Lễ trình nghề nông và rước cây mạ
Bùi Đăng Sinh
Là hậu duệ của các cư dân dưới thời Hùng Vương, người Mường, người Việt trên đất Vĩnh Phúc ngày xưa đã có nhiều cách biểu hiện lòng sùng kính cây lúa: gọi vía lúa, rước lúa, rước mạ, thờ lúa, cầu nước, cầu ánh sáng cho lúa dưới các dạng cụ thể và trừu tượng khác nhau.
Có làng có tục rước bông lúa thần. Người ta buộc những ngọn lúa vào ngọn mía rồi rước khắp cánh đồng làng để cầu lúa tốt. Ở xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, vào ngày 15-5 âm lịch, dân làng tiến hành một lễ phức tạp hơn gọi là trình nghề nông và rước cây mạ.
Trò trình nghề nông diễn ra vào buổi sáng, tương tự các nơi khác. Các vai trò gồm người cày, người bừa, người quải mạ cấy. Người nào cũng cầm nông cụ giả, làm động tác như thật. Buổi chiều làm lễ cướp bông, cướp gươm.
Lễ rước cây mạ cử hành vào hôm sau, 16-5 âm lịch. Mạ được đặt lên kiệu bát cống, rước từ nhà ông đăng cai ra Đền Đuông với nghi thức rước thần: có đủ tàn, lọng, cờ, quạt cùng trống, chiêng, đàn, sáo hòa theo.
Ông mạnh bái, áo thụng màu lam, mũ gấm tía, quần trăng, đi trước đoàn quan viên, chức sắc đều mặc áo dài the, khăn xếp, cung kính đi bước một theo sau kiệu mạ. Đám rước tới sân đền được dân làng chờ đón sẵn, hò reo chào mừng.
Ông mạnh bái nâng mâm mạ lên bàn thờ làm lễ, rồi chính ông đem con mạ xuống cấy ở thửa ruộng đã bừa sẵn trước đền. Khi cấy xong, một người khác vác cây nêu cắm giữa khóm lúa mới cấy.
Đặc sắc nhất ở Tam Dương và có lẽ cũng là đặc sắc nhất ở Vĩnh Phúc là lễ thức trình nghề và trò đúc tượng (còn gọi là đúc bụt) ở xã Phù Liễn (Phù Liễn trước kia là 1 trong 4 làng thuộc tổng Tinh Luyện, huyện Tam Dương).
Đây là lễ thức trình nghề nông và rước cây mạ được thực hiện trong ngày lễ xuống đồng.
Ở Việt Nam ta, thời nhà Nguyễn Lễ xuống đồng gọi là Lễ tịch điền. Lễ tịch điền tiến hành trong cùng một ngày từ triều đình xuống các làng xã.
Ở địa phương, sau khi tế lễ xong, ông tiên chỉ (hoặc ông chủ lễ, ông mạnh bái...) bước xuống ruộng cấy lúa. Thời ấy là ruộng chiêm nên thường xâm xấp nước.
Theo lệ làng, ông phải cấy mấy hàng. Trong lúc cấy vẫn mặc quần áo tế. Dân làng đứng trên bờ ruộng, chờ lúc ông bắt đầu cấy mới té nước, hất bùn vào người ông.
Ông không giận và cũng không bỏ dở việc cấy. Ông chịu sự té nước nước, ném bùn và cấy cho xong. Không khí thật náo nhiệt, tưng bừng.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngày lễ xuống đồng có nơi chọn phụ nữ đội mạ và xuống ruộng cấy, gọi là mẹ lúa. Trong khi mẹ lúa cấy, dân làng cũng đánh chiêng trống, hò reo, ném bùn, với ý cầu mong mưa thuận gió hòa.
Ở Phù Liễn, Tam Dương, ngày Lễ xuống đồng, dân làng chọn một số tráng đinh sạch bụi (chưa vợ, không có đại tang), cởi trần, đóng khố, sau khi chát bùn khắp người, được dân làng đón về ngồi ở giữa sân đình.
Người ta choàng lên mỗi người một manh chiếu, đặt lên đầu mỗi người một bó mạ (các động tác này các cụ gọi là đúc tượng/đúc bụt).
Trong lúc ấy, các vai sĩ, nông, công, thương đeo mặt nạ, cầm các dụng cụ nghề nghiệp của mình vừa biểu diễn vừa pha trò xung quanh. Dân làng vây kín vòng ngoài, bàn tán, hò reo.
Đây chính là hình thức cầu phúc thần nghề nông, biểu lộ lòng khát khao vụ mùa tươi tốt của cả làng, không kể giới nào, nghề nào, tuổi nào.
Vị phúc thần nghề nông ở đây chính là cây mẹ lúa khổng lồ được tạo nên bởi bó mạ thực cùng với sinh lực và ý chí con người.
Biểu tượng về các vị phúc thần như ta thấy trong lễ thức trình nghề đúc tượng vào ngày lễ xuống đồng ở Phù Liễn, Tam Dương đã trở nên cụ thể, gần gũi với hiện thực cuộc sống, vừa có ý nghĩa sâu sắc và có sức hấp dẫn./.









Các bài cũ hơn


