21/11/2024 | 14:47 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu Thanh
Khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới Toàn cảnh Hội thảo_Ảnh: T.H
Nhằm phân tích, đánh giá khách quan, tìm ra vấn đề về điểm nghẽn thể chế từ đó đưa ra một số giải pháp bước đầu nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, ngày 18-11-2024, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”.

Hội thảo do đồng chí PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh: ngày 21-10-2024, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, phải vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. 

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có vấn đề vượt dự báo, chưa từng có tiền lệ, đặt ra khó khăn, thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta vẫn cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024, trong đó có nhiều điểm sáng tích cực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận đóng góp của Quốc hội trong thành tựu chung của đất nước và cũng thẳng thắn nêu rằng, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. 

Cùng với đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực... 

Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập... Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo giữa lập pháp và hành pháp; chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước...

Đây là vấn đề được cả nước quan tâm, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên... Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có cơ quan báo chí nào tổ chức thông tin có chiều sâu lý luận, sự đa dạng, toàn cảnh, sự phân tích, lý giải, luận bàn thấu đáo về vấn đề này. 

Việc Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới” và tổ chức xuất bản ấn phẩm đặc biệt về cùng chủ đề sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, góp phần tuyên truyền lý luận của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà đề nghị các các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, phân tích, lý giải có chiều sâu lý luận về vấn đề “Khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình”; phân tích, lý giải yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, “phải vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”; phân tích thực trạng các “điểm nghẽn” hiện nay, từ đó góp ý về giải pháp cùng những đề xuất cụ thể nhằm “khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình”...

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Trần Đức Mậu - nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao - cho rằng: điểm nghẽn cụ thể về hình tượng nhưng lại đa dạng về định nghĩa và nội hàm. Việc xác định điểm nghẽn cần tháo gỡ tùy thuộc vào quốc gia và địa phương; bối cảnh tình hình và thời điểm cụ thể; lĩnh vực và vấn đề cụ thể; ngắn hạn và dài hạn... 

Các điểm nghẽn có liên quan đến nhau hay không để khi tháo gỡ điểm nghẽn này phải lưu ý đến điểm nghẽn khác như thế nào. Việc tháo gỡ điểm nghẽn phải làm thường xuyên chứ không phải chỉ có một lần.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để giải quyết điểm nghẽn, các nước xác định mục tiêu cụ thể muốn đạt được: giải quyết vấn đề gì, trên lĩnh vực nào, trong phạm vi nào để rồi từ đó xác định tháo gỡ những điểm nghẽn nào về thể chế, cơ quan nào tiến hành việc này, tiến hành như thế nào; sau đó xây dựng lộ trình thực hiện.

Đại sứ Trần Đức Mậu cho rằng, những nội dung chính của việc tháo gỡ nút thắt về thể chế luôn bao gồm: sửa đổi, thay đổi hay điều chỉnh luật hoặc quy định hiện có; việc cải cách hành chính vừa là một trong những nội dung, vừa là một phương cách thực hiện để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Đặc biệt là cơ cấu lại tổ chức bộ máy công quyền và giải pháp phân cấp, phân quyền quyết định từ đầu đến cuối quá trình tháo gỡ nút thắt về thể chế.

Tạo sự đồng thuận sâu rộng trên chính trường và trong nội bộ xã hội về sự cần thiết phải thay đổi trên nhiều phương diện, phải trả giá để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, về định hướng và lộ trình triển khai thực hiện đề ra. Kết hợp giữa thực thi bắt buộc và khích lệ tự nguyện tham gia của các bên liên quan...

PGS, TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - chia sẻ về “những điểm nghẽn và định hướng tháo gỡ trong thể chế phát triển thị trường bất động sản”, cho rằng thị trường bất động sản đã trải qua 3+1 chu kỳ và đang bước vào chu kỳ 4. Hệ thống thể chế đã và đang được hoàn thiện để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển. 

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả của thị trường bất động sản. Để phát triển nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng trong bối cảnh kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một trong những định hướng chiến lược là tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế trong thị trường bất động sản. 

Thể chế thị trường bất động sản đã được hoàn thiện một bước lớn trong giai đoạn 2023 - 2024, giúp thị trường có những sự phát triển tích cực. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện thể chế để thị trường bất động sản thật sự thông suốt, minh bạch, lành mạnh và bền vững. Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống thuế, hệ thống tài chính phái sinh và hệ thống đăng ký dựa trên nền tảng số hóa thông tin thị trường bất động sản.

PGS, TS. Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đang tiến vào một kỷ nguyên mới với những vận hội và thách thức đan xen. 

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ, văn hóa cũng đang đứng trước yêu cầu đổi mới để phát triển bền vững, trở thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự thịnh vượng và gắn kết cộng đồng. 

Tuy nhiên, việc phát triển văn hóa không thể chỉ dựa vào yếu tố tự phát hay sự sáng tạo cá nhân mà cần có một thể chế văn hóa vững chắc, linh hoạt và hiệu quả, đóng vai trò là nền tảng điều hướng, bảo vệ và thúc đẩy văn hóa.

Thể chế văn hóa ở Việt Nam hiện nay tuy đạt được nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn gặp không ít hạn chế, như: các chính sách văn hóa còn chưa đồng bộ, môi trường pháp lý và quản lý văn hóa còn bất cập, các rào cản trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo phát triển. 

Trước thực trạng này, việc khơi thông thể chế văn hóa không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là động lực để văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.

Hệ thống thể chế văn hóa ở Việt Nam vẫn còn những bất cập, bao gồm sự chưa đồng bộ trong khung pháp lý, hạn chế về nguồn lực và năng lực quản lý, cũng như những thách thức trong quá trình thực thi chính sách. 

Những trở ngại này ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát huy giá trị văn hóa, hạn chế hiệu quả hội nhập văn hóa quốc tế và cản trở quá trình xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong các lĩnh vực pháp lý, tài chính, chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực quản lý, là yếu tố quan trọng giúp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. 

Đây là quá trình tháo gỡ các rào cản, nâng cao hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, nhằm bảo đảm văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 

Việc này bao gồm không chỉ cải tiến hệ thống chính sách và pháp luật mà còn là việc thay đổi tư duy, cách tiếp cận để thể chế văn hóa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn về các vấn đề như: quan điểm của Đảng ta về điểm nghẽn và khơi thông điểm nghẽn trong quá khứ và hiện tại; quan niệm về điểm nghẽn, thể chế và điểm nghẽn thể chế; những thách thức, áp lực và cuộc cách mạng về khơi thông điểm nghẽn, tạo đà cho sự phát triển, bứt phá; những điểm nghẽn đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp; kinh nghiệm thế giới về việc khơi thông điểm nghẽn ở Trung Quốc, Singapore, một số nước Đông Nam Á...

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Hà khẳng định sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học. Trên cơ sở những đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Tạp chí Cộng sản sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong kế hoạch xuất bản ấn phẩm đặc biệt “Khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”./.

19 November 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)