Ngoại giao Việt Nam chung tay quyết tâm vươn mình vì sự phát triển giàu mạnh của dân tộc
An Linh
Đặc điểm nổi bật của thế giới đương đại hiện nay là sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội. Đây là thực tế khách quan và để phát triển, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài quy luật đó.
Điều này cũng có nghĩa, sự ổn định và phát triển của tất cả các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu hướng vận động, diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, nhất là những nước có độ mở cao và hội nhập sâu rộng như Việt Nam.
Ngoại giao với mục tiêu bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay và trong những năm tới tiếp tục được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tính bất định, bất an ngày càng gia tăng. Việc giữ vững môi trường hòa bình, không có chiến tranh, không có xung đột là điều kiện tiên quyết để phát triển.
Thế giới đang trong xu thế chuyển dần sang cục diện đa cực với cấu trúc lưỡng siêu, đa cường. Cạnh tranh quyền lực, chạy đua tập hợp lực lượng ngày càng quyết liệt, tinh vi và là thực tế trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, bởi vậy, sức ép, nhất là sức ép chọn bên đối với các quốc gia sẽ không suy giảm mà ngày càng mạnh hơn.
Do đó, ngoại giao Việt Nam cần tập trung góp phần tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình và an ninh, tạo cơ sở vững chắc, chủ động ngăn ngừa, hóa giải thách thức, nguy cơ đối với an ninh, ổn định của đất nước.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đây là yêu cầu quan trọng đối với ngoại giao Việt Nam. Đóng góp hiệu quả hơn vào mục tiêu bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngoại giao Việt Nam có thể phát huy vai trò tiên phong cùng quốc phòng - an ninh, tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, làm thất bại mọi âm mưu chống phá trong các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Ngoại giao với mục tiêu phát triển
Ngoại giao có thể đóng góp hiệu quả hơn vào các mục tiêu phát triển của đất nước. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này, Việt Nam phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn trong năm 2025, trên cơ sở đó tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số từ năm 2026. Để đạt được mục tiêu đó, việc tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài, trước hết là công nghệ cao, thị trường xuất khẩu và nguồn vốn chất lượng cao là điều kiện tiên quyết.
Theo đó, ngoại giao Việt Nam cần phát huy vai trò trong tạo dựng và củng cố mạng lưới bạn bè, đối tác rộng lớn, bền vững, nhất là các đối tác có tiềm năng về công nghệ và thị trường, có lợi ích trùng hợp cơ bản và lâu dài với Việt Nam, đóng góp vào việc bảo đảm cho các nguồn đầu vào (công nghệ, thị trường, vốn, lao động kỹ thuật cao...) và nguồn đầu ra (thị trường luôn ổn định, không bị đứt gãy, bền vững trước những tác động từ môi trường bên ngoài); đồng thời, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi ở trong nước, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để nâng cao mức độ và chất lượng tăng trưởng.
Không chỉ tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống, ngoại giao kinh tế cần phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đột phá vào những lĩnh vực mới, nhận diện và tranh thủ cơ hội từ những xu hướng mới đang định hình kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, ngoại giao có điều kiện và cần phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm” của dân tộc, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa hiếu, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Đó là sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, là đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm, tham gia xử lý các vấn đề quốc tế hài hòa.
Ngoại giao với mục tiêu bảo vệ và phát huy vị thế đất nước
Thế và lực mới của đất nước về kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu về tâm thế và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong những năm qua, ngoại giao đã phát huy vai trò quan trọng, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế của đất nước; qua đó, giúp Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế quan trọng.
Việt Nam đã tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Thông qua hoạt động ngoại giao đa phương, trên các diễn đàn quốc tế, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn Hợp tác kinh châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Phong trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)..., Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm, uy tín với mức độ tin cậy chính trị ngày càng được củng cố.
Ngoại giao kinh tế đã góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thúc đẩy thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh quốc tế, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Ngoại giao văn hóa đóng vai trò then chốt góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước. Đất nước càng phát triển, vị thế quốc tế càng quan trọng. Vị thế quốc tế cao sẽ là “lực hút” thu hút mạnh mẽ sự ủng hộ, hợp tác của các nước, các đối tác. Vị thế quốc tế cao cũng là điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp cận các nguồn công nghệ, nguồn vốn chất lượng cao với giá cả, chi phí phù hợp.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, qua các hoạt động đối ngoại, Việt Nam cần triển khai tốt hơn định hướng “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, chủ động, tích cực, có trách nhiệm hơn trong công việc chung của khu vực và thế giới, sẵn sàng đóng góp nguồn lực cho những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong những vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển toàn cầu.
Việt Nam có khả năng, điều kiện tham gia nhiều hơn, nhưng cũng được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn đối với hòa bình, phát triển và giải quyết những vấn đề chung của nhân loại, góp phần xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác đối ngoại, ngoại giao cũng có nhiều thách thức, như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 vào ngày 6-1-2025.
Đó là làm thế nào để đưa đất nước vào bối cảnh thuận lợi nhất, vị trí tối ưu nhất trong cục diện và trật tự mới đang định hình, thích ứng linh hoạt trước mọi biến động bên ngoài; làm thế nào để tiếp tục giữ vững cục diện đối ngoại rộng mở, xử lý quan hệ hài hòa, cân bằng với các nước lớn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt; làm thế nào để xử lý hiệu quả đồng thời 2 mục tiêu chiến lược là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; làm thế nào khai thác hiệu quả các thỏa thuận, tranh thủ tối đa điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững...
Cùng với sự nỗ lực lớn của cả dân tộc trong kỷ nguyên mới, ngoại giao Việt Nam trong thời đại mới cũng cần có những nỗ lực vượt bậc. Vượt qua được những thách thức đó, nắm bắt và phát huy tốt các cơ hội, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới./.









Các bài cũ hơn


