Hà Giang: Phát huy vai trò của nhân dân trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, ủng hộ “cái mới, cái tiến bộ” phù hợp với xu thế phát triển
Phạm Hoàng Trung
Các đồng bào dân tộc sinh sống tại Hà Giang
Dân tộc Mông: chiếm 32,9% dân số toàn tỉnh. Họ được chia thành 2 nhánh chính gồm Mông Trắng và Mông Hoa. Người Mông nổi tiếng với kỹ thuật canh tác nương đá độc đáo, thích nghi trong điều kiện địa hình núi cao dốc. Họ trồng ngô, lúa và các loại hoa màu khác nhau trên những mảnh đất được khai hoang trên sườn núi.
Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông vô cùng đặc sắc, in những họa tiết thổ cẩm tinh xảo, màu sắc sặc sỡ. Áo cánh, váy, thắt lưng, áo xẻ ngực yếm lửng, xà cạp,... là những bộ phận chính tạo nên bộ trang phục này. Váy có hình nón cụt hoặc váy ống, khi mặc được xếp lại hai bên hông. Mỗi họa tiết, màu sắc đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của từng nhóm người Mông.
Dân tộc Tày: chiếm 23,2% dân số. Người Tày ở Hà Giang có truyền thống lâu đời trong nghề trồng lúa nước. Họ chủ yếu canh tác ở các chân núi ven sông hoặc trên nương rẫy. Ngoài ra, họ còn trồng các loại cây công nghiệp như chè, thuốc lá, hồi...
Một số nghề thủ công phát triển khác phải kể đến gồm sản xuất dụng cụ nông nghiệp, đan lát, làm gốm, dệt vải, đóng đồ gỗ... Nhà của dân tộc Tày tại đây thường là nhà sàn, nóc lợp bằng lá cọ hoặc gianh. Nhà sàn làm từ gỗ, có cấu trúc khá đơn giản nhưng rất vững chãi. Bên trong nhà chia thành nhiều gian, mỗi gian có một chức năng riêng biệt làm chỗ ngủ, nhà bếp, gian khách.
Dân tộc Dao: chiếm 14,9% dân số. Với nhiều nhánh khác nhau như Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Áo Dài, Dao Lô Giang... Mỗi nhánh Dao sinh sống ở Hà Giang đều có những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa nhưng họ đều gắn bó với nghề nương rẫy và trồng lúa trên ruộng bậc thang.
Bên cạnh nông nghiệp, người Dao còn có nhiều nghề thủ công truyền thống tinh xảo như rèn dao, đúc đồ trang sức, thêu thùa hoa văn trên vải. Họ thường sinh sống trong các ngôi nhà sàn hoặc nhà đất truyền thống, được xây dựng phù hợp với điều kiện địa hình và khí hậu nơi đây. Tín ngưỡng của dân tộc Dao Hà Giang rất phức tạp, họ thờ cúng tổ tiên, các vị thần linh và tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống.
Dân tộc Kinh (Việt): chiếm 12,8% dân số.
Dân tộc Nùng: chiếm 9,7% dân số. Tại Hà Giang, dân tộc Nùng sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước. Họ có kỹ thuật tưới tiêu và canh tác rất phát triển cho năng suất cao. Bên cạnh đó, do sinh sống ở những thung lũng bên sườn đồi hoặc ven sông, suối nên người Nùng có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, vịt...
Về văn hóa và tập quán, người Nùng có tục cưới hỏi khác biệt. Người cậu bên mẹ của chàng trai có vai trò quan trọng, thay mặt gia đình nhà trai đi dạm hỏi cô gái và đứng ra lo liệu những công việc cưới xin cho đôi nam nữ. Thường họ sống trong nhà sàn, có một gian bên ngoài thờ cúng tổ tiên và sinh hoạt chung; còn gian bên trong là chỗ ở của phụ nữ và trẻ em.
Các dân tộc khác: Pà Thẻn, Giáy, Lô Lô, La Chí, Si La, Pu Péo, Mông Hoa, Mông Pà Giống, Mông Đỏ, Mông Trắng, Dao Áo Dài, Dao Tiền, Dao Thanh Phán.
Tục kéo vợ tại Hà Giang và những vấn đề biến tướng
Tục kéo vợ là nét đẹp truyền thống trong cộng đồng người Mông ở vùng cao Hà Giang. Tuy nhiên, phong tục này đang có sự biến tướng, trở thành hủ tục “bắt vợ”.
Ðầu năm 2022, tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc xảy ra vụ việc “bắt vợ” gây xôn xao dư luận. G.M.C, sinh năm 2006, trú tại thôn Hấu Chúa, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cố tình lôi kéo một cô gái trẻ “bắt” về làm vợ, mặc cho cô gái gào khóc, van xin. Chỉ đến khi có mặt cán bộ Công an xã Pả Vi, việc làm này mới dừng lại.
Không chỉ có những biến tướng trong phong tục kéo vợ, nhiều hủ tục trong cưới xin vẫn tồn tại như thách cưới cao, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó là những hủ tục trong tang ma, điển hình như trong cộng đồng người Mông vẫn còn phong tục người chết không đưa vào áo quan, tang ma kéo dài từ 5 đến 7 ngày, giết mổ nhiều gia súc, cúng bái rườm rà, gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do việc xóa bỏ hủ tục và công tác bảo tồn bản sắc văn hóa chưa được giải quyết hài hòa. Trước kia, tỉnh chưa có phương thức triển khai hiệu quả, vai trò của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể trong vận động nhân dân chưa được phát huy, dẫn đến nhận thức của cộng đồng về xóa bỏ hủ tục chưa có nhiều chuyển biến.
Ðể xóa bỏ hủ tục, xã tổ chức gặp mặt, tuyên truyền tới bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, trưởng dòng họ về các hủ tục và những hậu quả của hủ tục, đồng thời chỉ đạo hệ thống chính trị của địa phương tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục. Tại một số thôn trọng điểm, xã tổ chức cho các dòng họ ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh.
Bí thư Ðảng ủy xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Hãnh cho biết: qua thời gian tuyên truyền, vận động, các thôn đã cam kết không ăn cơm trên máng gỗ khi tổ chức đám tang; 5/8 dòng họ đã đưa người chết vào áo quan; hầu hết các đám tang không để người chết quá 48 giờ mới đem chôn và người dân trả lễ trong đám ma bằng tiền thay vì gia súc như trước đây.
Tại huyện Mèo Vạc, nơi tồn tại hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, biến tướng từ tục kéo vợ, huyện đã xây dựng các mô hình điểm về xóa bỏ hủ tục ở các xã, thị trấn và thành lập tổ vận động ở tất cả các thôn.
Hà Giang có gần 2.000 người có uy tín, là đội ngũ phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, các địa phương dựa vào người có uy tín để vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục.
Các tổ vận động phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, kịp thời nắm bắt, ngăn chặn hủ tục trong cưới xin. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã vận động được gần 80 cặp hoãn hôn do chưa đến tuổi trưởng thành, ngăn chặn hàng chục trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Hà Giang có gần 2.000 người có uy tín, là đội ngũ phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, các địa phương dựa vào người có uy tín để vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục.
Ðồng chí Ly Mí Vàng - Bí thư Ðảng ủy xã Thài Phìn Tủng, huyện Ðồng Văn - cho biết: xã có 11 dòng họ, mỗi dòng họ đều có phong tục, tập quán riêng. Ðể vận động các dòng họ xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xã đã mời ông Vàng Chá Thào, người Mông ở xã Phố Cáo đến tuyên truyền. Trưởng các dòng họ đã nghe theo lời ông Thào về vận động các gia đình trong họ dần xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang.
Nghị quyết xóa bỏ hủ tục đã được các địa phương triển khai nghiêm túc, thu hút sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên đã tạo chuyển biến tích cực. Hầu hết các dòng họ, các thôn vùng cao đã tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao nhận thức, từ đó xóa bỏ những hủ tục trong tang ma như rút ngắn thời gian, không giết mổ nhiều gia súc, đưa người chết vào áo quan. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống; ngăn chặn kịp thời hàng trăm trường hợp tảo hôn./.









Các bài cũ hơn


