29/04/2025 | 00:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Gia đình Hà Nội: Quá trình chuyển đổi và những giá trị cần lưu giữ, phát huy

Quang Anh
Gia đình Hà Nội: Quá trình chuyển đổi và những giá trị cần lưu giữ, phát huy Những thành tố của gia đình Hà Nội xưa và nay vẫn luôn bền chặt, thấm đượm những giá trị của “người Hà Nội thanh lịch, văn minh”_Ảnh: hanoimoi.vn
Những ngày giáp tết, ký ức về hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Quảng Bá gắn với hình ảnh ông cháu đi ngắm hoa, mua hoa đón tết; những món ẩm thực truyền thống, kể cả thời còn nghèo khó, vẫn đủ gia vị và tinh tế trong mâm cơm cúng, trong bữa cơm sum họp đầu xuân, gợi những giá trị thiêng liêng lại thức dậy trong lòng nhiều người con Hà Nội. Trải qua bao biến chuyển, những thành tố của gia đình Hà Nội xưa và nay vẫn luôn bền chặt, thấm đượm những giá trị của “người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, của “Hà Nội nghìn năm văn hiến”.

1. Thời trước, gia đình ở Hà Nội có thể chia ra thành 3 nhóm cơ bản: gia đình nông thôn ngoại thành; gia đình thị thành; gia đình công chức, viên chức, trí thức tiểu tư sản. Điểm chung của cả 3 nhóm trên là mô hình gia đình lớn, tam, tứ đại đồng đường; đậm nhất là gia đình nông thôn ngoại thành, nhạt dần đến nhóm công chức, viên chức, trí thức tiểu tư sản. Dấu ấn văn hóa làng xã, văn hóa phong kiến - nho học vẫn còn khá đậm nét, thể hiện từ không gian kiến trúc và chức năng từng khu vực trong khuôn viên nhà ở, trang phục, tín ngưỡng, nghi lễ, thứ bậc... Chức năng kinh tế của gia đình thể hiện rõ, có vai trò quan trọng. Các thế hệ nối tiếp nhau làm nghề, tiếp thu, giữ gìn và phát huy những kinh nghiệm, bí quyết nghề của gia đình... Chức năng đối ngoại của gia đình, nhất là với gia đình hàng xóm và các gia đình trong dòng họ, với quê, với gia đình bạn hữu, bạn hàng được thể hiện qua đức tính trọng tín, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau song ít sự tò mò, tọc mạch.

Những yếu tố, giá trị mới xuất hiện ngày càng sâu sắc trong các gia đình. Sự văn minh của Hà Nội, của gia đình và người Hà Nội thể hiện ở những yếu tố mới của thị thành, của đô thành, sau đó lại được tiếp thêm những giá trị văn minh phương Tây. Sự thanh lịch thể hiện ở nét nhẹ nhàng khoan thai, tinh tế, có chút cầu kỳ. Hà Nội chưa khi nào bị cái ồn ào của công nghiệp hóa tác động mạnh mẽ như những đô thị lớn khác trên thế giới. Giai cấp công nhân ở Hà Nội hầu hết làm ở các lĩnh vực có kỹ thuật cao vào thời đó như bưu chính và điện tín, xe lửa, sửa chữa ô tô, điện, nước, in... Họ mang nhiều hơn dáng vẻ của viên chức, có học thức, khác với sự cơ cực của công nhân các lĩnh vực khác. Vẫn nét quê, nhưng người Hà Nội không còn là những người nông dân quê mùa, lam lũ. Vẫn là con tôm, con cá nhưng lựa chọn kỹ tính, ẩm thực tinh tế, không “chém to, kho mặn”... Vẫn là tấm áo, quần bị vá nhưng không chằng đụp và đã “bích kê”. Trong gia đình cũng có nhiều thay đổi, dần thay cách gọi “thầy, bu” bằng “cậu, mợ”; sự học được quan tâm, không chỉ tới trường lớp mà cả việc học theo nghĩa rộng những giá trị mới, tiến bộ của văn minh phương Tây; lớp trẻ có lợi thế trong tiếp thu những cái mới ngày càng có ý kiến nhiều hơn trong gia đình, với người trên, dù những quy củ, nền nếp xưa vẫn được lưu giữ; sự trao đổi, phản biện trong gia đình nhiều hơn, đa chiều hơn, thay dần mô hình gia đình gia trưởng xưa; vai trò, vị thế của nữ giới được đề cao hơn trước, trong gia đình và ngoài xã hội...

2. Tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), Bác Hồ và các cơ quan Trung ương từ Thủ đô gió ngàn về lại Thủ đô Hà Nội; “lớp lớp đoàn quân tiến về” và một số lượng nhất định các gia đình rời Hà Nội vào Nam... Hà Nội thời điểm này gồm 36 khu phố nội thành và 4 quận (46 xã) ngoại thành, với khoảng hơn 40 vạn dân. Trải qua nhiều biến động tiếp theo, nhất là cải tạo xã hội chủ nghĩa và “một thời chiến tranh, một thời hoà bình”, Hà Nội có quá nhiều thay đổi. Các khu tập thể mọc lên với thành phần gia đình công nhân, gia đình công chức, viên chức. Dấu ấn văn hóa khu tập thể và văn hóa gia đình ở các khu tập thể là một nét đặc sắc của thời kỳ này. Nào là sự hối hả của những đợt sơ tán mà hầu hết các gia đình bị xé nhỏ đến các vùng ngoại thành; nếp thời gian của từng gia đình cũng thay đổi nhiều với sự hối hả của vào ca, trực chiến; sự nhộn nhịp mỗi khi sinh hoạt tập thể và những đợt mậu dịch quốc doanh phân phối vải và thực phẩm...

Ở ngoại thành, khi thực hiện phong trào hợp tác hóa, gia đình không còn là đơn vị sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Vai trò của chủ hộ - chủ nhà trong điều phối sản xuất của gia đình thu hẹp trong một số lĩnh vực mang tính tận dụng của gia đình, các thành viên gia đình trở thành thành viên của hợp tác xã. Sự kế nghiệp trao truyền nghề trong gia đình cũng nhạt dần và đứt quãng. Song về cơ bản, không gian văn hóa gia đình, sự nền nếp, gia phong vẫn được giữ vững. Mâm cơm gia đình dẫu đạm bạc vẫn là không gian gắn kết, và còn thể thiện sự chia sẻ giữa các thành viên khi chỉ người già và trẻ nhỏ mới được ưu tiên dùng cơm trong một nồi cơm lộn nhộn bo bo và nhiều khi nồng lên mùi sắn.

Trong bom đạn, sự văn minh, thanh lịch của người Hà Nội dường như bị lấn át bởi sự oai hùng, hiên ngang; sự nhộn nhịp của lên đường ra trận và chiến đấu đã thay thế cho sự nhộn nhịp của phố thị. Nhưng những thành tố của gia đình luôn bền chặt, vẫn mang những nét thanh lịch, văn minh. Thay vì bữa cơm đầm ấm đầy đủ các thành viên, hình ảnh mâm cơm úp lồng bàn đợi người đi làm về muộn; hay hơi ấm của những “cặp lồng”, hoặc cặp bát úp cơm ủ trong chăn vẫn luôn gợi nhớ trong ta sự ấm áp, yêu thương và bền chặt của gia đình. Một lá thư từ chiến trường kéo “cả nhà” mấy thế hệ chặt lại với nhau hơn trong nước mắt. Một tờ báo, tiếng đài Galen hay Sông Hồng tạo nên không gian văn hóa gia đình. Thời ấy, nét văn minh của người Hà Nội đôi khi chỉ đơn giản là chiếc áo may ô, một gói chè Sông Cầu, bao thuốc Đống Đa, lịch sự hơn thì vẫn là chiếc xe đạp Peugeot, Thống Nhất, hơn nữa là một số phương tiện mới từ các nước xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn thời bao cấp thể hiện rõ trong gia đình, trên cả phương diện kinh tế và văn hóa. Vai trò của người mẹ nổi bật trong sự lo toan từ “cái kim, sợi chỉ”, mét vải và cân thịt, sao cho cân đối, bảo đảm cuộc sống cả gia đình trong điều kiện vật chất rất hạn hẹp. Một cân thịt mua theo chế độ tem phiếu có thể dùng ngay phần bì, phần nạc, còn phần mỡ rán lên đủ để thi thoảng xào rau. Ba - bốn thế hệ và gia đình “con đàn”, giờ vẫn lắng sâu trong ký ức hình ảnh người chị, người dâu cả ngồi đầu nồi, hối hả xới cơm cho đàn em vô tư, háu đói. Nhiều đứa em chờ đợi cái áo, cái quần của anh, chị khi đã ngắn, chật. Việc trông em là phổ biến với những đứa trẻ dù chỉ lên 4 lên 5 và cũng chỉ từng ấy tuổi đã biết “thèm thuồng một cách tự giác” khi đứa em được ăn ngon hơn mình. Những giá trị ấy gắn kết chặt các thành viên gia đình, để đến nay, khi đã ngoài tuổi 50, những người từng “trẹo xương hông” vẫn có “uy” với những đứa em kẹp nách thời thơ ấu. Sự gắn kết gia đình - dòng họ giữa gia đình ở Hà Nội và ở nhà quê, dù không thường xuyên bởi khó khăn về giao thông nhưng cũng rất bền chặt. Người từ quê ra chẳng có nơi nào khác ngoài ở tại nhà anh em chú bác trên phố; người nhà “đi viện” trên Hà Nội, những dịp “ôn thi đại học”, thăm Lăng Bác, xem duyệt binh - thường luôn nhớ mang theo những món quà quê, từ con gà, chục trứng, tôm cá, ít nếp, đỗ, kẹo lạc, kẹo dồi, mắm tôm,... thật là quý, và cũng may với các gia đình trên phố là có thể “mỡ nó rán nó” trong lúc nhà có khách. Hình như sự thích thú khi nhà có khách của những đứa trẻ trên phố và nhà quê ở thời này chẳng có gì khác nhau, vì điều chắc chắn là được ăn ngon hơn. Trẻ trên phố được ăn những món mà chẳng cửa hàng mậu dịch nào có; những đứa trẻ từ quê lên thấy ngưỡng mộ vì vẫn con tôm, con cá quê mình mà sao qua cách chế biến trên phố lại tinh tế, cảm giác ngon hơn. Cái thời mà muốn ăn phở phải lên Hà Nội, từ cái trống ếch, quả bi ve, túm ô mai cũng phải mua trên Hà Nội, thì hẳn trong con mắt người nhà quê, Hà Nội thực sự là thanh lịch, văn minh; kể cả cách che đi sự thiếu thốn khó khăn cũng có gì đó rất tinh tế, thanh lịch.

3. Đất nước phát triển, đổi mới, hội nhập, Hà Nội và mọi vùng khác trong cả nước ngày càng văn minh, hiện đại hơn nhiều so với trước. Hà Nội mở rộng năm 2008, có diện tích và dân số gấp khoảng 20 lần so với năm 1954, thành phần gia đình ở Hà Nội đa dạng hơn rất nhiều. Mức độ nhập cư rất lớn, đến mức ở một số khu đô thị phần lớn là những gia đình mới đến từ các địa phương khác. Đời sống, mức sống và thu nhập của đa số người dân tăng hơn trước rất nhiều. Gia đình ở Hà Nội cũng có những thay đổi mạnh mẽ, thậm chí có những khía cạnh đang là thách thức. Tuy nhiên, nét thanh lịch của gia đình Hà Nội, sự nhẹ nhàng trong ứng xử, giao tiếp vẫn thể hiện rõ, khác với sự ồn ào, náo nhiệt của phố phường. Sự sôi động của phố thị và ở nơi làm việc dường như không ảnh hưởng mạnh đến tác phong, cách ứng xử của các thành viên khi về với gia đình. Các thành viên luôn tôn trọng không gian và sở thích của nhau; tinh tế trong cách ứng xử. Sự tinh tế, có chút cầu kỳ trong lựa chọn, thực hiện các nhu cầu, trong ứng xử gia đình, từ bữa ăn, món ăn, quà tặng, trang trí không gian chung vẫn là nét thanh lịch của các gia đình Hà Nội. Trong chức năng đối ngoại, các gia đình thường đi ăn, đi du lịch, mở rộng không gian giao tiếp.

Nhìn chung, quá trình phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, trở thành thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, thành phố kết nối toàn cầu đã có tác động mạnh mẽ đến các giá trị, chức năng của gia đình ở Hà Nội; làm cho những giá trị thanh lịch, văn minh của con người Hà Nội, các gia đình Hà Nội cũng có sự biến đổi - ngày càng thêm nhiều giá trị, hiện đại hơn. Để lưu giữ, phát huy nét đẹp gia đình truyền thống của người Hà Nội, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội cần được nuôi dưỡng và tồn tại trước hết trong gia đình. Vì vậy, theo năm tháng, những tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu chí gia đình văn hóa ở Hà Nội cần được hoàn thiện./.

17 February 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)