Chuyển đổi số - động lực cho sự phát triển của Bình Định
Trần Kim KhaGiám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định
Điều độ viên tại Trung tâm điều khiển hệ thống điện Bình Định theo dõi tình hình vận hành lưới điện qua hệ thống máy tính_Ảnh: cpc.vn
Những bước chuyển
Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, Tỉnh ủy Bình Định ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20-9-2021, về Chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định, tập trung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số gồm giáo dục, y tế, quản lý hành chính, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải và logistics. Để hiện thực hóa nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Bình Định tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng:
Một là, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty cổ phần FPT và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định để triển khai chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Thỏa thuận được ký kết với mong muốn góp phần đưa Bình Định sớm trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện từ cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số.
Với mục tiêu đồng hành cùng Bình Định để trở thành trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của khu vực, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT - khuyến nghị tỉnh cần phải tạo ra 3 điểm khác biệt, đó là: 1- Bình Định phải trở thành mảnh đất màu mỡ cho các công ty công nghệ, các công ty khởi nghiệp phát triển; 2- Bình Định phải trở thành cái nôi về đào tạo và nghiên cứu AI, với nguồn nhân lực AI được đào tạo bài bản từ khi còn là học sinh; 3- Bình Định phải trở thành thị trường lớn nhất cho công nghệ AI.
Hai là, một trong những điểm khác biệt trong quá trình triển khai chuyển đổi số ở Bình Định là có sự đồng hành, hỗ trợ của nhóm Think tank VINASA (tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách). Nhiều cơ chế, chính sách và các định hướng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số của Bình Định được các chuyên gia đầu ngành trong nhóm Think tank của VINASA tư vấn, phản biện. Nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia Think tank được Bình Định tiếp thu, chỉnh sửa trong các nghị quyết, kế hoạch và triển khai thực hiện.
Ba là, khánh thành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định (IOC). Đây là một trong những kết quả ban đầu trong thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Định và Công ty cổ phần FPT. Với các dịch vụ được triển khai như: dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; dịch vụ giám sát an toàn thông tin; hệ thống giám sát dịch vụ công; hệ thống thông tin kinh tế - xã hội; cổng thông tin COVID-19 tỉnh Bình Định...; đồng thời, thường xuyên theo dõi và cung cấp thông tin cho lãnh đạo các cấp về những vấn đề phát sinh trên địa bàn. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Công ty cổ phần FPT sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án với việc mở rộng các dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế...; đồng thời, tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tiện ích, bổ sung các tính năng của dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai giai đoạn 1.
Bốn là, thành lập Khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định có diện tích 54ha. Đây là đơn vị cung cấp hạ tầng, dịch vụ và các điều kiện cần thiết để các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong khu thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ thông tin; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin; đào tạo nhân lực công nghệ thông tin... Thời gian tới, Bình Định sẽ triển khai các thủ tục liên quan để gia nhập chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Định được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Bình Định đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố về xếp hạng chuyển đổi số; trong đó, chỉ số về chính quyền số đứng vị trí 13/63, chỉ số về kinh tế số đứng vị trí 17/63, chỉ số về xã hội số đứng vị trí 17/63.
Sinh viên công nghệ thông tin, Trường Đại học FPT Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) trong giờ thực hành_Ảnh: fpt.edu.vn
Giải pháp tạo đột phá trong thời gian tới
Thứ nhất, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố rất quan trọng trong cạnh tranh và thực hiện chuyển đổi số. Các nghiên cứu gần đây khẳng định, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới. Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam đang xếp hạng cuối trong khu vực về kỹ năng số hiện có của lực lượng lao động; đồng thời, ngành giáo dục - đào tạo chưa theo kịp xu thế phát triển của kinh tế số. Do vậy, cùng với cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, Bình Định cần có chính sách đủ mạnh để tạo cú huých nhằm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương về Bình Định.
Thứ hai, cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với những hạn chế về tư duy, tầm nhìn, việc thiếu hụt các công nghệ thiết yếu, chưa có sự đầu tư về dữ liệu cũng như những thách thức trong văn hóa công ty..., các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn gặp rào cản lớn hơn trong chuyển đổi số. Do vậy, Bình Định cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; đồng thời, để bảo đảm việc hỗ trợ thành công, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, cơ chế hỗ trợ cần thực hiện theo phương châm “nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”, sử dụng một phần vốn của doanh nghiệp trong quá trình hỗ trợ để tạo động lực cho doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và hưởng ứng việc sử dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là những giá trị mà chuyển đổi số mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế triển khai chính quyền điện tử/chính quyền số cho thấy, một số ứng dụng mặc dù được triển khai trên diện rộng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng lượng phát sinh vẫn còn hạn chế (như dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4), chưa tạo được sự lan tỏa mạnh do thói quen, cách nghĩ, cách làm của người dân. Do vậy, cần tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là tập trung vào đối tượng đoàn viên, thanh niên - lực lượng dễ dàng tiếp cận với công nghệ và từng bước lan tỏa trong cộng đồng.
Thứ tư, tập trung xây dựng kho dữ liệu số để bảo đảm các quyết định điều hành của lãnh đạo các cấp thời gian tới được đưa ra dựa trên dữ liệu. Để làm được việc này, các ngành, địa phương cần tập trung xây dựng và thường xuyên cập nhật các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đây là cơ sở cho phép các đơn vị chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực; tạo kênh đo lường, giúp lãnh đạo các cấp kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; giúp lãnh đạo tỉnh đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, việc triển khai xây dựng và duy trì hoạt động của kho dữ liệu số và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, dự báo, ra quyết định là cơ sở quan trọng của việc chuyển đổi phương thức quản lý.
Thứ năm, cần quan tâm đầu tư bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Bởi, bên cạnh mặt tích cực chuyển đổi số mang lại, việc ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng trên nhiều lĩnh vực cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Các hệ thống được triển khai trên diện rộng (văn phòng điện tử, ký số, một cửa điện tử, thanh toán trực tuyến, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành...) là các dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo mật, dễ bị tấn công do được kết nối trực tiếp với Internet. Do vậy, việc quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực an ninh mạng, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin,... cần được chú trọng./.MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




