29/04/2025 | 01:17 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Những làng quê ca hát

Vũ Toàn
Những làng quê ca hát Câu lạc bộ chèo Lăng Thành biểu diễn tại đền Sừng_Ảnh: V.Toàn
Một huyện lúa nức tiếng về những làng quê ca hát. Họ hát bởi những “ca sĩ đồng quê” chân lấm, tay bùn, thợ cắt tóc, tài xế xe tải, chủ doanh nghiệp... Sự nức tiếng của họ khiến báo chí cả nước tìm về. Đó là huyện lúa Yên Thành, vốn là vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Nghệ An.

Dân ca gieo mầm... ví, giặm

Đường làng liên thôn, liên xã đất đá ngày xưa ở huyện Yên Thành nay đã “phủ” nhựa và bê tông đúng nghĩa huyện nông thôn mới. Mới đến mức, tôi là người trong tỉnh nhưng đến Ủy ban nhân dân xã Phúc Thành bị lạc mất 15 cây số, mặc dù trước khi đi đã được cán bộ Phòng Văn hóa huyện hướng dẫn qua điện thoại. Để khách bớt phân vân vì thời gian lãng trôi, anh Nguyễn Khắc Hùng - công chức văn hóa xã Phúc Thành - đưa ra một thông tin hấp dẫn: “xã Phúc Thành là “cái nôi” dân ca ví, giặm của huyện; quê hương của quán quân Giọng hát Việt nhí Hà Quỳnh Như”.

Ông Trần Văn Thành, 63 tuổi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Phúc Thành - cho hay, câu lạc bộ thành lập năm 2010. Năm 2016, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cử câu lạc bộ đi biểu diễn ở Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà Nội. “Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Phúc Thành đi thi chưa khi nào nhận giải ba. Chỉ có giải nhất và giải nhì”, ông Thành tự hào.

Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm có nhiều “gia đình ca sĩ” do vợ, chồng và con trai, con dâu đều lên sân khấu. Bản thân ông Thành biết hát dân ca từ nhỏ. Vợ ông cũng là thành viên câu lạc bộ. Con trai ông là Trần Quang Trung, một giọng nam dân ca “cừ khôi” của huyện. Con dâu ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, là “diễn viên” của câu lạc bộ. Chúng tôi ngạc nhiên khi xã Phúc Thành có nhiều nông dân sớm biết hát dân ca ví, giặm mà lại hát hay đến nức tiếng. Ông Thành giải thích: “thuở nhỏ, những lời ru của bà, của mẹ về nắng mưa đồng áng, cấy lúa, chằm tơ, dệt vải,... thấm vào tâm hồn thơ trẻ. Rồi những đứa trẻ ấy lớn lên lại được xem bà, mẹ hát trên sân khấu. Những âm hưởng của lời ca dân dã ấy hóa thành “nguồn sữa” nuôi dưỡng năng khiếu hát ví, giặm của lớp lớp về sau”.

Anh Hùng nhắc đến bà Nguyễn Thị Hương với chất giọng dân ca ấn tượng. Bà Hương có con Thái Thị Anh Tú, học sinh lớp 6 vừa đoạt giải nhất Liên hoan dân ca ví, giặm Trường Trung học cơ sở Phúc Thành (tập thể nhà trường giải nhì). Còn ca sĩ Hà Quỳnh Như hát nổi tiếng từ lớp 5 ở trường làng, đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia nhưng vẫn tiếp tục học hát dân ca ví, giặm. Chúng tôi trao đổi với Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An - để biết thêm bước tiến của Quỳnh Như. Bà Hồng Lựu nói: “bây giờ Quỳnh Như luyến láy dân ca gốc hay hơn cả bà Lựu rồi. Luyến láy dân ca gốc rất khó. Có làn điệu, lớp anh chị cũng ngại hát nhưng Quỳnh Như chỉ cần hướng dẫn vài lần là luyến láy không chê được. Còn về thanh nhạc, nó cũng hơn bà Lựu xa. Đúng là bây giờ Quỳnh Như vẫn mê học dân ca ví, giặm bằng cách gọi điện, trao đổi, nghe bà hát... online. Nhiều buổi tối bà dạy qua online, Quỳnh Như học rất nhanh. Mỗi ngày, học xong Quỳnh Như dạy lại cho các bạn, các em. Quỳnh Như là con nhà nòi chỉ có khác một xíu là cha, mẹ Quỳnh Như là “cây” hát tuồng”.

Xuân sắc CLB Chèo duy nhất ở xứ Nghệ

Tại xã Lăng Thành, chúng tôi được nghe bà Hoàng Thị Loan, 62 tuổi - Nghệ nhân ưu tú, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Lăng Thành - hát minh họa vài làn điệu chèo trong vở diễn “Dòng sông tình mẹ”. Trong vở, bà đóng vai nhân vật chính là cụ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ), vai quảy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là tất cả gia tài mang theo từ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vào Kinh đô Huế. Lần đầu chúng tôi nghe một giọng hát chèo làng quê lắng đọng lạ lùng.

Năm 2015, một đoàn khách của Nhật Bản về tham quan đền Sừng ở huyện đã “xin nghe chèo của Lăng Thành và mời bà Loan hát”. Một tuần sau, một đoàn tham quan chùa Gám cũng “xin nghe lại chèo của Lăng Thành” như vậy. Dịp đó, bà Loan hát bài “tủ” do bà soạn lời về đề tài ca ngợi quê hương; ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Bà Loan mở điện thoại, cho chúng tôi xem 2 chương trình nghệ thuật hát chèo Lăng Thành do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện năm 2018 và năm 2019. Chúng tôi xem mà ngỡ sân khấu chèo lại vừa ngân vang đâu đây.

Cũng như ông Thành, tuổi thơ của bà Loan lớn lên trong lời ru của bà, của mẹ. Lúc nhỏ, cô học trò tham gia phong trào văn nghệ trường học, tốt nghiệp phổ thông, tham gia đội văn nghệ xã. Gia đình bà Loan có 7 anh em đều hát chèo, chơi nhạc. Bà Loan hát chèo có tiếng đến mức trong 2 năm 1978, 1979, các đoàn văn nghệ của Ty Công an Nghệ An, Ty Bưu điện Nghệ An, Đoàn chèo Nghệ An,... đến Lăng Thành “xin nhận” nhưng mẹ bà Loan không chịu vì “sợ con lo hát chèo, dễ ế chồng”. Huyện cũng tìm kế giữ “cây chèo” có số của huyện.

Có dịp, Đoàn chèo Nghệ An mời bà Loan xuống thành phố Vinh tập luyện để ra Hà Nội biểu diễn. Diễn xong, bà lại về quê vác loa đi hát chèo cả ngày, phục vụ dân công đào đắp kênh thủy lợi Vách Bắc (công trình thủy lợi lớn của tỉnh). Con gái bà Loan là Hoàng Hồng đoạt giải nhì (không có giải nhất) Hội thi “Ơn đức sinh thành” tổ chức tại Đài Truyền hình Việt Nam năm 2021. Con gái đầu Hoàng Thị Mai là giáo viên âm nhạc Trường Trung học cơ sở Tân Thành, thành viên Câu lạc bộ chèo Lăng Thành.

Hát hay nhưng bà Loan hiểu rằng hát chèo không dễ. Càng không dễ để tạo nên những nét xuân sắc bởi các “diễn viên” trẻ. Trong xã cũng có một số người cùng lứa hát chèo nổi tiếng như các ông, bà Hà Danh Hợi, Bá Vinh, Đậu Thị Hòa... Do sợ mất đi truyền thống hát chèo nên năm 2007, bà Loan bàn với bạn hát chèo uy tín là ông Đậu Xuân Bách thành lập câu lạc bộ. Ông Bách hưởng ứng ngay. Bà Loan viết 30 giấy mời, đi vận động từng thành viên tương lai của câu lạc bộ. Tháng 3-2007, Câu lạc bộ chèo Lăng Thành ra đời tại nhà bà Loan. Có câu lạc bộ thì có lịch tập dượt chương trình, kế hoạch đi biểu diễn nhưng quần áo thì tận dụng, thuê mượn. Các cuộc biểu diễn phục vụ ngày lễ, tết, kỷ niệm do Ủy ban nhân dân xã yêu cầu, được xã bồi dưỡng khoảng vài triệu đồng. Sau thành công tại các cuộc giao lưu hát chèo toàn quốc tại tỉnh Thái Bình (năm 2020), tỉnh Quảng Ninh (năm 2021), năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ câu lạc bộ 5 triệu đồng/năm. Trước đó, năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ 10 triệu đồng giúp Câu lạc bộ chèo Lăng Thành mua sắm 6 bộ đồ chèo, một đàn bầu, sáo, nhị và trống. Cũng trong năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ câu lạc bộ 30 triệu đồng để bảo tồn nghệ thuật hát chèo ở Lăng Thành. Đây là tác động tích cực để Câu lạc bộ Chèo Lăng Thành khôi phục, tạo nét xuân sắc của nghệ thuật hát chèo trong đời sống mới.

Tuồng Kẻ Gám nhận giải thưởng Đào Tấn

Chúng tôi gặp nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Lạng - 83 tuổi, hơn 60 năm hát tuồng - khi ông đang sửa chữa một số bộ đồ diễn tuồng bằng máy khâu của gia đình. Ông là một “kho” tư liệu về Câu lạc bộ tuồng Kẻ Gám. Ông cho hay, trước đây xã Xuân Thành có 4 đội tuồng xóm, 1 đội tuồng xã. Nhiều cán bộ xóm, xã, nhà báo đều mê hát tuồng và có vợ con là “diễn viên” trong câu lạc bộ. Nay cả xã chỉ còn Câu lạc bộ tuồng Kẻ Gám.

Câu lạc bộ tuồng Kẻ Gám có người lái xe tải, người đứng máy xay xát, người làm thợ xây, thợ cắt tóc, người bán hoa quả. “Có đêm, vở diễn đang hay thì mất điện, bà con khán giả đứng dậy đồng thanh hát theo “diễn viên” trên sân khấu, chứng tỏ người dân Kẻ Gám thuộc hết từng tấn tuồng của câu lạc bộ. Có hôm thấy đội tuồng xóm tập, các gia đình phân công nhau “góp” nồi cháo gà, cháo vịt”, ông Lạng nhớ.

Một thời gian dài, những đêm diễn Tuồng chìm lắng bởi người dân lo mưu sinh vì nghề hát tuồng là “nghề dân gian” không lương, không thưởng. “Nhưng tuồng không mất đi. Bây giờ tuồng có chiều hướng phát triển vì được một số cơ quan quan tâm”. Ông Đặng Huy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng Kẻ Gám - cho biết: “đầu năm 2023, chúng tôi ra tận Nhà hát Tuồng Trung ương xin được một số bộ đồ diễn và dụng cụ diễn tuồng. Tháng 5-2023, nhờ có nhiều đóng góp, gây dựng nghệ thuật hát tuồng nên Câu lạc bộ tuồng Kẻ Gám vinh dự nhận “Giải thưởng Đào Tấn” do Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, trao. Cũng đầu năm nay, Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành hỗ trợ 50 triệu đồng cho câu lạc bộ mua sắm loa đài và dụng cụ phục vụ biểu diễn./.

15 February 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)