20/05/2024 | 15:03 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): “Binh chủng ngựa sắt” trong chiến dịch

Hữu Thiêm
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): “Binh chủng ngựa sắt” trong chiến dịch Hiện vật xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ_Ảnh: Hữu Thiêm
Kể từ dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014), nội dung phần thi phục dựng hoạt động “xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ” được đề xuất tổ chức, như cách để chúng ta hồi tưởng và tri ân “binh chủng ngựa sắt” trong trận đánh 56 ngày đêm “máu trộn bùn non”. Bốn năm sau (tháng 5-2018), một trong những hoạt động được diễn ra là cuộc thi xe đạp thồ trên đường lên Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Quy mô các đội tham gia mỗi năm một khác, nhưng tựu trung, được rất nhiều người xem tán thưởng...

Xe đạp thồ xuất hiện từ Chiến dịch Biên giới năm 1952. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, xe đạp thồ nâng lên thành biểu tượng kỳ diệu, độc đáo, duy nhất trong các cuộc chiến của nhân loại. Chiến tích của xe thồ góp phần quan trọng đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm nổi danh “xe đạp thồ” và “xe đạp thồ” trở thành “Vua vận tải của chiến dịch Điện Biên Phủ”, “chiến hiệu” kỳ danh trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Theo các tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia chiến dịch có 87.000 người, trong đó dân công phục vụ là 33.000 người, với tổng số 12 triệu ngày công. Các phương tiện vận tải thô sơ bao gồm: 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa; đã vận chuyển 25.000 tấn lương thực, trong đó: 14.900 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô... 

Hơn 20.000 người đẩy xe đạp thồ, mỗi xe thồ 100kg - 300kg, một xe thồ có hiệu suất bằng 100 dân công gánh bộ. Một đêm xe đạp thồ đi được 25km, trong khi xe cơ giới chỉ đi được 15km. Nếu 2 xe đạp gá lại, có thể chở được 2 thương binh nằm, hoặc 4 thương binh ngồi. 

Người chiếm kỷ lục năng suất thồ là Ma Văn Thắng 34 tuổi, với 352kg (có tài liệu ghi 400kg) cho một lần vận chuyển. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, tổng cộng anh dân công hỏa tuyến Ma Văn Thắng đã thồ 3.700kg, vượt qua 2.100km đường rừng núi. 

Chính vì vậy mà ký giả Jules Roy đã kết luận: “không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200kg - 300kg hàng hóa và đẩy bằng sức người - những người ăn chưa đủ no, ngủ thì nằm ngay dưới đất, trên tấm nilon. Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.

Trên đôi “vai sắt” của 15.000 thanh niên xung phong (trong hơn 20.000 người đẩy xe đạp thồ), hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng,... từ hậu phương được chuyển đến chiến trường Điện Biên qua 2 con đường thủy và bộ; trong đó, quốc lộ 6 giữ vai trò huyết mạch, góp phần quan trọng nhất cho công tác hậu cần của chiến dịch. 

Trong thời gian ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, theo đề nghị của De Castries, thực dân Pháp cho máy bay oanh tạc đường 6 suốt 48 ngày đêm liên tục, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc. 

Đến nay, không có thống kê cụ thể nào về lượng bom đạn mà quân Pháp đã đổ xuống đường 6. Chỉ biết rằng, có hơn 300 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống, chủ yếu ở 2 vị trí chính là ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) và đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Vượt qua mưa bom bão đạn, trên đôi vai dân công, hàng trăm nghìn tấn lương thực, vũ khí, thuốc men được tập kết tại Trạm hậu cần tiền phương Tuần Giáo. Từ khắp mọi miền đất nước, ngày cũng như đêm và mưa cũng như nắng, từng đoàn dân công rầm rập hướng ra tiền tuyến. 

Đó là hình ảnh cao đẹp về cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng phát động và lãnh đạo - một cuộc chiến tranh với phương châm toàn dân làm hậu cần, toàn dân ra mặt trận và ở đây, sức mạnh to lớn chính là giai cấp nông dân. Những con số nêu trên thật vĩ đại, chẳng những địch phải khiếp sợ, mà chính chúng ta cũng phải ngạc nhiên thán phục. Mãi về sau khi cuộc chiến kết thúc khá lâu, giới chức Pháp bẽ bàng và cay đắng thú nhận một sự thật: “rốt cuộc, máy bay vận tải Pháp thua cái xe đạp thồ của dân công Việt Minh!”.

Cách đây tròn 20 năm, tỉnh Sơn La đầu tư xây dựng một đài tưởng niệm lực lượng thanh niên xung phong tại Cò Nòi. Và ngày 19-5-2004, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 114 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La long trọng tổ chức lễ đón nhận “Bằng Di tích Lịch sử quốc gia” của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) dành cho công trình này.

Mấy năm gần đây nếu ai lên di tích Đồi A1, sẽ thấy ngay Khu du lịch trải nghiệm nằm về phía Đông Nam di tích. Bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ - cho biết: sau khi được lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho chủ trương, tập thể cán bộ, nhân viên bảo tàng cùng nhau đóng góp kẻ nhiều người ít, thuê tư vấn, thuê thợ, thuê nhân công,... để dựng một sân khấu nhỏ và một số xe đạp thồ, tái hiện cảnh dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong tiếp lương, tải đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. 

Với quan điểm “không hiện đại hóa quá khứ”, Khu du lịch trải nghiệm được trưng bày chủ yếu là những hiện vật (phục dựng) chiến trường, đó là võng dù, hòm đạn, dây thép gai và ngay cả cái lọ cắm hoa cũng được chế tác từ vỏ đạn pháo cao xạ... 

Theo bà Nga, có cựu thanh niên xung phong lên sân khấu kể chuyện rồi làm động tác đẩy xe đạp thồ mà nước mắt tuôn trào, tự dưng thảng thốt, gọi rất to tên những đồng đội đã ngã xuống trong chiến dịch. Có cựu chiến binh gần 90 tuổi, phải nhờ người dìu lên sân khấu, nhưng khi kể chuyện chiến dịch Điện Biên Phủ thì tiếng hô “xung phong” như vỡ ra từ lồng ngực vạm vỡ thời trai trẻ...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ rất nổi tiếng, nhưng nhiều người không biết cụ thể, chi tiết và không hiểu vì sao lại có sự kỳ diệu như vậy. Hình thức du lịch trải nghiệm với “xe đạp thồ” phù hợp với nhu cầu trải nghiệm, mạo hiểm và khám phá; dễ tổ chức và nhanh chóng có thương hiệu; tính khả thi của sản phẩm du lịch. 

Có thể “phân khúc” thành các sản phẩm thành phần hoàn chỉnh, đầu tư và khai thác sản phẩm du lịch này không đòi hỏi vốn lớn. Không quá khó khăn để xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện và triển khai sản phẩm du lịch có chuyên môn và kỹ năng cao về xe đạp thồ./.

Chủ đề: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
6 May 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)