29/04/2025 | 00:54 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ẩm thực quê hương: Lưu giữ nét xuân, duy trì tết Việt

Nguyễn Thôi* - Đào Oanh Oanh**
* Tạp chí Cộng sản - ** ThS, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Oai, Hà Nội
Ẩm thực quê hương: Lưu giữ nét xuân, duy trì tết Việt Đoàn công tác cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina quây quần bên mâm cơm gợi hương vị tết_Ảnh: H.Đ
Cuối một ngày làm việc trong lịch trình công tác tại Cộng hòa Argentina, chúng tôi dùng bữa cùng Đại sứ và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Vượt khỏi phạm vi nhỏ hẹp của bữa cơm, cách ứng xử của những con người xa quê công tác trên đất bạn đối với những món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam khiến chúng tôi không khỏi xúc động, thậm chí thấy lối ứng xử đó chính là cách góp phần lưu giữ phong tục bền chặt cho cộng đồng, quê hương.

Từ lời đề nghị rất “quê hương”...

Qua điện thoại, sau cuộc trao đổi về chương trình công tác tại Argentina, khi đặt vấn đề rất “người nhà” về món quà từ Việt Nam mang sang nước bạn, Đại sứ Việt Nam tại Argentina Dương Quốc Thanh “buông” một câu rõ, gọn: đoàn cứ mang bánh chưng và giò chả sang đây ăn tết. Hơi lạ, vì mới cuối tháng 11 dương lịch, cách tết tới hơn 2 tháng mà đã sang ăn tết ở nơi cách xa Tổ quốc hơn nửa vòng Trái đất. Nhưng từ lời đề nghị ấy, trong hành lý chúng tôi mang theo có kha khá bánh chưng và giò lụa, thêm một ít chả quế.

Mâm cơm cùng đông đủ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina không cầu kỳ, chỉ có vài món. Song điều ấn tượng đối với chúng tôi, ngoại trừ đĩa trái cây tráng miệng là cherry của Argentina, tất cả các món còn lại đều là món ăn Việt, lại là những món ăn gợi hương vị ngày tết cổ truyền của dân tộc. Điểm nhấn trong mâm cơm ấy là màu xanh nhạt của chiếc bánh chưng vuông vắn đã được bóc lớp lá dong bên ngoài; từ cái lạt mềm dai, bánh được chia thành những chéo nhỏ, bật lên hình những hạt nếp dẻo căng tròn. Bên cạnh đó, một đĩa giò lụa hồng hồng màu thịt nạc tươi đặt ngay ngắn bên cạnh đĩa chả quế vàng nâu óng. Kế bên, một đĩa thịt gà nuôi thả và bát miến được nấu từ chính lòng gà, nước gà luộc với đầy đủ nấm hương, hành hoa, một chút mùi ngò rắc lên trên. Ngay cả đĩa rau thơm cũng là những thứ rất Việt, được nhân viên Đại sứ quán gieo trồng chăm sóc. Cái cách mọi người trong sứ quán cứ để tâm bày biện, trau chuốt mâm cơm, ngắm nhìn mấy món ăn đó trong quá trình chuẩn bị bữa cơm khiến chúng tôi có đôi chút ngạc nhiên. Khi mâm cơm đã được bày xong, chúng tôi đọc trong những ánh mắt ấy sự xúc động khôn tả. Bữa cơm trôi qua 15 phút, mọi người nâng chén chúc nhau nhưng chưa một ai động đũa đến những món ăn ấy. Chúng tôi, phần vì tâm lý kính chủ nhà bởi “mình ở Việt Nam dẫu sao cũng thường xuyên và dễ dàng ăn những món đó bất cứ lúc nào” nên dù xa quê đã cả tuần, cũng thèm món ăn Việt nhưng không bén đũa trước; phần vì cảm nhận rõ sự trân trọng trong tình cảm của mọi người qua cách ngắm từng món ăn.

Dường như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, Đại sứ Dương Quốc Thanh chia sẻ: “không phải mọi người trong sứ quán không háo hức được thưởng thức những món ăn thuần Việt đã đi hơn nửa vòng Trái đất để đến đây đâu. Mà vì thật lâu rồi chúng tôi mới được tận mắt thấy một mâm cơm Việt thế này, đặc biệt là mâm cơm đó lại có bánh chưng”. Quả thật, nhìn mâm cơm mà như thấy cả quê hương; thấy sự nồng ấm của tình thân, của những thời khắc thiêng liêng sum họp đón tết nguyên đán, đón năm mới tiễn năm cũ qua đi.

Bữa ăn kết nối mọi người gần với nhau hơn trong không gian của mâm cơm quê nhà. Trong không khí ấm cúng tình thân, mọi người trò chuyện vui vẻ, nhắc đến những cái tết đã qua, đến cái tết xa nhà luôn cảm thấy có chút trống vắng, chút tủi thân, cả chút nhớ mưa bụi trong những ngày đầu xuân, và tất nhiên, nhắc đến cái tết đang cận kề. Mọi người chia sẻ, ngày tết nguyên đán của Việt Nam, nhưng bên này vẫn là một ngày bình thường. Thế nên, dù mọi người có tụ họp chuẩn bị đón tết chu đáo đến đâu, cũng không thể được sống thực sự trong không gian văn hóa đậm tết Việt. Ngay cả những món ăn truyền thống trên, không phải lúc nào cũng có thể có đúng vào dịp Tết. Cộng đồng người Việt tại Argentina số lượng rất ít, phần lớn mọi người cũng đều vất vả với cuộc sống mưu sinh. Trong khi đó, đường bay xa, lại ít chuyến, số lượng nhập khẩu những thực phẩm Việt ít, đắt đỏ, không đem lại lợi nhuận nhiều, nên giò chả, nhất là bánh chưng hay lá dong là những mặt hàng “hiếm có, khó tìm”, thậm chí có thể khẳng định là không có. Cũng vì thế, nhiều Việt kiều ở các nước khác trên thế giới vẫn có thể quây quần gói bánh chưng mỗi dịp xuân về, hay dễ dàng mua bánh chưng hoặc giò tại các siêu thị có bán thực phẩm Việt, thì đối với người dân Việt Nam tại Argentina, đó lại là một điều xa xỉ. Chẳng thế mà, khi biết chúng tôi có chuyến công tác tại Argentina trong thời điểm gần với tết nguyên đán nhất, các cán bộ làm việc tại sứ quán đều trông mong, hy vọng đoàn công tác sẽ đem giúp ít bánh chưng và giò lụa sang. Cứ nghĩ mọi người bên này nhớ món ăn Việt sẽ bỏ ra thưởng thức ngay, nhưng không, toàn bộ số quà là bánh chưng và giò chúng tôi đem sang ngay lập tức được cất trữ ngăn đông. Đại sứ Thanh cho biết, số quà đó sứ quán phải để dành cho tết cổ truyền Giáp Thìn. Dịp đó, sứ quán sẽ mời đồng bào tới ăn tết, cùng thưởng thức những món ăn được mang sang từ Việt Nam.

... tìm về vùng quê nhiều món ngon truyền thống

Bữa chiều hôm ấy kết thúc bằng món bánh chưng được mọi người chậm dãi thưởng thức như thể muốn lưu gửi lâu hơn hương vị quê hương. Trong không gian ấy, trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của món ăn quê nhà đối với tinh thần mỗi người Việt xa quê. Không những thế, chúng tôi cũng nhận thấy rõ sự quan tâm, trân trọng của đại sứ quán đối với đồng bào Việt Nam xa Tổ quốc. Từ những món ăn truyền thống, gợi nhắc, trân trọng và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong những con người xa quê hương; hình thành nên sợi dây liên kết, gắn bó với đồng bào, gia tăng tinh thần đoàn kết, khắc trong lòng tiếng Tổ quốc thiêng liêng.

Món quà quê hương được nâng niu nơi xứ người khiến những thành viên trong đoàn công tác thấy thật không uổng phí vì đã cất công tìm đặt những món ăn ấy tại một vùng quê giàu truyền thống với các món ngon hết sức đặc sắc, mang nét đặc trưng phong vị ẩm thực quê hương - làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Từ xưa, Ước Lễ đã nổi tiếng với nghề làm giò chả. Giò chả Ước Lễ thường không làm đại trà, bởi công đoạn làm rất cầu kỳ và công phu, nổi tiếng trước hết bởi nguyên liệu làm giò được chọn lựa rất cẩn thận. Giò lụa được làm từ những phần thịt ngon nhất của con lợn, dân làm nghề gọi là: cau, gót, thăn, rùa. Các loại thịt này phải bảo đảm tươi, thơm, thịt dẻo, trắng. Nước mắm dùng để chế biến giò phải thật thơm, thịt giã đạt tầm, lượng mỡ vừa đủ, giò luộc phải đúng giờ, lửa phải đều... Ngoài ra, giò phải được gói bằng lá chuối tây, khi ăn bóc ra có vị thơm lá chuối. Giò lụa được coi là ngon khi dùng dao cắt ngang quả giò mà không dính dao, miếng giò cắt ra hơi có màu hồng hồng, mặt giò xuất hiện lỗ lăn tăn tròn nhỏ.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Tân Ước - cho biết: người dân Ước Lễ có những bí quyết trong nghề, đúc rút kinh nghiệm để sống bằng nghề và luôn sáng tạo sao cho sản phẩm của làng ngày càng đa dạng, phong phú. Ngoài giò lụa, người Ước Lễ còn sáng tạo các loại giò khác như giò mỡ, giò quấn hoa (giò lụa trộn hạt mỡ), giò bò, giò gà, giò xào (hay còn gọi là giò ép)... Mỗi loại giò có một vị ngon riêng nhưng vẫn mang hương vị riêng của làng nghề truyền thống Ước Lễ ở sự thơm ngon, không hóa chất, quả giò chắc chắn, đẹp mắt.

Bánh chưng Ước Lễ cũng là một thương hiệu có tiếng. Qua bàn tay của những người thợ tài hoa, những chiếc bánh được gói bằng tay vẫn vuông vức, đều tăm tắp. Sau khi luộc, bánh có lớp vỏ xanh đều, sự mềm dẻo của gạo nhưng không bị nát, khi ăn rất nhuyễn mà không bị ngái, không gây cảm giác nóng bụng, đầy hơi. Kỹ thuật làm bánh chưng Tân Ước có những bí kíp gia truyền của từng hộ, chỉ được truyền lại cho người con trai và con dâu trong gia đình. Những bí kíp và công thức ấy giúp bánh chưng Ước Lễ nói riêng và xã Tân Ước nói chung không cần chất phụ gia mà vẫn có hương vị thơm ngon đặc trưng và bảo quản được lâu.

Khi biết chúng tôi đặt giò chả và bánh chưng mang đi Argentina, chủ cơ sở nhiều đời làm giò chả Đức Tín cho biết: sản phẩm được mang đi nước ngoài lại cần có thêm sự kỳ công, khắt khe hơn trong lựa chọn nguyên liệu, cẩn trọng hơn trong khâu chế biến. Sản phẩm làm xong còn sử dụng kỹ thuật hút chân không, giúp kéo dài thời gian bảo quản. Bằng cách ấy, cơ sở giò chả Đức Tín hằng năm đã xuất khẩu nhiều bánh chưng, giò chả đi các nước trên thế giới. Vì luôn sản xuất bảo đảm về chất lượng, nên cơ sở giò chả Đức Tín giữ được nhiều bạn hàng lâu năm, nhiều cơ sở kinh doanh ở nước ngoài thường gọi điện liên hệ trực tiếp đặt hàng trước mỗi dịp xuân về.

Từ những món ăn mang đậm phong vị quê nhà trong bữa cơm, những người Việt xa quê dồn nỗi nhớ quê hương, sum họp gần nhau trong tình thân; chia sẻ, cảm nhận sự ấm áp hương vị của ngày tết dân tộc nơi xứ người, vun đắp nghĩa đồng bào, nâng niu văn hóa, trân trọng giá trị truyền thống mà lưu giữ nét xuân, duy trì tết Việt. Một cách tự nhiên, chuyến công tác ấy giúp chúng tôi thấm thía niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng vẫn được hưởng bao lâu nay, ấy là niềm hạnh phúc được đón tết, “ăn” tết giữa những người thân, giữa một không gian đậm văn hóa quê nhà./.

15 February 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)