07/04/2025 | 09:47 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nghệ An phát huy tối đa tiềm năng để trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ

Vũ Toàn

Khu đô thị mới Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An_Ảnh Vũ Toàn

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục tăng

Theo công bố về chỉ số PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Nghệ An đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2021). Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - cho biết, PCI năm 2021 của Nghệ An tăng 16 bậc so với năm 2013 (năm 2013, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố). Thực tế này khẳng định PCI của tỉnh Nghệ An liên tục tăng, nghĩa là môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh Nghệ An đang “bật tín hiệu sáng”.

Bàn thêm về nội dung này, ông Hiếu cho hay, khi bắt tay thực hiện Nghị quyết số 26, tỉnh đã mở ra 3 hướng nhằm từng bước khẳng định Nghệ An đang phấn đấu để trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ với các tiêu chí về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa - thể thao, công nghiệp công nghệ cao. Ba hướng đó là sự kết nối của Nghệ An với các bộ, ngành Trung ương, với một số tỉnh bạn và với doanh nghiệp trong, ngoài nước nhằm thu hút nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo tốc độ tăng trưởng mới. “Khi đã kết nối, nếu PCI không tốt thì khó tạo được tốc độ tăng trưởng như mong muốn”, ông Hiếu khẳng định.

Ông Hiếu cũng lưu ý rằng, 3 hướng kết nối đó không phải là “cái hầu bao” sẵn có người ta trao cho tỉnh, lại càng không phải “tỉnh mặc sức khai thác để đưa cái lợi về cho địa phương mình”; thay vì đó là cơ hội để tỉnh so sánh, xem xét và đề ra hướng hành động sát đúng. Hành động đầu tiên là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng phải là chuyển dịch năng động thực sự, hiệu quả rõ rệt. Cái đích nhắm tới của chuyển dịch cơ cấu kinh tế là giảm tỷ trong nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản); tăng tỷ trọng phi nông nghiệp; trong lĩnh vực công nghiệp thì xây dựng phải tăng mạnh. Ông Hiếu lý giải: “so với bình quân trong vùng Bắc Trung Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung (gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa vào Bình Thuận) thì khu vực nông, lâm, thủy sản của Nghệ An chiếm tỷ trọng cao nhất, trong khi đó tỷ trọng công nghiệp và xây dựng lại thấp hơn cho nên cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế để thoát ra khỏi sự mất cân đối này”.

Kết quả chuyển dịch cho thấy, năm 2013 tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản của Nghệ An giảm từ 26,48% xuống 24,57% trong năm 2021. Tỷ trọng xây dựng năm 2013 từ 24,15% tăng lên 29,48% năm 2021. Khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế thay đổi bằng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì tạo được “cỗ máy” mới. Cỗ máy này “đẻ” ra chất lượng tăng trưởng mới từ năng suất lao động tăng khá. Xin nêu một dẫn chứng thuyết phục trong kết quả thực hiện Nghị quyết số 26: quy mô tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 của Nghệ An đạt 155,425 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so với năm 2013 (đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; đứng thứ 12 cả nước). Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân các giai đoạn 2014 - 2019 và 2014 - 2020 lần lượt đạt 7,28% và 6,92%. Riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Nghệ An đạt 6,2% (thuộc nhóm 3 địa phương cao nhất vùng, đứng thứ 22 cả nước). Theo đó, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 45,58 triệu đồng, cao hơn 1,92 lần so với năm 2013, bằng 75% bình quân của vùng và 67,9% mức trung bình cả nước.

Bước chuyển dịch tiếp theo là phát triển các ngành kinh tế (công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp); các ngành dịch vụ (dịch vụ thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông) và văn hóa - thể thao; giáo dục - đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; y tế; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông;... cũng trở thành những điểm nhấn trong đà tăng tốc, tạo nên PCI tăng vượt bậc.

Hướng tới trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, quá trình phát triển đô thị phải đạt mức đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo được tầm vóc mới của đô thị hiện đại. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, Nghệ An xuất hiện 23 đô thị các loại. Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 22%, tăng 9,05% so với năm 2013. Trong 23 đô thị này nổi lên gương mặt các khu vực kinh tế trọng điểm, như Đề án kinh tế - xã hội miền Tây; khu kinh tế Đông Nam; vùng kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An. Đặc biệt, xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị biển.

Sau 10 năm, khu vực miền Tây Nghệ An nổi lên mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH (chăn nuôi bò sữa, sản xuất rau, quả). Tại khu vực này, công nghiệp có bước chuyển mạnh, từ chủ yếu sản xuất thô sang chế biến tinh, chế biến sâu, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị cao (đây cũng là cơ sở để một số mô hình du lịch cộng đồng hút khách). Phép so sánh sau đây chứng minh khu vực miền Tây được phát triển: tổng giá trị tăng thêm từ 15.620 tỷ đồng của năm 2013 lên 22.485 tỷ đồng năm 2020 (gấp 1,58 lần). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2020 tại khu vực này đạt 7,99%. GRDP bình quân đầu người từ 15,86 triệu đồng tăng lên 32,81 triệu đồng/năm (bằng 76,39% so với toàn tỉnh)...


Thị xã Cửa Lò sẽ hóa thân vào đô thị biển trong thời gian tới_Ảnh: Hồ Đình Chiến

Đô thị biển

Ông Nguyễn Văn Lư - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vinh - cho biết, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, thành phố Vinh được hưởng một số chính sách đặc thù như sự tập trung chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Nghệ An, ưu tiên bố trí nguồn lực, triển khai nhiều quy hoạch, đề án, dự án trọng điểm để vừa hướng tới “vùng lõi” của Bắc Trung Bộ, vừa có đủ tư thế để trở thành đô thị biển.

Đến thời điểm này, có thể “điểm danh” các dự án trọng điểm từng làm thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố Vinh: cải tạo di tích Hào thành cổ - Hồ cửa Nam “đã mất trắng” nay thành công viên văn hóa bao quanh Bảo tàng Nghệ An, sân vận động Vinh, mộ Đội Cung. Tuyến đường 72m Vinh - Hưng Tây, nối khu công nghiệp VSIP với trung tâm thành phố; đường 35m Nghi Ân - Hưng Hòa; cải tạo kênh Vách Bắc. Khu đô thị Quang Trung đang thay thế toàn bộ 4 khu nhà tầng do Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức tài trợ năm 1974 nay đã xuống cấp, bằng 8 tòa chung cư cao 22 tầng; 7 khu nhà ở liền kề 3,5 tầng với các công trình dịch vụ thương mại (trung tâm thương mại và chợ); công trình giáo dục (nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở); khu cây xanh; khu thể dục thể thao và bãi đỗ xe. Khu đô thị Eco Central Park rộng 182ha gồm hệ thống biệt thự, nhà liền kề, shophouse và biệt thự “đảo” trong vòng 200ha. Dọc đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, 3/2 và đại lộ Lê-nin cũng xuất hiện nhiều khu chung cư đồ sộ của một đô thị trẻ, hiện đại khiến nhịp điệu cuộc sống ở thành phố Vinh sôi động từng ngày.

Riêng về giáo dục - đào tạo, ông Lư nhắc lại báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Tỉnh ủy Nghệ An về danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” đối với thành phố Vinh. Danh hiệu này được UNESCO công nhận, trong đó tiêu chuẩn đầu tiên là số lượng học sinh giỏi quốc gia (năm học 2020 - 2021, thành phố Vinh có 81 em là học sinh giỏi quốc gia; 1 huy chương vàng và 2 huy chương bác các giải thưởng quốc tế). Thành phố Vinh hiện có 74/85 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó chất lượng dạy và học ngoại ngữ có những chuyển biến mạnh nhờ học sinh và cả phụ huynh đều quan tâm. Đặc biệt, Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia; là trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách công cho tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Chúng tôi muốn biết về những “hành trang” của thành phố Vinh sau khi trở thành đô thị biển, ông Lư nói: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã duyệt Đề án thành phố Vinh trở thành đô thị biển trên cơ sở sáp nhập thị xã Cửa Lò và 6 xã của huyện Nghi Lộc. Đề án đang chờ Quốc hội thông qua. Khi đó, ngoài ga Vinh, sân bay Vinh, đô thị Vinh sẽ có thêm cảng biển Cửa Lò và 10km bờ biển. Như vậy, ngoài quốc lộ I, đường cao tốc Bắc - Nam rộng 100m chạy qua phía Tây của đô thị Vinh; có đường ven biển rộng 60m đi qua phía Đông của đô thị Vinh. Trên nền tảng này, đô thị Vinh sẽ phát triển theo mô hình “đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa các đô thị với vùng nông thôn và tự nhiên””. Ông Lư nêu tiếp một ý tưởng: “từ mô hình này, đô thị Vinh có thêm không gian phát triển khu cụm công nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng hệ thống logistics, tạo việc làm cho lao động trẻ ở địa phương, thu hút lao động chất lượng cao. Hạ tầng kỹ thuật của đô thị Vinh cũng được giãn ra, giảm áp lực lên hạ tầng trung tâm đô thị, tạo cân đối nội và ngoại ô đô thị. Lúc này, đô thị Vinh dễ dàng gánh trọng trách là vùng đô thị lõi của khu vực Bắc Trung Bộ với vai trò hạt nhân là kết nối du lịch vùng và quốc tế, đặc biệt là du khách và hàng hóa từ nước bạn Lào và Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh./.

 

14 August 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau