Đón xuân ở Liên Châu
Quang Hải
Bứt phá cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu
Xuân Ất Tỵ 2025 đánh dấu bước chuyển mình của xã nông thôn mới kiểu mẫu Liên Châu. Trong không gian trải sắc nắng vàng một ngày đầu xuân, có thể cảm nhận rõ những đổi thay của Liên Châu khi xã vừa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Thuộc phía Nam huyện Yên Lạc, Liên Châu từ xưa nổi danh là mảnh đất có truyền thống hiếu học, giàu bản sắc văn hóa. Liên Châu bây giờ còn được biết tới là miền quê giàu mạnh nhưng vẫn giữ được không gian thanh bình, yên ả của làng quê Việt Nam truyền thống.
Ông Phùng Mạnh Khuyến - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Liên Châu - cho biết: dù có xuất phát điểm thấp trong chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2013, song Liên Châu bứt phá cán đích xã nông thôn mới sớm nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2019, được chọn thí điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của huyện Yên Lạc, vượt lên gian khó, năm 2020, Liên Châu trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của Vĩnh Phúc hoàn thành chương trình xã nông thôn mới nâng cao. Phát huy thành quả đạt được, năm 2022, Liên Châu tập trung mọi nguồn lực xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thời gian triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Liên Châu huy động được trên 300 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 34 tỷ, trên 1.000 ngày công lao động tham gia làm đường giao thông, đổ rãnh thoát nước và các công trình dân sinh... Hiện Liên Châu xây dựng thành công 10 mô hình thôn thông minh với cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ; 100% tuyến đường được bê-tông, thảm nhựa, lắp camera an ninh, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc, đêm về có đèn điện chiếu sáng. Các trục đường chính, xóm ngõ, thôn, ngách, nhà dân được gắn tên, lắp biển số nhà, tạo thuận lợi cho công tác quản lý hành chính, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội...
Điểm nhấn tạo bức tranh xuân ở Liên Châu là thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 16-3-2023, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025”, địa phương được quan tâm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” rộng 1,5ha tại thôn Thụ Ích.
Phấn khởi vì xuân này lãnh đạo xã chọn nhà văn hóa của làng tổ chức đêm giao lưu văn nghệ đón giao thừa, anh Hưng - thôn Thụ Ích - cho biết: “việc xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, làng văn hóa kiểu mẫu đã thổi luồng sinh khí ấm áp đến với Liên Châu. Làng trên xóm dưới nhà nào kinh tế cũng no đủ, đường sá thông thoáng, sạch đẹp, phục vụ nhân dân chơi tết, du xuân trong niềm hân hoan, hứng khởi”.
Hơn 20 năm công tác xa nhà, năm nào chị Vân cũng đón tết ở quê chồng. Xuân này, về Liên Châu ăn tết nhà ngoại, chị Vân xúc động chia sẻ: nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà Liên Châu đổi thay nhiều, nhà nào cũng xây to đẹp, kiên cố; ở quê mà đường làng thảm hoa rực rỡ, cây xanh, hàng rào xanh mướt mát; hàng quán đủ đầy chẳng khác gì ở phố. Liên Châu là miền quê mà phố trong làng, làng trong phố.
Đòn bẩy tạo động lực hoàn thành
Liên Châu mùa xuân này mang trên mình tấm áo mới với những ngôi nhà, khu vườn đẹp như tranh vẽ; môi trường sạch sẽ, bảo đảm; nhà nhà, người người tất bật trang trí nhà cửa, vệ sinh xóm ngõ, nối dài những tuyến đường hoa chào đón Xuân Ất Tỵ. Ông Phùng Mạnh Khuyến khẳng định: Liên Châu cán đích trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu bắt nguồn trước hết ở sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động của cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể và mỗi người dân. Điều này thể hiện rất rõ trong quyết tâm đặt phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng để nâng chất các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, xác định thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu, Liên Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Đảng bộ, chính quyền xã Liên Châu khuyến khích nhân dân tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Chính quyền xã Liên Châu vận động nhân dân từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản sạch, an toàn theo quy chuẩn VietGAP để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác; hình thành khu chăn nuôi gà, lợn, cá tập trung xa khu dân cư; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với cây trồng chủ lực như chuối tiêu hồng, bưởi Diễn, đu đủ, cam canh...; ứng dụng chuyển đổi số, có mã truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giới thiệu bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội..., từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chị Ngô Thị Tâm, thôn Nhật Chiêu (xã Liên Châu) - 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, chủ trang trại chăn nuôi lợn, gà theo quy chuẩn VietGAP - kể: sau 8 năm bôn ba xứ người, năm 2012, chị về quê mua 12,5ha đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những ngày đầu chị gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, cách chăm sóc, nhưng với lòng kiên trì, đứng lên sau thất bại, đến nay trang trại của chị sở hữu gần 4.000 con gà, trên 1.000 đầu lợn thương phẩm.
Ngoài ra, mọi khoảnh đất dù nhỏ cũng được chị tận dụng trồng rau sạch cùng nhiều nông sản. Biết ứng dụng khoa học - công nghệ, có sự liên kết “4 nhà”, trang trại của chị Tâm mỗi năm cho thu lãi hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tết này, chị Tâm còn vui hơn bởi giúp được nhiều hội viên Hội Nông dân xã Liên Châu vốn, con giống, kinh nghiệm chăn nuôi,... cùng vươn lên thoát nghèo, đón xuân mới no ấm.
Với ý chí, nghị lực vươn lên của người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồng, thôn Thụ Ích lại mở ra hướng phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá thâm canh. Năm 2004, ông Hồng thuê 12ha đất nông nghiệp của địa phương nuôi lợn và cá. Mọi việc đang “thuận buồm xuôi gió” thì năm 2018, đàn lợn của gia đình ông buộc phải tiêu hủy do mắc bệnh dịch. Sau “cú sốc” này, ông Hồng chuyển toàn bộ diện tích đất còn lại đào ao nuôi cá trắm, chép, rô phi...
Để cá sinh trưởng tốt, cho năng suất, bán được giá, ông Hồng mua 12 máy sục khí ô xy, 5 máy cho cá ăn tự động và xử lý nước ao bằng men vi sinh theo định kỳ... Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông thu từ 6 - 8 tỷ đồng bán cá. Ông Hồng khoe: “nhờ nghề cá, gia đình tôi sống khá đàng hoàng và luôn có những cái tết đủ đầy, đầm ấm”.
Bên cạnh đó, là xã thuần nông, để tăng thu nhập cho nhân dân, chính quyền địa phương xã Liên Châu khuyến khích người dân trong tuổi lao động tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, nâng tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95%. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động và giảm nghèo cũng được địa phương quan tâm triển khai, thu về nhiều “quả ngọt”. |
Hiện thực hóa Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 5-5-2023, của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030, làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích đăng ký thực hiện 12/16 chính sách gắn với phát triển nuôi cá thâm canh kỹ thuật cao; sản xuất phật thủ; trồng lúa hữu cơ, rau tía tô xuất khẩu..., bước đầu cho giá trị kinh tế khá.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách huyện Yên Lạc còn giải ngân giúp 20 gia đình trong làng văn hóa kiểu mẫu vay 3,5 tỷ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, bức tranh kinh tế ở Liên Châu có nhiều khởi sắc. Nếu như năm 2020 (năm Liên Châu cán đích xã nông thôn mới nâng cao), thu nhập bình quân đầu người là 60,7 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo 0,98% thì tới nay, thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 80 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,36%.
“Cơm no, áo ấm”, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện là đòn bẩy để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Liên Châu nỗ lực phấn đấu cuộc sống ngày càng hạnh phúc, văn minh, trong đó chú trọng đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, phong trào ở địa phương.
Quan tâm vấn đề an sinh, hằng năm cấp ủy, chính quyền xã Liên Châu còn kết nối những tấm lòng hảo tâm tặng quà tết cho 100% số gia đình nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã. Từ đó tạo niềm tin để nhân dân đón tết trong niềm hứng khởi, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giữ vững thành tích 3/3 làng ở Liên Châu đạt danh hiệu “Làng văn hóa cấp tỉnh”; 11/11 thôn được công nhận “Thôn văn hóa”; 96% số hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”./.









Các bài cũ hơn


