21/12/2024 | 19:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thế giới phẳng, văn hóa nhọn

Dư Hồng Quảng

“Ai bảo vệ vốn cổ của nước mình là người đó bảo vệ di sản của nhân loại”. Đây là quan điểm của người Thụy Sĩ được kiều bào Huyền Tôn Nữ trích dẫn khi phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV vừa tổ chức tại Hà Nội, tháng 8-2024.

Mặc áo dài Việt, đội khăn lối cổ, bà Huyền Tôn Nữ cho biết khác biệt văn hóa chính là thế mạnh mà bà và cộng đồng người Việt có được sau mấy chục năm sinh cơ lập nghiệp tại Thụy Sĩ - một trong những quốc gia văn minh nhất thế giới. Áo dài, nón lá, nhạc cung đình Huế, phở Hà Nội,... là nét đẹp Việt Nam giữa lòng châu Âu hiện đại. 

Chính quyền Thụy Sĩ trân trọng sự khác biệt của người nước ngoài vì điều đó đã làm giàu cho văn hóa Thụy Sĩ. Khác biệt chính là chìa khóa thành công, bà Huyền Tôn Nữ khẳng định.

Nhà báo nổi tiếng của Mỹ Thomas Friedman, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” (The world is flat), cho rằng trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng” hơn thì nền văn hóa của quốc gia, dân tộc nào cũng cần được đầu tư kỹ càng. Không chỉ để tăng cường sức đề kháng, mà sâu hơn là nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

Chúng ta hay nói về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vậy người nước ngoài nghĩ gì về vấn đề này? Trong chương trình chúng tôi học tại Canada, các học giả, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, doanh nhân thường được mời đến lớp nói chuyện. Năm 2010, Tiến sĩ Ian Cavanagh - Giám đốc công ty ICT Ambir (kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Canada, Mỹ và Ấn Độ) - được mời nói về vấn đề toàn cầu hóa.

Tiến sĩ Ian Cavanagh cho biết, cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ năm 2006 “Thế giới phẳng” có ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của mình. Với công ty kinh doanh đa quốc gia, Ian Cavanagh muốn lấy ý tưởng “thế giới phẳng” (flatworld) làm thương hiệu. Nhưng khi tìm kiếm trên Google, tên miền flatworld.com đã có một người đăng ký (mặc dù nó chưa hề được sử dụng để kinh doanh). Ian Cavanagh quyết định đàm phán mua lại tên miền này với giá mấy nghìn USD.

Một người Canada và một người Hàn Quốc bên kia bờ Thái Bình Dương, cách nhau hơn nửa vòng Trái đất, đã thỏa thuận mua bán thành công tên miền flatworld.com qua mạng. Với sự bùng nổ của Internet, mọi cá nhân ở mọi ngóc ngách trên thế giới đều có cơ hội thi thố khả năng của mình trong một sân chơi chung, đó là “thế giới phẳng”.

Là doanh nhân nói về văn hóa, cách tiếp cận vấn đề của Ian Cavanagh cũng rất khác. Anh cho rằng, muốn thành đạt trong kinh doanh, phải hiểu văn hóa. Nhiều năm làm việc tại các nước, Ian nhận ra rằng, nếu người phương Tây hài hước và hay nói thẳng, thực tế và quả quyết, thì người châu Á lại thân thiện, nồng hậu, dễ thích ứng, dễ đàm phán. 

Người phương Tây thích bày tỏ quan điểm thẳng thắn, nhưng với một số nước châu Á, họ không cho như vậy là tế nhị. Nếu bạn nói sai ở New York, người ta sẽ bảo ngay “ông sai rồi”, nhưng ở Ấn Độ, có thể người ta không nói ngay bạn không đúng.

Người Ấn Độ khác người Việt Nam. Việt Nam khác với Canada và Canada khác với các nước. Ian Cavanagh đánh giá cao sự khác biệt, nét độc đáo. Anh cho rằng người Việt tử tế, hòa nhã, dễ hợp tác. Khoảng 100 triệu người Việt rất thông minh, nhưng làm thế nào để thành đạt trong kinh doanh là điều cần quan tâm. 

“Các bạn nên bằng vốn văn hóa của mình để tiến gần hơn với phương Tây, đồng thời phương Tây chúng tôi cũng phải cố gắng tiến gần hơn để hiểu các bạn. Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam sẽ là các trung tâm hội nhập của kinh tế thế giới”, Ian Cavanagh nói.

Thế giới phẳng trong kinh doanh không có nghĩa là san phẳng nét văn hóa độc đáo của riêng các dân tộc. Tiếng Anh bây giờ được coi là phương tiện giao tiếp thương mại toàn cầu nhưng bạn không nên đánh mất văn hóa của mình khi nói tiếng Anh. 

Ian Cavanagh hỏi tôi: “tên bạn là gì”? “Tôi là Quảng”. “Bạn là Quảng, không phải là Jones, không phải là Tom. Khi nói tiếng Anh, tên bạn vẫn vang lên là Quảng. Đó là tên của riêng bạn, do cha mẹ bạn đặt. Những người nhập cư châu Á cứ thích gọi tên mình theo cách châu Âu, như thế tiện dụng, nhưng theo cá nhân tôi, chưa phải là tối ưu, có thể đã làm mất đi cái gì rất riêng của họ”.

Ian Cavanagh đã sống và làm việc ở nhiều nước, nhưng anh luôn tự hào mình là người Canada. Sau một thời gian dài làm việc ở Ấn Độ, khi trở lại Canada, anh đã khóc. Trong trái tim anh có cái gì đó như reo lên “đây là nước tôi, đây là nhà tôi”. Văn hóa đã thấm đẫm vào tầng sâu thẳm nhất trong lòng mỗi cá nhân. Ian Cavanagh kiếm bộn tiền từ quá trình hội nhập, nhưng anh bảo, mình không bao giờ để hòa tan bản sắc trong quá trình toàn cầu hóa./.

27 August 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)