05/02/2025 | 13:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cầm quân hay cầm tướng?

DƯ HỒNG QUẢNG

Trung Quốc thời Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang muốn đông tiến để tranh đoạt thiên hạ, bổ nhiệm Hàn Tín làm đại tướng quân. Các tướng không phục vì cậy mình công trạng cao, trong khi Hàn Tín là kẻ vô danh từ nơi khác đến.

Đối thoại trước ba quân, Hàn Tín hỏi các vị tướng quân không phục ông: nếu trao cho các tướng quân 10 vạn quân, thì sắp đặt thế nào, bao nhiêu quân cung nỏ, bao nhiêu kỵ binh, bao nhiêu quân thiết giáp, quân lương thế nào, 50 vạn quân thì bố trí ra sao, 100 vạn quân thì chỉ huy thế nào. Tất cả cứng họng. 

Một tướng hỏi vặn lại vậy Hàn Tín thì làm thế nào để chỉ huy được 100 vạn quân. Hàn Tín nói ta là đại tướng quân, ta chỉ huy các tướng, ta không cầm quân, ta cầm tướng. Quả nhiên sau này Hàn Tín điều binh khiển tướng, bách chiến bách thắng, giúp Lưu Bang thống nhất thiên hạ, lập ra triều đại nhà Hán.

Sau 400 năm thống nhất, giang sơn nhà Hán lại chia ba, lịch sử gọi là thời Tam Quốc. Gia Cát Lượng biết Tư Mã Ý không giỏi tấn công nhưng lại là cổ kim đệ nhất thủ. Khiêu chiến thế nào, Tư Mã Ý cũng phòng thủ không ra đánh. 

Gia Cát Lượng gửi váy áo đàn bà, nói Tư Mã Ý nếu không dám đánh thì nên mặc váy xanh áo đỏ. Quan quân dưới trướng gào thét đòi đánh một trận sống mái, nhưng Tư Mã Ý nhịn nhục, bình thản khoác bộ áo váy xanh đỏ trước ba quân để thể hiện quyết tâm phòng thủ, chờ thời.

Có được sự bình thản đó là vì Tư Mã Ý thăm dò, biết Gia Cát Lượng ăn ít, ngủ ít, lo nhiều, làm nhiều, thượng vàng hạ cám trong quân việc gì cũng phải quản. Từ thưởng 1 tiền đến phạt 20 gậy, cái gì cũng phải đích thân thừa tướng xét duyệt. Tài năng đến mấy mà phải ôm đồm quá mức như thế thì làm sao có sức để trường kỳ kháng chiến. Nghĩ vậy nên Tư Mã Ý cứ cố kết phòng thủ, đợi quân Thục của Gia Cát Lượng lâu ngày hết lương, không đánh tự lui.

Hàn Tín thành công giúp kiến lập triều đại nhà Hán, Gia Cát Lượng thì cúc cung tận tụy dốc sức trung hưng nhà Hán nhưng không thành, đó cũng không nằm ngoài mấy chữ phân cấp và ôm đồm. Gia Cát Lượng được coi là người tài nhất trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”. Nhưng dù tài giỏi đến đâu thì sức một người vẫn có hạn. Trong thực tiễn lịch sử thì giỏi làm thay mọi người không bằng chỉ đạo để mọi người cùng biết làm giỏi.

Thành ngữ Trung Hoa có câu “ba anh thợ giày da gộp lại bằng một ông Gia Cát Lượng”. Phân cấp, phân quyền thì mới có sáng tạo của nhiều người. Ôm đồm quá sẽ dẫn đến tình trạng cấp trên “thấy cây mà không thấy rừng”. Cơ chế vận hành tốt nhất là tránh để cấp trên phải giải quyết sự vụ của cấp dưới, để tập trung vào hoạch định chính sách và kiểm tra kết quả.

Nguyên tắc hành chính hiện nay là cấp trên không làm thay việc của cấp dưới. Nhưng việc thuộc thẩm quyền của các địa phương hiện nay vì sao vẫn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo? Quy định không rõ ràng khiến các tỉnh, thành phố đang có những cái khó không thể tự quyết. Đây rõ ràng là một vấn đề cần tháo gỡ.

Theo Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật sáng 23-9-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh bất cứ việc gì cấp dưới cũng lên “xin” cấp trên, mà phải căn cứ vào quy định, không thể bất cứ vấn đề gì dù nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương quyết. 

Thủ tướng đề nghị bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thủ trưởng các cơ quan phải quán triệt tinh thần này để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực, đồng thời nâng cao trách nhiệm, năng lực thực thi của cấp dưới.

Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ ban hành cơ chế, định hướng, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra; các bộ trưởng, các trưởng ngành chỉ làm vấn đề chiến lược, quy hoạch, định hướng chương trình, đường lối phát triển quan trọng cho đất nước, không nên sa vào những vấn đề cụ thể, dễ tạo môi trường “xin - cho”, dễ nảy sinh tiêu cực; ngân sách Trung ương chỉ đầu tư các chương trình dự án liên vùng, quốc gia, quốc tế; các chương trình, dự án cấp tỉnh phải phân cấp thực sự cho tỉnh, thành phố quyết định đầu tư.

Xưa thuyết chính danh quy định ai làm theo danh phận của người đó, vua ra vua, tôi ra tôi, thầy ra thầy, trò ra trò. Nay phân cấp để ai làm chức phận ấy. Trung ương đã phân cấp cho địa phương thì không nên làm việc của địa phương. Nếu đúng thẩm quyền thì địa phương không phải xin nữa, Trung ương cũng không được cho quyền giải quyết (đã phân cấp rồi, còn đâu mà cho). Làm được điều này chính là tháo gỡ một điểm nghẽn để phát triển./.

2 January 2025
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)