảng viên./.
-------------
(1) Chiếm 24% so với số đoàn viên ưu tú là học sinh được giới thiệu, chiếm 1,02% so với số đảng viên là đoàn viên được kết nạp, nhiều trường THPT nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên.
(2) Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp Đảng, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến 60 tuổi, tính theo tháng.









Các bài cũ hơn


