21/11/2024 | 16:50 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cần gia cố trụ đỡ nông nghiệp

Đăng Bảo
Cần gia cố trụ đỡ nông nghiệp Ảnh: vietnam.vn
Việc nông nghiệp tăng trưởng cao hơn công nghiệp năm 2023 cho thấy nó luôn là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn. Cần gia cố trụ đỡ đó để vượt qua khó khăn hiện tại và giảm thiểu nỗi lo trong những pha suy trầm và suy thoái của chu kỳ kinh tế tương lai.

Nông nghiệp tăng cao hơn công nghiệp

Nhìn về tổng thể, 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế nước ta. Các dự đoán tăng trưởng GDP do các định chế tài chính quốc tế đưa ra liên tục phải hạ thấp dần trong suốt năm, nhưng Việt Nam vẫn đạt mức 5,05%, vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Điều đáng chú ý là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% (mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%. Đây là một năm hiếm hoi kể từ khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp cao hơn ngành công nghiệp, cho thấy đây là một trong những trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế đất nước trong một năm khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Đánh giá cao cố gắng mà ngành nông nghiệp đạt được, trong Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định ngành nông nghiệp đã “vượt cơn gió ngược”; vừa được mùa, vừa được giá, đạt bội thu ở nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước trong năm 2023. “Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số ngành, như gạo, rau củ quả, lập kỷ lục mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nỗ lực của ngành nông nghiệp đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế đất nước, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; kiểm soát lạm phát (lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống chiếm tới 33% trong rổ hàng hóa tính chỉ số tiêu dùng - CPI); thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; gia tăng xuất khẩu, giải quyết việc làm và sinh kế cho người dân...

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD, với thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục là 12,07 tỷ USD. Đáng chú ý là có tới 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, trong đó có những mặt hàng tăng ngoạn mục, tạo ra chỗ đứng trên thị trường thế giới như rau quả (đạt 5,69 tỷ USD, tăng gần 70%), gạo (đạt 4,78 tỷ USD, tăng gần 40%).

Đây cũng là năm đầu tiên thí điểm bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp, thu về 1.200 tỷ đồng, mở ra thị trường quan trọng cho nông, lâm nghiệp trong xu hướng sản xuất xanh hiện nay. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được nhân rộng, tăng thêm 2.000 sản phẩm so với năm ngoái và đạt 11.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Gạo Việt Nam đạt danh hiệu ngon nhất thế giới cũng là sự kiện rất có ý nghĩa, góp phần kéo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, khiến nhiều đối thủ trên thị trường gạo phải dè chừng và báo chí thế giới bắt đầu nhắc đến Việt Nam như một trong những nhân tố quyết định giá gạo trong tương lai.

Cần tập trung vào một số giải pháp

Tăng trưởng cao hơn công nghiệp là thành tích rất lớn của nông nghiệp Việt Nam trong năm 2023, thổi một luồng sinh khí lạc quan hơn vào đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, không nên hy vọng vị trí này sẽ giữ được lâu. Khi kinh tế thế giới phục hồi, công nghiệp sẽ lấy lại vị trí của mình và nông nghiệp khó có thể duy trì được vị trí thứ hai trong cơ cấu 3 thành phần kinh tế (nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ). Đó cũng là một điều tất yếu của một cơ cấu kinh tế hiện đại. Dù vậy, đóng góp của ngành nông nghiệp năm 2023 cho thấy, không thể không chú trọng ngành này như một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành nông nghiệp tạo ra một kỳ tích như vậy. Khi chúng ta mới mở cửa và đổi mới, thành tích xuất khẩu 1 triệu tấn lương thực đã khiến thế giới trầm trồ, khẳng định: Việt Nam chưa thoát nghèo, nhưng chắc chắn đã thoát đói. Ngày nay, 1 triệu tấn lương thực không còn là con số xuất khẩu lớn nữa, nhưng nó như một dấu mốc khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, nhất là trong những lúc khó khăn.

Để gia cố trụ đỡ nông nghiệp cho nền kinh tế hiện nay và tương lai, nên tập trung vào mấy giải pháp sau:

Một là, chú trọng nghiên cứu, dự báo thị trường lương thực thực phẩm trong nước và thế giới, nắm bắt những xu hướng tiêu thụ mới, những mối quan tâm xã hội và môi trường của người tiêu dùng. Đặc biệt chú ý đến những diễn biến khí hậu, biến đổi khí hậu, chiến tranh, loạn lạc trên thế giới có thể gây mất mùa, giảm năng suất các sản phẩm nông lâm, gây đứt gãy chuỗi cung ứng đến các vùng thị trường chủ chốt của Việt Nam. Dự báo sự gia tăng và xuất hiện các đối thủ mới đối với nông sản Việt Nam, cũng như những sản phẩm thay thế do công nghệ sinh học tạo ra và đưa vào sản xuất để kịp thời chuyển đổi, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi của chúng ta.

Hai là, xem trọng công tác tuyên truyền, tiếp thị để nâng cao vị thế nông sản Việt Nam. Những thành công vừa qua như gạo ST25 ngon nhất thế giới, rau quả Việt Nam vào thẳng các chuỗi siêu thị nước ngoài và được người tiêu dùng đón nhận, mì gói Việt Nam chiếm lĩnh thị phần áp đảo ở Campuchia,... là những ví dụ rất đáng chú ý để đẩy mạnh tiếp thị. Nghiên cứu lồng ghép tiếp thị lương thực, thực phẩm Việt Nam với các hoạt động tiếp thị khác như du lịch, cứu trợ, gìn giữ hòa bình trên thế giới. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các địa phương kết nối để tiêu thụ nông sản, nhất là các nông sản theo mùa (vải thiều, chôm chôm, sầu riêng...) khi vào vụ thu hoạch.

Ba là, tổ chức các vùng chuyên canh đủ lớn, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng nuôi trồng. Gắn nông nghiệp với các nghiên cứu khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học và môi trường. Hướng tới tạo được một số nông sản Việt Nam có thương hiệu quốc tế, chiếm lĩnh thị phần đáng kể trên một số thị trường. Việt Nam đã tạo được một vài sản phẩm lương thực thực phẩm theo hướng này như hạt điều, mỳ gói. Các mặt hàng khác như gạo, chuối, dừa, sen, xoài, sầu riêng, vải thiều cũng có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc này.

Bốn là, từng bước biến nông dân thành công nhân nông nghiệp, song song thực hiện ly nông bất ly hương để giảm bớt áp lực cho các vùng công nghiệp hóa - đô thị hóa nhanh. Tính toán đầu tư để các vùng nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa có các tiện nghi hiện đại theo hiệu ứng lan tỏa từ các đô thị lõi. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp gắn với chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa 3 nhà: nhà nông - nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Tổ chức thu mua song song, tiến tới hạn chế dần vai trò chủ đạo của thương lái trong việc thu mua nông sản như hiện nay để người làm nghề nông được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả lao động của họ.

Cuối cùng, cần một chiến lược tổng thể kết hợp với tư duy thị trường để nền nông nghiệp nước nhà “thả neo” vững chắc trong nền kinh tế thị trường có định hướng rõ ràng, minh bạch./.
8 February 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau