Huyện Bình Liêu bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Anh ThưPhát huy lợi thế của địa phương
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của tỉnh Quảng Ninh, với hơn 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Tày chiếm 55%; Dao chiếm 25,6%; Sán Chỉ chiếm 15,4%...).
Chính sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc đã làm nên một vùng đất văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trở thành tài nguyên vô giá để huyện phát triển du lịch.
Đặc biệt, nghi lễ then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013.
Xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.
Với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, Huyện ủy Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 31-7-2015, về “Phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030”, Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 29-6-2016, về “Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
Cụ thể hoá các nghị quyết của huyện ủy, những năm qua, huyện đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn.
Huyện đã hoàn thành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đang đẩy nhanh hoàn thiện đề cương Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”,... nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Huyện cũng quan tâm mở các lớp tập huấn về kỹ năng hướng dẫn viên du lịch. Tăng cường quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch, liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện phối hợp với một số xã, trường học tổ chức các lớp truyền dạy hát then, đàn tính, soóng cọ,… nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân; tạo điều kiện để các hạt nhân văn nghệ và quần chúng nhân dân được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp trên địa bàn.
Hằng năm, huyện Bình Liêu tập trung vào tổ chức chuỗi hoạt động ngày hội văn hóa các dân tộc (với các hoạt động chính là lễ hội Đình Lục Nà của dân tộc Tày vào dịp 16-1 âm lịch, hội soóng cọ hay còn gọi là hội hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ vào dịp 16-3 âm lịch; hội kiêng gió của dân tộc Dao vào dịp 4-4 âm lịch…).
Đặc biệt là việc tổ chức chuỗi các hoạt động trong Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bình Liêu hằng năm để khai thác, phát triển các hoạt động kích cầu du lịch mùa thu đông (với các hoạt động chính là hội mùa vàng, hội hoa sở, festival dù lượn “bay trên mùa vàng”, giải “chinh phục sống lưng khủng long mốc 1305”, tham quan ruộng bậc thang, thiên đường cỏ lau, rừng hoa sở…).
Các ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, tiếp tục phát huy thế mạnh các sản phẩm du lịch sẵn có thể thu hút du khách đến địa bàn, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa của mảnh đất biên giới vùng Đông Bắc.Khai thác tốt các tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã trở thành hướng đi đúng đắn của Bình Liêu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch thế mạnh, tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên miền núi tươi đẹp, hệ thống đường, cột mốc biên giới thiêng liêng, hùng vĩ và bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc trên địa bàn huyện để phát triển du lịch, không ngừng khẳng định thương hiệu của một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Với những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện những năm gần đây, trung bình mỗi năm huyện Bình Liêu đón gần 9 vạn lượt du khách đến địa bàn.
Năm 2023, số lượng khách tham quan du lịch Bình Liêu đạt 150.000 lượt (lưu trú 40.000 lượt), đạt 150% chỉ tiêu tỉnh giao, bằng 100% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 149,1% so với năm 2022. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 60 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Năm 2024, trong kế hoạch mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, huyện tập trung thu hút du khách qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh, Việt Nam) - Động Trung (Quảng Tây, Trung Quốc) và liên kết đưa khách du lịch tàu biển từ Hạ Long về Bình Liêu.
Huyện xác định trải nghiệm văn hóa là chìa khóa thu hút khách du lịch và phát triển du lịch là động lực thúc đẩy giúp huyện về đích các mục tiêu đã đề ra, trong đó có việc đón 250.000 lượt du khách và đạt doanh thu du lịch 243 tỷ đồng.Bảo tồn để phát triển
Với những kết quả đạt được, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch trong giai đoạn tới, huyện Bình Liêu xác định một số quan điểm xuyên suốt như:
Thứ nhất, phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đường biên giới hùng vĩ, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn như: di tích danh thắng thác Khe Vằn (xã Húc Động), đỉnh Cao Ba Lanh, thác Sông Moóc A, thác Khe Tiền (xã Đồng Văn), di tích lịch sử Đình Lục Nà, cây đa Lục Hồn, đỉnh Cao Xiêm, di tích danh thắng ruộng bậc thang (xã Lục Hồn)...; các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian để phát triển du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng bền vững, không phát triển ồ ạt, chú trọng chiều sâu; lấy phát triển du lịch cộng đồng là trọng tâm; phấn đấu Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới.
Phát triển du lịch Bình Liêu phải nằm trong chuỗi liên kết, kết nối vùng, đặc biệt là kết nối với trung tâm du lịch của tỉnh.
Thứ hai, quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, bảo vệ môi trường sinh thái, các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử để phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả.
Huy động sự vào cuộc của người dân trên địa bàn trong phát triển du lịch, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là lao động và việc làm, tạo thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện là đối tượng hướng tới trong phát triển du lịch trong giai đoạn tới.
Thứ ba, phát triển du lịch phải phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn để đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy, khai thác tối đa nguồn nội lực, kết hợp với việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực từ các doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng tại các tuyến, điểm du lịch, xây dựng, phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng cao./.