19/05/2024 | 01:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Già hóa dân số toàn cầu - một động lực của sự phát triển trong tương lai?

HÙNG ANH
Già hóa dân số toàn cầu - một động lực của sự phát triển trong tương lai? Chương trình đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi do Hội Sức khỏe ngoài trời người trung, cao tuổi Hà Nội tổ chức, ngày 25-9-2022_Ảnh: vietnamplus.vn
Quá trình già hóa dân số toàn cầu đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khi mà các giải pháp ngăn chặn quá trình già hóa dân số thiếu khả thi, chúng ta cần phải thích nghi với thực trạng này và đặt nó với sự xuất hiện của những cơ hội mới, gắn liền với những tiềm năng, vai trò, tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi.

Thực trạng và dự báo xu hướng

Hiện nay, theo thống kê ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu ở Nam và Đông Âu, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên là trên 20%, trong đó Nhật Bản đứng đầu với 28,4%. Ở một số quốc gia, tỷ lệ dân số từ 80 tuổi trở lên đã vượt quá 6%, trong đó Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với 10,2%.

Dân số từ 60 tuổi trở lên đã vượt quá số trẻ em dưới 5 tuổi. Có nhiều yếu tố làm nên tình trạng già hóa dân số và giới chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều yếu tố mới phát sinh và vấn đề già hóa dân số sẽ trở nên nghiêm trọng, ít nhất là trong 20 - 30 năm tới.

Tốc độ tăng tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên cao hơn nhiều so với tốc độ tăng dân số chung của thế giới. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trên thế giới chưa có “quốc gia già” nào, tức là các quốc gia có tỷ lệ người già vượt quá tỷ lệ người trẻ; đến năm 2010 đã có 23 “quốc gia già” và dự báo đến năm 2040 sẽ có khoảng 89 quốc gia. 

Theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, đến năm 2100, 2,47 tỷ người, tương đương ¼ dân số thế giới, sẽ trên 65 tuổi và chỉ có 2,3 tỷ người dưới 20 tuổi. Số người trên 80 tuổi sẽ tăng gấp 6 lần, từ khoảng 140 triệu người năm 2017 lên hơn 960 triệu người vào cuối thế kỷ XXI.

Tỷ lệ toàn cầu giữa số người trên 80 tuổi so với số người từ 15 tuổi trở xuống được dự đoán sẽ tăng từ 0,16 năm 2017 lên 1,5 vào năm 2100. Nhìn chung, tất cả các dự báo về nhân khẩu học đều cho rằng, dân số thế giới sẽ già đi đáng kể trong những thập niên tới. 

Trong giai đoạn 2020 - 2030, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trong dân số toàn cầu sẽ tăng 34%. Tình trạng già hóa dân số toàn cầu trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2050. Theo đó, dân số từ 90 tuổi trở lên sẽ tăng 3,6 lần vào năm 2050, lên 82,9 triệu người so với 22,8 triệu người vào năm 2021.

Trong giai đoạn 2000 - 2050, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, từ khoảng 9,9% lên 22%. Theo dự báo, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 1,1 tỷ người vào năm 2021 lên 1,4 tỷ người vào năm 2030 và 2,1 tỷ vào năm 2050, thậm chí có thể đạt 3,1 tỷ người vào năm 2100. Từ năm 2021 đến năm 2050, số người từ 80 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, lên 458 triệu người.

Đến năm 2050, châu Âu sẽ có khoảng 34% dân số từ 60 tuổi trở lên, khu vực Mỹ Latin, Caribe và châu Á có khoảng 25%. Mặc dù có dân số trẻ lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng châu Phi cũng được dự đoán sẽ trải qua giai đoạn già hóa dân số nhanh chóng, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 5% hiện nay lên 9% vào năm 2050. 

Một điều cần lưu ý là, người cao tuổi sẽ ngày càng tập trung ở những khu vực kém phát triển về mặt kinh tế, mặc dù tỷ lệ tăng dân số của các nước này vẫn cao hơn ở các nước phát triển nhất. Đến năm 2050, 2/3 dân số thế giới từ 60 tuổi trở lên sẽ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Vấn đề lương hưu và an sinh xã hội đối với người cao tuổi cũng có thể trở nên cực kỳ phức tạp. Như đã đề cập ở trên, dân số từ 60 tuổi trở lên (1,109 tỷ người) đã gần gấp đôi số trẻ em dưới 5 tuổi (663 triệu người). Điều đáng báo động là đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên (2,132 tỷ) được dự báo sẽ gần gấp đôi số thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 24 tuổi.

Những thách thức đặt ra

Tác động của già hóa dân số toàn cầu đến phát triển kinh tế - xã hội mang tính đa chiều vì có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế vĩ mô. Mặc dù thực tế cho thấy rằng, tác động của lực lượng lao động già đi có thể tích cực theo một khía cạnh nào đó (có thêm kinh nghiệm và làm quen với công việc), nhưng nhìn chung đã làm chậm quá trình đổi mới sáng tạo, giảm năng suất lao động, đồng thời cũng làm giảm khả năng dịch chuyển lao động. 

Tác động tiêu cực của lão hóa dân số cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm giảm mạnh nguồn cung lao động; đồng thời làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội (ví dụ như số giờ làm việc giảm đáng kể).

Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương hưu sắp tới sẽ là thách thức chính đối với các quốc gia. Cuộc khủng hoảng lương hưu sẽ biểu hiện rõ rệt nhất trong trường hợp xảy ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, nơi các quỹ hưu trí được đầu tư, cũng như khả năng nhà nước vỡ nợ. 

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu và cuộc khủng hoảng nợ có khả năng nghiêm trọng hơn, hệ thống lương hưu như “quả bom hẹn giờ” cho các nền kinh tế.

Một vấn đề khác là việc chăm sóc người già, người bệnh trong các gia đình và các thành phần kinh tế trong gia đình. Phần lớn mọi người chăm sóc người già trong gia đình mình, điều này áp dụng cho tất cả các nước, kể cả những nước phát triển. 

Ví dụ, ở các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khoảng 10% số người trưởng thành chăm sóc người già tại nhà. Tại Mỹ (dữ liệu năm 2009), ít nhất 43,5 triệu người từ 18 tuổi trở lên (19% người trưởng thành) chăm sóc người cao tuổi là thành viên gia đình hoặc bạn bè. 

Phần lớn người chăm sóc là phụ nữ (67%), với độ tuổi trung bình là 50 và dành gần 20 giờ mỗi tuần để chăm sóc. Tại Nhật Bản vào năm 2012, phụ nữ từ 50 tuổi đến 65 tuổi là nhóm phải rời bỏ hoặc thay đổi công việc lớn nhất để chăm sóc cha mẹ. 

Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu hụt số lượng lớn lực lượng lao động nữ, mà còn gây ra tình trạng bất bình đẳng giới, xét cả về khía cạnh xã hội, chính trị, kinh tế mà phụ nữ ở các quốc gia này phải trải qua và cần phải giải quyết.

Ngoài ra, một vấn đề không thể bỏ qua là phân biệt tuổi tác, tức là sự phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Theo một cuộc khảo sát năm 2021 do các cơ quan của Liên hợp quốc thực hiện với hơn 83.000 người tại 57 quốc gia cho thấy, cứ 2 người thì có 1 người có thái độ phân biệt đối xử với người già ở mức trung bình hoặc cao. 

Kết quả chỉ ra rằng, những định kiến đối với người cao tuổi hình thành sớm trong đời sống và được củng cố theo thời gian; đồng thời, đang lan rộng từ các hệ thống chăm sóc sức khỏe, nơi làm việc đến các phương tiện truyền thông.

Tình trạng này dẫn đến sự tiếp cận không công bằng tới hệ thống chăm sóc y tế, việc làm và các hoạt động đào tạo nghề dành cho người cao tuổi; làm cho sức khỏe thể chất, tinh thần kém hơn và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người cao tuổi.

Có thể tận dụng quá trình già hóa dân số toàn cầu như một động lực phát triển?

Thực tế cho thấy, có thể tận dụng quá trình già hóa dân số toàn cầu như một động lực phát triển. Ví dụ, theo các tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tổ chức khác, già hóa dân số có nhiều mặt tích cực:

1- Đó là cơ hội để tận dụng những tiềm năng tài nguyên của người cao tuổi, như kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm. Hội nghị thế giới về người cao tuổi lần thứ hai thông qua Kế hoạch hành động quốc tế Madrid năm 2002, có thể được coi là một cột mốc quan trọng trong việc thay đổi quan điểm về người cao tuổi. Kế hoạch đã trở thành nền tảng cho các chiến lược đổi mới đối với người cao tuổi.

Cân nhắc thực tế rằng sức khỏe là nền tảng cho tiềm năng nguồn lực của con người, WHO đề xuất khái niệm về tuổi thọ tích cực, “sự lão hóa khỏe mạnh”. Trong bối cảnh dân số suy giảm, việc thu hút nhóm dân số già tham gia tích cực hơn vào quá trình hiện đại hóa, phát triển đất nước nhằm ứng phó hiệu quả với những thách thức mang tính hệ thống đang trở thành chiến lược mà nhiều quốc gia hướng đến.

2- Trong việc định hướng các giá trị, già hóa dân số toàn cầu có thể có một số tác động tích cực bằng cách tăng cường hỗ trợ các giá trị xã hội ở cấp độ toàn cầu.

3- Chúng ta mong đợi vào sự tự tổ chức của nhóm dân số già, với những người khoẻ mạnh và tràn đầy năng lượng sẽ giúp đỡ những người khác trong cộng đồng.

4- Với sự phát triển của y học, người cao tuổi có thể làm việc lâu dài hơn, mang lại lợi ích kinh tế mà không trở thành gánh nặng cho xã hội. 5- Người cao tuổi có thể đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Ngoài ra, già hóa dân số toàn cầu có thể trở thành động lực phát triển công nghệ. Trong cuộc cách mạng công nghệ giai đoạn 2030 - 2060, sự lão hóa dân số sẽ thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ; bởi vì, xã hội cần đến công nghệ tiết kiệm lao động do thiếu nguồn nhân lực lao động và sự phát triển đột phá về công nghệ trong y học nhằm tăng độ tuổi lao động và chất lượng đời sống sinh học của người cao tuổi.

Thế giới sẽ không thể thích ứng với sự lão hóa dân số toàn cầu nếu không có sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ, ngoài việc điều trị được những căn bệnh nguy hiểm nhất, để: 1- Giúp cho cuộc sống của người già và người khuyết tật trở nên dễ dàng hơn; 2- Giảm chi phí chăm sóc người bệnh và người già với sự trợ giúp của robot, trí tuệ nhân tạo...; 3- Tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tham gia vào quá trình lao động với sự trợ giúp của các công nghệ mới nhất. Tất cả điều này sẽ dẫn đến bước đột phá to lớn, một làn sóng công nghệ mới xuất hiện, mà một trong những yếu tố thúc đẩy là sự lão hóa dân số toàn cầu.

Do sự phát triển mang tính cộng sinh, một mặt, là của quá trình lão hóa dân số toàn cầu và sự thích ứng của xã hội với nó; mặt khác, là của sự phát triển mang tính đột phá của các hệ thống công nghệ tự quản, một kiểu xã hội mới sẽ xuất hiện. Xã hội đó sẽ là: 1- Xã hội với những siêu công nghệ; 2- Xã hội được điều tiết về mặt công nghệ - xã hội ở mọi cấp độ; 3- Trong xã hội đó, sự phân chia thành các nhóm tuổi sẽ trở nên sâu sắc hơn (nghĩa là tuổi tác trở thành một dấu hiệu nhận biết xã hội quan trọng).

Vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn lực nào có thể được sử dụng để hỗ trợ quá trình lão hóa dân số lành mạnh ở các nước đang phát triển. Cần lưu ý rằng, vào cuối thế kỷ XXI, trình độ ở các nước đang phát triển sẽ được nâng lên đáng kể, và nhờ làm việc từ xa, một phần đáng kể dân số ở châu Phi và các châu lục khác sẽ có cơ hội làm việc ở các nền kinh tế phát triển. 

Nhìn chung, cuộc cách mạng công nghệ thế hệ mới sẽ giúp tăng năng suất lao động, cũng như nâng cao trình độ phát triển của các nước nghèo và đang phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học - công nghệ, một mặt, làm cho cuộc sống dễ dàng hơn; mặt khác, tạo ra những mối đe đọa đối với quyền tự do, nhân quyền và quyền riêng tư cá nhân. Điều này đặc biệt đúng với người lớn tuổi, vì họ dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. 

Vì vậy, tình trạng già hóa dân số cũng đòi hỏi những đổi mới công nghệ phải thích ứng với các nguyên tắc của một xã hội mới./.

11 April 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)