Tư nhân với công nghiệp hóa
DƯ HỒNG QUẢNG
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay, khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Trong quá trình công nghiệp hóa, với mỗi quốc gia, kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước có vai trò khác nhau. Chuyện ở Nhật Bản và Algeria là những ví dụ tham khảo.
Trong trạng thái phởn phơ của những năm 70 của thế kỷ XX, khi nguồn thu từ dầu mỏ tăng đột ngột, lại có cơ sở công nghiệp lớn nhất nhì trên lục địa châu Phi, một vị bộ trưởng đã vui vẻ dự đoán rằng Algeria sẽ là “Nhật Bản đầu tiên của châu Phi, và thứ hai của thế giới”.
Lời tiên đoán trên đúng đến đâu, chúng ta cùng xem cuốn “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” (Nhà xuất bản Tri thức, năm 2022). Theo tác giả David S. Landes thì Algeria thiết lập cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại, thúc đẩy công nghiệp nặng. Tất cả các thiết bị nhập khẩu đắt tiền thuộc sở hữu nhà nước, không định giá theo thị trường. Hoạt động sản xuất không hiệu quả nhưng phân phối lại theo lý tưởng bình quân.
Có nhà máy và thiết bị không có nghĩa là có đầu ra, và có đầu ra không có nghĩa là bán được sản phẩm. Không sản phẩm công nghiệp nào của Algeria có thể xuất khẩu, thậm chí trong thị trường nội địa, nhiều thứ cũng không thể sử dụng được. Trong 1/4 thế kỷ, GDP của Algeria giảm đến 15%.
Không giống các nước thích nhập khẩu thiết bị nước ngoài và cố gắng sử dụng chúng, Nhật Bản chỉnh sửa, cải tiến và tự chế tạo ra chúng. Trái với Algeria thực hiện sở hữu nhà nước, Nhật Bản đi theo con đường kinh tế tư nhân.
Nhật Bản bắt đầu từ lợi thế so sánh (dựa vào những ngành nghề truyền thống) hơn là mơ mộng công nghiệp nặng viển vông. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều nơi ở Nhật Bản, chính quyền bán các nhà máy của mình cho các doanh nghiệp tư nhân.
Tư nhân dễ cải tiến, dễ sáng tạo hơn khu vực nhà nước. Nhờ khuyến khích tư nhân, kéo sợi bông chuyển từ quay tay sang làm bằng máy. Giai đoạn 1886 - 1894, có 33 nhà máy do tư nhân thành lập, chủ yếu ở khu vực Osaka.
Giai đoạn 1886 - 1897, tổng giá trị sản lượng sợi tăng gấp 14 lần. Nếu năm 1886, trên 60% lượng sợi tiêu thụ tại Nhật Bản là nhập từ nước ngoài thì đến 1902, nước này không còn phải nhập nữa. Năm 1913, ngay trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, 1/4 lượng sợi bông xuất khẩu của thế giới đến từ Nhật Bản.
Nếu như Algeria hấp tấp thúc đẩy công nghiệp nặng, thì Nhật Bản bắt đầu từ công nghiệp nhẹ và sản xuất hàng tiêu dùng. Năng lượng điện đặc biệt phù hợp với công nghiệp nhẹ và các công xưởng nhỏ. Công ty Điện lực Tokyo ra đời nhờ tìm kiếm sự ủng hộ tư nhân với vốn góp của 64 doanh nhân và các cựu quý tộc trên địa bàn.
Ban đầu, Công ty Điện lực Tokyo xây các trạm sản xuất điện và chiếu sáng tư nhân quy mô nhỏ phục vụ các cửa hiệu, nhà máy, xưởng đóng tàu, rồi tiến tới cung cấp điện cho công chúng.
Từ năm 1887, các công ty tương tự như Điện lực Tokyo đã khởi nghiệp ở Kobe, Kyoto và Osaka. Đến năm 1920, động cơ điện sơ cấp chiếm 52% công suất năng lượng trong ngành sản xuất của Nhật Bản, vượt cả Mỹ (31%) và Anh (28%).
Nhật Bản là nước phi phương Tây đầu tiên thực hiện công nghiệp hóa thành công nhờ phát huy vai trò của khối tư nhân. Chính quyền không trực tiếp sản xuất mà tài trợ các chuyến đi học hỏi ở nước ngoài, mang về các chuyên gia nước ngoài, xây dựng các hệ thống kỹ thuật và tài trợ cho các dự án thương mại rủi ro. Đó là kinh nghiệm thành công của Nhật Bản.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 1-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nói Việt Nam hiện đứng trong top hơn 20 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đó là điều đáng mừng. Nhưng khâu vận chuyển còn chiếm tỷ trọng rất thấp trong kim ngạch xuất khẩu vì chúng ta không chủ động được vận chuyển quốc tế cargo.
Nước ta phải có cargo, trước hết là cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, không nhường mãi lợi nhuận này cho các hãng vận chuyển quốc tế của nước khác. Khu vực nhà nước chưa làm thì mời gọi doanh nghiệp tư nhân. Muốn khuyến khích tư nhân đầu tư thì Nhà nước không nên quản lý theo cách cũ mà cần kiến tạo phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trước đó, phát biểu thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (thành phố Hà Nội) cho rằng ở nước ta, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn và tài sản rất lớn nhưng hoạt động kém năng động, hiệu quả mang lại thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp không đúng quy luật làm méo mó thị trường. Quản lý doanh nghiệp nhà nước phải theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh, hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện Việt Nam.
Nhà tư tưởng canh tân nổi tiếng của Nhật Bản thế kỷ XIX là Fukuzawa Yukichi nói khu vực công càng tinh gọn, khu vực tư càng mở mang, đó mới là con đường phát triển trong thế giới văn minh./.









Các bài cũ hơn


