Giữ chuyên mục trên báo có sướng không?
Văn Giá
Một lần, tòa soạn nọ đặt tôi viết cho nguyệt san chuyên mục “Tiếng nói của đồ vật”. Cũng hay. Trong mỗi căn nhà ta ở, hay trong căn phòng nơi công sở mà ta gắn bó, có những đồ vật quen thuộc đến nhẵn mặt. Nhưng bỗng một hôm vì lý do gì đó ta phải chia tay nó, hay chẳng may mất nó, ta bỗng mới thấy cái đồ vật ấy nói với ta nhiều ý nghĩa.
Biết bao nhiêu kỷ niệm gợi về từ những đồ vật đó. Một chuyến đi. Một quà tặng. Một mối tình. Một quốc gia... Mỗi đồ vật mang trong nó những câu chuyện vui buồn thế sự... Nghĩ thế, tôi vui vẻ nhận lời. Gì chứ chuyện này mình viết khoảng chục năm không hết!
Khi bập vào, hóa ra không dễ dàng như vậy. Tôi gốc gác là cái anh ở thôn quê, sau này nhờ học hành mới ra sống thị thành, tập làm người đô thị. Ban đầu tôi viết về biết bao nhiêu thứ gắn bó với tôi thời thơ ấu: cái nong, nia, thúng, mủng, rá, rổ, dần, sàng, cái bình vôi, cơi trầu, cái quạt mo, tổ chim sáo, rồi thì cái cối, cái chầy, cái chạn, cái nồi, cái ống điếu, cái lọ, cái chai.
Rồi nữa cái hiên nhà, tường trình, mái rạ, chõng che... Biết bao nhiêu thứ. Vơi dần đồ vật ở thôn quê, tôi lại viết sang những đồ vật trong đời sống sinh hoạt đô thị. Nào những cái quạt, radio, tivi, máy điện thoại, laptop, giá sách, đồng hồ, bóng điện, loa công cộng, lối đi trong xóm... Chịu khó quan sát cũng ối cái để vân vi.
Ban đầu viết hăng hái, với nhiều cảm xúc, được biên tập viên tòa soạn rất khen. Thế rồi, theo ngày theo tháng, bài vẫn cứ đăng, nhuận vẫn cứ lĩnh, nhưng lời khen dường như cũng thưa dần. Khoảng chừng sau gần 2 năm thì phải, một hôm không ngủ được, chợt nhớ và tổng soát lại cái chuyên mục này, bỗng giật mình.
Cái chuyên mục do mình giữ nay sắp thành... gái già rồi, hết hương hết nhụy rồi. Các biên tập viên của tòa soạn chắc người ta nể mình mà chưa dám nói. Họ nể thật đấy. Nể không phải vì người viết bài hay mà nể cái người lớn tuổi, nên họ ngại nói...
Một đêm gần như mất ngủ. Sáng hôm sau, tôi gọi điện cho người phụ trách xin thôi giữ chuyên mục với đủ các lý do, nhưng có một lý do chính là ngòi bút mình đã bị cùn, rằng mình viết quen tay, trơn tay quá mất rồi nên nhung tuyết của chất liệu, cảm xúc, chữ nghĩa bay đi hết.
Với người giữ chuyên mục, quan trọng nhất là phải nộp bài đúng ngày đúng giờ, không thể tự tiện lùi được. Đã là chuyên mục thì phải ổn định, không thể số này có số kia không. Cái chuyện chạy deadline (hạn cuối) này cũng lắm khi dở khóc, dở cười.
Vì bận bịu hay ốm đau gì đó, hay đãng trí nên quên, và không thiếu trường hợp mải chơi rồi chạy hụt hơi. Báo đã sắp trang. Họa sĩ đã trình bày xong. Chân dung, tranh minh họa cũng đã xong. Người ta chỉ chờ cái bài của mình để đặt vào ô vuông chờ sẵn. Sát nút, biên tập viên gọi giục, đành biện ra lý do chống chế, sau đó thì hứa, lắm khi hứa hươu.
“Em yên tâm, đêm nay anh quất là xong. Sớm mai em đi làm, mở email ra là thấy bài nhé”. 9h sáng mai lại có cuộc giục. Lại liến láu chờ anh, chờ anh tí, chỉ còn mấy chữ nữa là xong... Rồi cuối cùng thì cũng vẫn xong. Nhưng biên tập viên được một phen phát ớn.
Chẳng biết đội quân nhà báo hùng hậu chạy deadline thế nào chứ, tôi thuộc loại chạy chậm. Nhìn thấy những cao thủ như Tạ Duy Anh, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái,... chạy deadline cường ký lắm. Có những nhà báo trẻ, vừa hội thảo hội nghị, sự vụ xong, chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi, ra ngồi đằng xó nhà viết xong cho bằng được. Cũng may, tự kiểm điểm, tôi cũng chưa bao giờ đẩy bản báo nào rơi vào tình trạng “đục trang”, tức treo chuyên mục.
Tôi có anh bạn nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng là một tay nuôi chuyên mục cừ khôi, mà là chuyên mục tuần báo chứ không phải nguyệt báo như tôi theo. Cứ mỗi tuần một bài 2.000 chữ, viết như vắt chanh, đúng ngày giờ nộp, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, bận hay không, khỏe hay trái gió trở giời.
Tôi hỏi: “viết báo nhiều thế thì viết văn vào lúc nào?”. Anh cho biết, làm báo phải thiện chiến, viết đâu ăn đấy, không phải sửa. Mà khi có được một người biên tập “cặp cạ” thì yên tâm lắm. Mình cứ viết, còn họ sửa sang, cắt cúp thế nào là việc của họ. Đôi bên đã ăn khớp nhịp nhàng rồi thì việc viết mỗi tuần một bài dễ như lấy đồng xu trong túi áo lấy ra...
Tôi cũng lại có một anh bạn nữa, nuôi chuyên mục còn ghê hơn cả nhà văn họ Sương. Anh nuôi cái chuyên mục đọc sách trên báo điện tử, khoán mỗi tuần 2 bài. Viết đọc sách thì phải đọc sách đã chứ. Không hiểu anh đọc vào lúc nào, nghĩ lúc nào, mà cứ tăm tắp đúng chương trình, không hề suy suyển.
Anh ấy kể, nhiều chuyến đi có việc hoặc đi chơi xa, vừa thăm thú, vừa bù khú bạn bè thế mà anh vẫn cứ viết được. Viết ngay trên Iphone. Viết theo cách buộc phải xong. Có những lần bí quá, anh bèn nhớ lại các tác phẩm đã đọc từ ngày còn thơ bé hay từ lúc sinh viên, cộng với nhờ thêm Google thế là viết. Mà viết vẫn hay.
Có người ngờ về tốc độ đọc sách của anh bèn trêu: “thấy bảo ông chỉ đọc mấy trang đầu mấy trang cuối, hoặc cái lời giới thiệu (nếu có) của sách xong là ông viết phải không?”. Lão cười cười bảo: “đọc thế thì khi viết làm sao mà anh trích dẫn được? Tôi đố các ông đọc bài tôi, lần ra chỗ tôi trích dẫn sai; mà còn ghi chú cả số trang nữa nhé”.
Xin khoe nốt chuyện này. Gần đây, tôi lại được một tờ nguyệt san mời giữ chuyên mục chân dung. Người mời ấy là một biên tập viên xinh đẹp, nói như rót mật vào tai. Hỏi các điều kiện thì cho biết bài chỉ được 1.200 chữ, mà lại phải nuôi tối thiểu năm rưỡi, 2 năm; nếu muốn chấm dứt thì phải thông báo và thỏa thuận trước 2 tháng.
Trời, gò bài viết chân dung mà chỉ cho 1.200 chữ thì cựa quậy làm sao được?... Thấy tôi băn khoăn, nàng động viên: “anh chịu khó viết đi, rồi sau 1 - 2 năm bọn em tập hợp in cho anh quyển sách, như thế cũng là một công đôi việc”. Nghe thế, lòng tôi cũng thấy ham ham. Trong thời buổi tác giả sách thường tự bỏ tiền ra in, xong rồi lại tự phát hành, mà có người in cho không mất tiền, lại có nhuận bút nữa thì chả sướng ư. Tôi bèn nhận lời.
Làm chuyên mục, việc quy định số chữ là đương nhiên, bởi còn phải để diện tích dành cho bao nhiêu thông tin khác. Thôi thì nghĩ nó như một cuộc chơi vượt qua thử thách đi. Đôi khi người ta tự quy hoạch ra một giới hạn, sau đó ép mình bước vào cuộc chơi. Ấy thế mà có khi lại hiệu quả.
Có phải do người viết có động lực để tập trung chuyên chú hơn chăng? Nhìn sang bên thơ, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chuyên chơi theo cách định trước tên tập thơ và chỉ giới hạn viết 36 bài.
Cách đây mấy năm, anh có quyển Giấc mơ sông Thương tập hợp 3 quyển thơ nhỏ, mỗi quyển 36, vị chi toàn quyển là 108. Vừa mới đây, anh cũng lại cho ra 2 tập: Đồng sen tàn và Mẹ, mỗi tập cũng gồm 36 bài, mà tất cả đều là thơ lục bát...
Cuối cùng thì tác giả đã vượt qua thử thách một cách khá ngoạn mục. Không có một quyết chí lớn thì không dám chơi lớn vậy.
Nghĩ mình mèo nhỏ bắt chuột con. Viết đến dòng chữ cuối cùng này, tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi có ngay từ đầu bài: nuôi chuyện mục sướng hay khổ? ./.









Các bài cũ hơn


