Nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, bảo đảm an ninh trong công nhân
Phong Như
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an - khẳng định: trong những năm qua, Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện.
Gần đây nhất, Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành Tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 03, ngày 12-9-2017, trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và trong bối cảnh tình hình mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của 2 đơn vị, Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký quy chế phối hợp số 04 ngày 25-4-2023.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động trao đổi thông tin, dữ liệu về tình hình an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tình hình công nhân, viên chức lao động trong các cấp công đoàn; phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh trật tự, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng và quản lý công nhân, viên chức lao động, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, bảo vệ bí mật nhà nước trong các cơ quan, tổ chức công đoàn từ trung ương đến địa phương; quản lý lao động, cán bộ công đoàn đi công tác, học tập tại nước ngoài, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ; chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và kịp thời có các biện pháp phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động.
Có thể khẳng định, sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên các mặt công tác, trong đó có công tác bảo đảm an ninh trật tự đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân cũng như nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong thời gian qua. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 30-6-2023, cả nước hiện có khoảng 24,5 triệu người lao động làm công hưởng lương. Tổ chức Công đoàn Việt Nam quản lý hơn 11 triệu đoàn viên, trong đó khoảng 2/3 là công nhân lao động, sinh hoạt tại hơn 123.000 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, riêng khu vực doanh nghiệp có khoảng 7,5 triệu đoàn viên là công nhân lao động. |
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết: từ nhiều năm qua, việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự trong công nhân luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn.
Gần đây, việc bảo đảm an ninh trật tự trong công nhân đặt ra yêu cầu cao hơn do xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo cam kết Việt Nam sẽ phải cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhưng không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Từ những quy định mới, nguy cơ về phát sinh tội phạm là những thế lực thù địch, phản động lợi dụng việc sẽ được phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để lôi kéo công nhân lao động là rất cao, nguy cơ công nhân lao động tham gia tiếp tay cho tội phạm mới này là không nhỏ. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội làm thay đổi căn bản hình thức tiếp nhận và chia sẻ thông tin của con người, hầu hết công nhân lao động đều có diện thoại thông minh. Điều này tạo điều kiện cho thế lực thù địch tiếp cận công nhân lao động theo con đường mạng xã hội, tập trung dụ dỗ, lôi kéo công nhân bằng con đường đó.
Xác định rõ nhiệm vụ phải tham gia bảo đảm an ninh, an toàn cho công nhân, thời gian qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản tổ chức triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự trong công nhân, viên chức, lao động. Bám sát hệ thống văn bản này, tổ chức công đoàn các cấp đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đoàn viên, người lao động về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua đó đã góp phần tăng cường công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, người lao động, kịp thời phát hiện ngăn chặn âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.
Chia sẻ về vấn đề phối hợp với lực lượng công an triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở vì cuộc sống bình yên trong công nhân, đồng chí Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - nhận định: bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công đoàn cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp số 03 giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, mỗi doanh nghiệp một hoạt động thiết thực để “Cảm ơn người lao động”, “Mỗi Công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên” như biểu dương khen thưởng đoàn viên, công nhân lao động; thăm hỏi, tặng quà, trao trợ cấp cho đoàn viên, công nhân lao động; phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố với công nhân lao động Thủ đô nhằm kịp thời giải quyết những tâm tư nguyện vọng, đề xuất kiến nghị của công nhân lao động; duy trì nguồn vay từ Quỹ trợ vốn công nhân viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, giúp nhiều công nhân lao động gặp khó khăn về tài chính có nguồn vốn cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn, giảm thiểu các áp lực về tài chính, tránh được vòng vây của “tín dụng đen”.
Tham luận tại diễn đàn về vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động - giải pháp ổn định quan hệ lao động tại cơ sở, đồng chí Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ: công tác đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được trên địa bàn thành phố được chú trọng. Nhiệm kỳ qua, tổ chức công đoàn Thành phố đã có nhiều đổi mới trong cách thức thực hiện, xuất hiện nhiều mô hình mới như: thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp thông qua thành lập, tổ chức hoạt động, thống nhất cơ chế đối thoại, thương lượng trong nhóm nòng cốt; mô hình thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp có sự tham gia của đại diện các nhãn hàng quốc tế, tổ chức phi chính phủ và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy các bên trong quá trình đối thoại, thương lượng tập thể.
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường. Các ý kiến tại diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung sau:
Một là, tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể, chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, giải pháp ổn định quan hệ lao động tại cơ sở. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách pháp luật và vai trò lực lượng công nhân nòng cốt nắm bắt tình hình công nhân lao động. Phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh tại cơ sở, chăm lo bảo vệ người lao động.
Hai là, công tác phối hợp với lực lượng công an triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở vì cuộc sống bình yên trong công nhân; triển khai xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công nhân lao động trong mọi tình huống; xây dựng mô hình tự quản trong công nhân lao động ở các khu công nghiệp, tiếp nhận xử lý kịp thời những bức xúc trong công nhân, ổn định quan hệ lao động.
Ba là, giải pháp chủ yếu bảo đảm an ninh công nhân, phòng ngừa đấu tranh, ngăn chặn âm mưu xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Có thể nói, “các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, bảo đảm an ninh trong công nhân” mà diễn đàn thảo luận là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới, gợi mở và là căn cứ đưa ra những giải pháp chính sách nhằm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần bảo đảm an ninh công nhân; thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp, tiếp thu vào văn kiện đại hội và hình thành các giải pháp tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam./.









Các bài cũ hơn


