Mời bạn đọc đón đọc Hồ sơ sự kiện Xuân Giáp Thìn 2024, với chủ đề Vững vàng Việt Nam!

Chia tay năm Quý Mão 2023 trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, đầy bất ổn, hệ luỵ của đại dịch COVID-19 kéo dài gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thế giới và trong nước. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, được cộng đồng đánh giá là điểm sáng toàn cầu. Đó chính là lý do để chuyên san Hồ sơ sự kiện Xuân Giáp Thìn 2024 ra mắt bạn đọc với chủ đề: “Vững vàng Việt Nam”.
Với chủ đề “Vững vàng Việt Nam”, chuyên san Hồ sơ sự kiện số tết gồm 80 trang nội dung, là ấn phẩm đặc biệt được đầu tư công phu, đặc sắc, trang trọng, hiện đại về mặt hình thức; phong phú, sâu sắc, chất lượng về mặt nội dung. Ngoài các chuyên mục tập trung vào dòng thông tin chủ lưu của chủ đề như mỗi số, chuyên san Hồ sơ sự kiện Xuân Giáp Thìn 2024 có nhiều chuyên mục đặc sắc khác, trong đó có chuyên mục “Chính trị” và “Thơ Xuân” chỉ xuất hiện vào số đặc biệt.
Các bài viết trong chuyên mục Chính trị được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, cuốn hút các vấn đề chính trị xưa và nay. Đó là các bài viết: Phát huy phẩm chất, bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh trong đối ngoại hiện nay của Xuân Sơn, Ba người bạn đặc biệt của Bắc Hồ (Đỗ Thị Mỹ An), Bác Hồ và nỗi niềm thương nhớ miền Nam (Lam Giang), Đọc thơ xuân, nhớ Bác (Đỗ Hàn), Ước vọng năm Rồng thiêng liêng, bình dị (Hải Đường), Vững tin vào Đảng trong hành trình khát vọng Việt Nam hùng cường (Lê Trung Kiên), Nâng cao vị thế, uy tín quốc tế trong dòng chảy thời đại (Bùi Phương Mai), Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong thời kỳ mới (Đặng Văn Luận), Hợp tác giữa Việt Nam và các nước Arab: Lịch sử và tương lai tốt đẹp (Đại sứ Nguyễn Quang Khai)...
Nội dung chủ đề chính “Vững vàng Việt Nam” được Hồ sơ sự kiện chuyển tải hấp dẫn, đa chiều. Nếu phần Hồ sơ bao quát dòng chảy thông tin chủ lưu cho thấy bối cảnh, sự nỗ lực, linh hoạt trong vượt “những cơn gió ngược” cùng những kết quả nổi bật, toàn diện của đất nước, phần Vấn đề bình luận và Bên lề sự kiện lại phân tích, bình luận, lý giải thông tin chủ đề ở nhiều chiều cạnh, làm nổi bật khách quan, chân thực điểm sáng Việt Nam trong gam màu xám của thế giới trong nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp có các bài Thương hiệu gạo Việt Nam và vị thế trên trường quốc tế của TS Vũ Ngọc Thanh, Điểm sáng xuất khẩu nông sản (Thuỳ Ninh); ở lĩnh vực đối ngoại, có bài “Ngoại giao cây tre” giúp Việt Nam cân bằng ở vị thế đối tác quan trọng trong khu vực (Gia Ngọc), còn Đại sứ Trần Đức Mậu nhấn mạnh Đối ngoại tiên phong và thiết thực.
Đặc biệt, từ điểm nhìn trong chuyến đi thực tế ở Đức và Áo dịp cuối năm 2023, TS. Vũ Thanh Vân soi chiếu vào thực tế đất nước để khẳng định Việt Nam Càng trong gian khó, càng vững vàng. Lý giải những kết quả đạt được, TS. Lê Văn Phong nhận định trong bài viết Đại đoàn kết toàn dân tộc: Điểm tựa để Việt Nam hội nhập và phát triển; Đại tá, TS. Lê Thanh Bài cho rằng: Bản lĩnh của Đảng đưa đất nước phát triển, vững vàng trước mọi thử thách hiểm nghèo; còn theo Thượng tá, TS. Hà Sơn Thái: Đảng vững vàng, dân vững niềm tin...
Có một điều đặc biệt ở chuyên san Hồ sơ sự kiện số đặc biệt hằng năm, đó là in thơ - số duy nhất trong năm. Trang thơ xuân năm nay trình làng bạn đọc nhiều tứ thơ đẹp, nhiều thông điệp, giàu tầng nấc ý nghĩa đến từ nhiều tác giả quen thuộc, như: Trần Quang Đạo, Hải Đường, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Linh Khiếu, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Hoà Bình, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Nguyễn Việt Chiến, Trần Kim Hoa, Nguyễn Tiến Thanh, Hải Thanh, Trần Nhật Minh, Trần Thắng... Các bài thơ nhiều cung bậc cảm xúc, cho một cái nhìn đầy đủ, ý thức hơn về tình yêu quê hương, về dân tộc và cả về những rung động riêng tư khởi nguồn từ tình yêu đất nước, con người.
Cùng với nét dịu dàng của các trang Thơ Xuân, các chuyên mục Văn hoá - Văn nghệ, Phóng sự - Ghi chép đưa người đọc đến với phong vị tết xưa và nay qua bài Tết nguyên đán - nét phong tục đẹp xưa và nay của PGS, TS. Nguyễn Toàn Thắng, hay lắng đọng trong ký ức một thời về Giếng làng của GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, hoặc “ôn cố tri tân” về giá trị gia đình của Hà Nội nghìn năm văn hiến trong bài viết Gia đình Hà Nội: Quá trình chuyển đổi và những giá trị cần lưu giữ, phát huy của PGS, TS.
Nguyễn Ngọc Hà, hoặc đến với những lễ hội hay phong tục, tập quán đẹp giàu bản sắc của văn hoá Việt Nam như Về Mường Ham đắm mình trong không khí ngày hội (Minh Thư), Vui xuân “nhảy lửa” cầu may (Bùi Anh Tuấn), Miền hoa mai trắng (Thái Hương Liên), Lãng mạn quê choa (Mai Nam Thắng), Xuân mới ở Trung Lý (Minh Sơn), Năm rồng và câu đối tết (Peter Pho)...; hoặc đến với những hình ảnh sống động để hiểu hơn về cuộc sống của vùng miền đất nước qua chuyên mục Chuyện ảnh với Lạ lùng phiên chợ khuya, soi đèn chọn cá của Trọng Chính;
hay đi muôn phương, những nét đẹp trong phong tục, tập quán, lối sống Việt vẫn luôn được gìn giữ với bài Ẩm thực quê hương: Lưu giữ nét xuân, duy trì tết Việt của
Nguyễn Thôi - Đào Oanh Oanh...
Những chuyên mục quen thuộc khác như: Kinh tế và Hội nhập, Cửa sổ nhìn ra thế giới, Tư liệu - Giải mật, Chân dung & Đối thoại, Chuyện xưa - Ngẫm nay,... như thường lệ vẫn cung cấp thông tin một cách đa chiều nhưng chọn lọc, khách quan, chân thực, giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất của nhiều sự kiện trong dòng chảy thông tin phong phú về thế giới và Việt Nam năm qua; đồng thời truyền tải niềm cảm hứng lạc quan, ẩn chứa những kỳ vọng về một năm mới phát triển, hạnh phúc và bình an.
Có thể cho rằng, với nhiều bài viết đặc sắc, hình ảnh đẹp, được trình bày hiện đại, nghiêm cẩn, giai phẩm Hồ sơ sự kiện Xuân Giáp Thìn 2024 như một món quà ý nghĩa dành tặng bạn đọc nhân dịp tết đến, xuân về.
Phát hành trên toàn quốc từ ngày 29-1-2024.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hồ sơ sự kiện









Các bài cũ hơn


